Dùng vệ tinh viễn thám, Trung Quốc phát hiện một loạt thảm họa địa chất tiềm ẩn ở hồ chứa đập Tam Hiệp

Anh Việt |

Với sự trợ giúp của các vệ tinh viễn thám, Trung Quốc đã hoàn thành việc xác định các thảm họa địa chất tiềm ẩn ở các khu vực có nguy cơ cao như đập Tam Hiệp

Trung Quốc hiện có tổng cộng 19 vệ tinh viễn thám trên quỹ đạo, đảm nhận việc theo dõi, nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, việc xác định trước các thảm họa địa chất tiềm ẩn là một phần quan trọng của hệ thống cảnh báo được cung cấp dữ liệu bởi công nghệ vệ tinh viễn thám.

Theo Shen Xuhui, kỹ sư trưởng của Học viện Quốc gia về Phòng chống và Kiểm soát Thiên tai Trung Quốc, các thiết bị viễn thám độ phân giải cao thường được sử dụng để xác định các nguy cơ tiềm ẩn của thiên tai như động đất và các yếu tố địa chất khác. Đây cũng là một công nghệ mà Trung Quốc đã đầu tư nghiên cứu phát triển và ứng dụng từ lâu nay.  

Theo báo cáo của Bộ tài nguyên của Trung Quốc vào hôm 20/8 vừa qua, tổng cộng 8.450 mối nguy cơ tiềm tàng về mặt địa chất đã được phát hiện bởi các vệ tinh viễn thám của nước này, chỉ tính riêng trong năm 2020. Các nguy cơ này nằm ở các khu vực như thượng nguồn sông Hoàng Hà, khu vực địa chấn cao ở tỉnh Tứ Xuyên, khu vực đông nam của Tây Tạng, khu vực tây bắc của tỉnh Vân Nam, và đặc biệt là khu vực hồ chứa đập Tam Hiệp.

Tích cực theo dõi các mối nguy tiềm ẩn trong khu vực đập Tam Hiệp

Lũ lụt định kỳ của sông Dương Tử là một trong những lý do khiến Trung Quốc xây dựng đập Tam Hiệp, vốn đang giữ ngôi vị đập thủy điện lớn nhất thế giới. Trên ý tưởng lưu trữ và sau đó xả nước một cách cẩn thận, đập Tam Hiệp được kỳ vọng có thể ngăn chặn những thảm họa như trận lũ lụt năm 1998, khiến hàng triệu người Trung Quốc mất nhà cửa.

Dùng vệ tinh viễn thám, Trung Quốc phát hiện một loạt thảm họa địa chất tiềm ẩn ở hồ chứa đập Tam Hiệp - Ảnh 1.

Đập Tam Hiệp nhìn từ trên cao

Theo thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc đã xây dựng và vận hành an toàn dự án Tam Hiệp trong suốt nhiều năm mà không gặp bất kỳ thảm họa địa chất nào. Cụ thể, những nỗ lực trong công tác phòng chống và kiểm soát các thảm họa địa chất tại khu vực hồ chứa nước Tam Hiệp đã đạt được mức "không thương vong" trong 17 năm liên tục, đảm bảo an toàn địa chất trong khu vực.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tích cực theo dõi và chủ động phát hiện các mối nguy tiềm ẩn trong khu vực Tam Hiệp bằng các biện pháp công nghệ.

Một trung tâm giám sát và cảnh báo sớm của Hồ chứa Tam Hiệp thuộc Bộ Tài nguyên nước này đã làm việc với chính quyền địa phương ở tỉnh Hồ Bắc và Trùng Khánh (Trung Quốc) để xây dựng một hệ thống giám sát, được điều hành bởi các chuyên gia và hệ thống máy tính tối tân.

Bộ Giáo dục Trung Quốc năm 2008 đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tam Hiệp về các hiểm họa địa lý. Công việc của trung tâm bao gồm xây dựng "Hệ thống dự báo và cảnh báo nguy cơ địa chất trong khu vực Hồ chứa Tam Hiệp".

Báo Tài nguyên cho biết, khu vực hồ Tam Hiệp có tình trạng địa chất phức tạp, thường xuyên xảy ra bão lũ. Hơn nữa, kể từ khi bắt đầu tích trữ nước, hàng năm hồ chứa này liên tục có sự thay đổi về mực nước khoảng 30 mét.

Ngoài ra, ở một mức độ nào đó, các điều kiện địa chất của mái dốc của Hồ chứa đập Tam Hiệp đã bị thay đổi, khiến nguy cơ xuất hiện các thảm họa địa chất trong khu vực lòng hồ chứa đã trở nên cao hơn.

Từ năm 2003 đến năm 2020, hồ chứa đập Tam Hiệp đã được lấp đầy 61 lần để ngăn lũ, trong đó ba lần là nhằm đối phó các trận lũ với lưu lượng nước lớn hơn 70.000m3/giây. Vào giữa tháng 7/2021, thượng nguồn và các nhánh của sông Dương Tử đã trải qua đợt mưa lớn dai dẳng, gây ra 2 trận lũ lụt liên tiếp với lưu lượng nước lũ lên tới hơn 40.000m3/giây. 

Trước 2 trận lũ này, đập Tam Hiệp đã giải phóng trước 1,284 tỉ m3 dung tích hồ chứa, kiểm soát lưu lượng xả lũ ở khoảng 31.300 m3/giây.

Tham khảo Global Times

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại