Trung Quốc công bố tua-bin gió 'khủng' nhất thế giới: Cao ngang tòa nhà 79 tầng, 3 cánh quạt dài tới 118m, vượt mặt "hàng Mỹ"

Anh Việt |

MySE 16.0-242 của MingYang Smart Energy đã soán ngôi vị tua-bin gió lớn nhất và mạnh nhất thế giới của Haliade-X – mẫu tua-bin gió được sản xuất bởi hãng GE (Mỹ).

Nhà sản xuất tua-bin gió MingYang Smart Energy (Trung Quốc) mới đây đã công bố mẫu tua bin gió ngoài khơi có kích thước và công suất khổng lồ, vốn được đánh giá là ‘khủng’ nhất thế giới hiện nay. Theo đó, MySE 16.0-242 của MingYang Smart Energy đã soán ngôi vị tua-bin gió lớn nhất và mạnh nhất thế giới của Haliade-X – mẫu tua-bin gió được sản xuất bởi hãng GE (Mỹ).

Sở hữu công suất 16 megawatt, chiều cao 242 mét (794 ft) – ngang với một tòa nhà 79 tầng, mỗi chiếc tua-bin MySE 16.0-242 có khả năng cung cấp năng lượng cho 20.000 ngôi nhà, với vòng đời sử dụng 25 năm.

Trung Quốc công bố tua-bin gió khủng nhất thế giới: Cao ngang tòa nhà 79 tầng, 3 cánh quạt dài tới 118m, vượt mặt hàng Mỹ - Ảnh 1.

Một mẫu tua-bin gió do MingYang Smart Energy sản xuất

MingYang cho biết MySE 16.0-242 chỉ là bước khởi đầu của một loạt mẫu tua-bin ngoài khơi mới của hãng. Được biết thêm, phần chân đế của MySE 16.0-242 có thể được lắp đặt dưới đáy biển hoặc trên một bệ nổi. Nguyên mẫu đầy đủ sẽ được chế tạo vào năm 2022, lắp đặt và đi vào hoạt động vào năm 2023. Quá trình sản xuất thương mại dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm 2024.

Khi tua-bin mới của MingYang xuất xưởng dưới dạng nguyên mẫu vào năm tới, ba cánh quạt dài 118 m (387 ft) của nó sẽ quét một khu vực 46.000 mét vuông (495.140 mét vuông), lớn hơn sáu sân bóng đá.

Hàng năm, mỗi chiếc tua-bin MySE 16.0-242 dự kiến sẽ tạo ra 80 GWh điện. Con số này của MySE 16.0-242 cao hơn 45% so với công suất mẫu tua-bin MySE 11.0-203 cũng của MingYang, trong khi MySE 16.0-242 chỉ lớn hơn MySE 11.0-203 19% về đường kính và diện tích quét. 

Đây cũng là lý do tại sao các tuabin gió luôn tăng dần về mặt kích thước: Càng lớn, chúng hoạt động càng tốt và hiệu quả. Điều này cũng có nghĩa, các nhà vận hành điện gió cũng ít phải triển khai các dự án lắp đặt nhiều tua-bin có kích thước nhỏ để đạt được cùng tổng công suất, vốn tốn kém hơn hẳn.

Trung Quốc công bố tua-bin gió khủng nhất thế giới: Cao ngang tòa nhà 79 tầng, 3 cánh quạt dài tới 118m, vượt mặt hàng Mỹ - Ảnh 2.

Haliade-X – mẫu tua-bin gió ngoài khơi được sản xuất bởi hãng GE (Mỹ) có thể được lắp đặt phần chân đế dưới đáy biển hoặc trên một bệ nổi

Sau cùng, sự xuất hiện của các tua-bin khổng lồ cũng giúp chi phí sản xuất năng lượng gió ngoài khơi sẽ giảm - một mức giảm rất cần thiết. Theo số liệu tại Mỹ, chi phí để tạo ra một MWh bằng năng lượng gió ngoài khơi cực kỳ đắt đỏ, lên tới 120,52 USD/ MWh. Trong khi đó, chi phí để tạo ra một MWh bằng công nghệ điện than siêu tới hạn chỉ khoảng 72,78 USD; và điện mặt trời là 32,78 USD.

Mặc dù vậy, điện gió vẫn đóng vai trò lấp đầy những khoảng trống mà năng lượng mặt trời không thể làm được, và nó sẽ là một phần quan trọng của hỗn hợp năng lượng sạch trong tương lai. Theo báo cáo của Renew Economy, việc mở rộng quy mô ngành công nghiệp với những tua-bin khổng lồ này là lý do chính khiến các chuyên gia trong ngành dự đoán rằng chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi sẽ giảm từ 37 đến 49% vào năm 2050.

Tham khảo News Atlas

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại