Trung Quốc công bố loạt chỉ số u ám: Thủ tướng Lý Khắc Cường lần đầu phải thừa nhận kịch bản không tưởng

Hải Võ |

Ngày 14/10, ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường triệu tập cuộc tọa đàm để nghe ý kiến và kiến nghị về tình hình kinh tế nước này thời điểm hiện tại.

Rủi ro Trung Quốc không đạt mục tiêu tăng trưởng

Phát biểu tại buổi tọa đàm gồm những quan chức phụ trách kinh tế chủ chốt của một số tỉnh, thành Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường nói kinh tế Trung Quốc trong năm nay "về tổng thể vận hành bình ổn, song hiện nay sức ép kinh tế đi xuống đang gia tăng, khó khăn đối với các thực thể kinh tế trở nên nổi trội".

Ông Lý nhấn mạnh, các địa phương "phải lấy việc cải thiện đời sống người dân làm phương hướng, gây dựng nhu cầu tiêu dùng và đầu tư có hiệu quả, chống đỡ sức ép kinh tế đi xuống, tiếp tục làm tốt công tác tạo việc làm, bình ổn giá cả, bảo đảm công tác dân sinh, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu vận hành kinh tế chủ chốt cả năm".

Thủ tướng Trung Quốc yêu cầu 5 tỉnh trưởng các tỉnh Thiểm Tây, Giang Tô, Hà Nam, Hồ Bắc, và Quảng Đông rằng giới chức địa phương phải "nâng cao ý thức cấp bách và tinh thần trách nhiệm", nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế ổn định và "phải đặt vấn đề tăng trưởng vào vị trí nổi bật hơn" trong nghị trình công tác của họ.

Ông Lý cũng yêu cầu các tỉnh trưởng củng cố "tư duy giới hạn đáy" - cụm từ được nhà chức trách Trung Quốc sử dụng để mô tả sự cần thiết phải cân nhắc kịch bản xấu nhất và các bước hành động để trách kịch bản đó xảy ra.

Thông điệp của thủ tướng Lý là thông điệp mạnh cho thấy Trung Quốc ngày càng quan ngại trước thực trạng nền kinh tế bị chững lại tồi tệ hơn so với dự kiến, do những tác động của cuộc chiến tranh thương mại kéo dài 15 tháng qua với Mỹ.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) chỉ ra, phát biểu ngày 14 của ông Lý Khắc Cường cũng là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc ngụ ý rằng những mục tiêu của năm 2019 - bao gồm chỉ tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 6% - có rủi ro không thể đạt được. 

Điều này cũng hé lộ góc nhìn bi quan hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc so với những báo cáo trước đây của chính phủ nước này.

Nếu chỉ tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu năm 2019 là 6% không đạt được, ông Lý sẽ trở thành thủ tướng Trung Quốc đầu tiên phải báo cáo trước Quốc hội nước này trong kỳ họp vào đầu năm sau, với "vết đen" không thể hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Trung Quốc công bố loạt chỉ số u ám: Thủ tướng Lý Khắc Cường lần đầu phải thừa nhận kịch bản không tưởng - Ảnh 2.

Ông Lý Khắc Cường chủ trì phiên tọa đàm ngày 14/10 tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

Hàng loạt chỉ số tăng trưởng "xám xịt"

Chỉ số tăng trưởng GDP quý 3/2019, dự kiến công bố vào thứ Sáu tới (18/10), được cho là sẽ thể hiện mức sụt giảm tăng trưởng sâu hơn so với mức 6.2% của quý 2.

Chiến tranh thương mại leo thang với Mỹ đã làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng và gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hãng điện tử khổng lồ Hàn Quốc Samsung đã đóng cửa nhà máy điện thoại di động cuối cùng tại Trung Quốc vào tháng 9, trong khi hãng đại lý xe hơi lớn nhất Trung Quốc Pang Da buộc phải khởi động lộ trình phá sản.

Ngay cả trong các số liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc, tình trạng trì trệ cũng được bộc lộ khi khu vực sản xuất sụt giảm, đầu tư tăng trưởng chậm, và tiêu dùng đi xuống. Chỉ số của Tổng cục hải quan Trung Quốc ngày 14/10 cho thấy xuất khẩu tháng 9 của Trung Quốc giảm 3.2% so với cùng kỳ năm ngoái, sâu hơn so với mức dự báo 2.8% được Bloomberg đưa ra trước đó.

Trung Quốc công bố loạt chỉ số u ám: Thủ tướng Lý Khắc Cường lần đầu phải thừa nhận kịch bản không tưởng - Ảnh 3.

CPI tháng 9 tăng 3%, cho thấy đời sống của người dân Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn (Ảnh: Reuters)

Tại tỉnh ven biển Chiết Giang, số liệu tháng 9 do Cục thống kê tỉnh công bố cho thấy lợi nhuận hợp nhất của các doanh nghiệp hàng đầu tăng 2.8% trong 8 tháng đầu năm 2019, nhưng số liệu này sau đó đã bị xóa khỏi website của đơn vị.

Dù vậy, số liệu của Chiết Giang vẫn khởi sắc hơn bức tranh tổng thể của cả nước, khi lợi nhuận công nghiệp quốc gia giảm 1.7% trong cùng kỳ. Theo Cục thông kê Chiết Giang, lợi nhuận công nghiệp ở Thượng Hải giảm sâu 19% trong 8 tháng đầu năm, trong khi chỉ số của Bắc Kinh giảm 14.4%, tại Sơn Đông là -13%, Giang Tô -3.5%, và Quảng Đông là -0.4%.

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tháng 9 tăng 3% so với cùng kỳ - chạm giới hạn trần của chính phủ cho CPI cả năm. Trong đó, giá thực phẩm tăng 11.2% so với cùng kỳ năm ngoái, giá cả sản phẩm phi thực phẩm tăng 1%.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 9 giảm 2.1% so với cùng kỳ. PPI Trung Quốc đã có giá trị âm trong ba tháng liên tiếp, trong bối cảnh nhu cầu nội địa suy yếu buộc nhà sản xuất giảm giá sản phẩm.

Trung Quốc công bố loạt chỉ số u ám: Thủ tướng Lý Khắc Cường lần đầu phải thừa nhận kịch bản không tưởng - Ảnh 4.

Biểu đồ thể hiện tỉ lệ tăng giá thịt lợn ở Trung Quốc giai đoạn tháng 9/2018-9/2019 (Nguồn: Cục thống kê nhà nước Trung Quốc)

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại

Theo CNBC (Mỹ), giá thịt lợn tăng là nguyên nhân then chốt làm leo thang tổng thể giá tiêu dùng ở Trung Quốc. Giá thịt lợn đã tăng 69.3% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, bởi thị trường nước này vẫn chật vật khắc phục hậu quả thiếu hụt nguồn cung do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Giá thịt lợn leo thang đã đánh vào túi tiền của đại bộ phận người dân. Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa hồi cuối tháng 8 gọi việc đảm bảo nguồn cung thịt lợn là "nhiệm vụ chính trị quan trọng". Nhưng báo cáo của các nhà phân tích từ Capital Economics hồi tuần trước cho biết các giải pháp của Bắc Kinh - gồm đẩy mạnh phát triển các trại chăn nuôi cũng như mở kho dự trữ chiến lược - không cho thấy hiệu quả.

"Lợn tiếp tục chết với số lượng lớn và giá thịt lợn đang leo thang," báo cáo viết.

Tại cuộc tọa đàm ngày 14, ông Lý Khắc Cường không thông báo thêm biện pháp kích thích kinh tế nào mới, mà chỉ yêu cầu các quan chức địa phương thực thi "những chính sách đã có", gồm cắt giảm thuế doanh nghiệp và cá nhân, hạ thấp chi phí tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ.

Các địa phương cũng được chỉ thị tận dụng tốt "trái phiếu mục đích đặc biệt" - với số tiền thu được dùng để đầu tư cho hạ tầng cùng những dự án được chỉ định khác - như một giải pháp "mở rộng đầu tư có hiệu quả".

Larry Hu, nhà kinh tế trưởng của Macquarie Capital ở Hồng Kông, viết trong một phân tích rằng Bắc Kinh cần phải nâng cấp các chương trình kích cầu để ngăn chặn kinh tế sụt giảm sâu hơn.

"Dù có hay không có thỏa thuận thương mại [với Mỹ], nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục chậm lại" cho đến khi Bắc Kinh khởi động chương trình kích thích tăng trưởng rộng hơn và lớn hơn. Thỏa thuận đình chiến thương mại "giai đoạn 1" - đạt được tại vòng đàm phán ngày 10-11/10 vừa qua - được ông Hu mô tả là "nhằm ngăn chặn tình trạng diễn biến tệ hơn, chứ không làm tình hình tốt lên về thực chất".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại