Trung Quốc có thể ngán Clinton, nhưng tuyệt đối không sợ Trump

Đức Huy |

Trong bài phân tích đăng trên tạp chí Politico, tác giả Aaron Mak chỉ ra những lý do tại sao dù liên tục bị Donald Trump công kích, người Trung Quốc không hề "ngại" ứng viên này.

Sau nhiều tháng kêu ca, từ "chúng ta [Mỹ] đang bị Trung Quốc áp đảo" trong thương mại, đến "Trung Quốc đang dắt mũi Mỹ" trong vấn đề Triều Tiên, ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy giọng điệu chống Trung Quốc lên một cung bậc mới "kinh khủng" hơn gấp bội.

"Chúng ta không thể tiếp tục để Trung Quốc cưỡng hiếp [trong thương mại] như vậy được. Đây đúng là màn trộm cắp quy mô nhất trong lịch sử thế giới" - Trump tuyên bố trong một bài phát biểu trước cử tri ủng hộ hôm 1/5.

Chỉ 2 ngày sau, cách dùng từ thô thiển của tỉ phú bất động sản Mỹ đã trở thành chủ đề được bàn tán nhiều thứ 4 trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Đa phần các phản hồi là những biểu tượng cười lớn, hay những câu đùa thô thiển khác "đáp lễ" Trump.

Song theo ông Mak, khá ngạc nhiên là phản ứng về phát ngôn của Trump trên các phương tiện truyền thông nước này lại tương đối mờ nhạt.

Đáng chú ý chỉ có bài viết của Thời báo Hoàn cầu, tờ báo đảng Trung Quốc nổi tiếng với giọng điệu bảo thủ, cho rằng phát ngôn của Trump đơn thuần chỉ là một chiêu trò mang tính dân túy của ứng viên này, và giao thương Mỹ-Trung thực chất còn có lợi hơn cho Washington.

Trên trang tin Interface do Bắc Kinh kiểm soát nội dung, một bài viết thậm chí còn dùng phát ngôn "cưỡng hiếp" của Trump như minh chứng để ủng hộ tỉ phú này thắng cử, bởi họ cho rằng, thà có một Tổng thống Mỹ quan tâm đến các hợp đồng kinh doanh, còn hơn một Tổng thống Mỹ quyết áp đặt các giá trị dân chủ của Mỹ trên thế giới hay củng cố vị thế đồng minh ở châu Á.

---

Theo ông Mak, nếu căn cứ vào những phát ngôn của Trump kể từ đầu chiến dịch tranh cử tới nay, nhiều người sẽ nghĩ rằng Trung Quốc chắc hẳn đang lo sợ trước viễn cảnh tỉ phú Mỹ trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng.

Cũng dễ hiểu, bởi hiếm khi nào một ứng viên Tổng thống Mỹ lại có thể công kích tới tấp một đối tác giao thương của mình đến vậy. Từ khi tuyên bố tranh cử, Trump đã:

- Cáo buộc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.

- Cáo buộc Trung Quốc "cướp" việc của người dân Mỹ

- Tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế chung 45% cho tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tỉ phú bất động sản Mỹ không giấu giếm ý định "đánh sập" nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu của Bắc Kinh, và Trung Quốc là chủ đề được ông nhắc tới nhiều nhất trong các chia sẻ trên mạng xã hội, hơn cả Mexico hay Nhà nước Hồi giáo (IS).

Nhưng nếu các nhà kinh tế học, giới ngoại giao, và nhóm ủng hộ mậu dịch tự do sợ "tái mặt" trước viễn cảnh Trump đắc cử, thì chính người dân Trung Quốc, nhóm người mà ai cũng nghĩ đáng ra phải "hãi" nhất, lại vẫn hết sức lạc quan và bình thản.

Thương hiệu Trump tại Trung Quốc

Trong khi chính phủ Trung Quốc vẫn im hơi lặng tiếng không đáp trả các phát biểu của Trump, thì một cuộc thăm dò dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên mạng xã hội cho thấy, một bộ phận lớn người Trung Quốc cho rằng "Tổng thống Trump" sẽ có lợi với Trung Quốc hơn "Tổng thống Clinton".

Một số người dân nước này thán phục tài kinh doanh, thương hiệu Trump, cũng như cá tính "thẳng như ruột ngựa" của tí phú này. Số khác nghĩ rằng chính sách đối ngoại của Trump sẽ giúp Trung Quốc "rảnh tay" hởn để khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

Ban đầu, cũng giống như truyền thông Mỹ, báo chí Trung Quốc không coi Trump là một ứng viên "nghiêm túc", và coi chiến dịch tranh cử của tỉ phú này chẳng khác gì một chiêu trò làm hình ảnh.


Khi Trump phát động tranh cử, không nhiều người Trung Quốc coi ông là một ứng viên nghiêm túc. Ảnh: AP

Khi Trump phát động tranh cử, không nhiều người Trung Quốc coi ông là một ứng viên "nghiêm túc". Ảnh: AP

Nhưng khi Trump thắng hết bang này đến bang khác trong vòng bầu cử sơ bộ, người Trung Quốc đã nhìn ông bằng con mắt khác. Những "fan club" của Trump thậm chí còn xuất hiện trên các trang mạng xã hội nước này.

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 3 cho thấy, quá nửa trong số 3.330 độc giả Thời báo Hoàn cầu trả lời thăm dò nói rằng, họ ủng hộ Trump trở thành Tổng thống, tức là cao hơn cả mức trung bình 40% hiện nay của các cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ.

Như đã nói ở trên, sự ủng hộ dành cho Trump ở Trung Quốc xuất phát từ hình ảnh một doanh nhân thành đạt mà ông tạo dựng được trong tâm trí giới tài phiệt tham vọng tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

"Trung Quốc ngày nay có một hội chứng 'cuồng' các doanh nhân thành đạt" - Xincheng Shen, phóng viên báo đảng Trung Quốc The Paper, nhận xét.

Trong thập kỉ qua, thương hiệu Trump đã thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Dây chuyền khách sạn hạng sang của ông được giới thiệu riêng cho du khách Trung Quốc, và dự kiến sẽ xuất hiện tại Bắc Kinh, Thâm Quyến, và Thượng Hải.

Biểu tượng của sự thành đạt đã khiến thương hiệu Trump thậm chí còn xuất hiện trong nhiều nhãn hàng Trung Quốc, như bệ ngồi toa-lét hạng sang của Tập đoàn Công nghiệp Trump Thâm Quyến; công ty bất động sản Trump tại Hà Nam; hay hãng điện tử Trump Electronics chuyên sản xuất máy lọc không khí ở An Huy.


Toa-lét hạng sang mang thương hiệu Trump

Toa-lét hạng sang mang thương hiệu Trump

Lợi thế về chính trị

Bên cạnh thương hiệu của Trump, nhiều người Trung Quốc nghĩ rằng năng lực kinh doanh của tỉ phú này sẽ dẫn tới sự thực dụng trong chính sách đối ngoại của ông nếu trở thành Tổng thống, và điều đó sẽ có lợi cho Trung Quốc.

Trump đã nhiều lần đặt dấu hỏi cho việc Mỹ đóng quân tại các căn cứ ở châu Á - Thái Bình Dương, và cho rằng điều đó khiến Washington tiêu tốn quá nhiều ngân sách, trong khi các đồng minh như Nhật-Hàn được thể ỷ lại và thách thức Trung Quốc.

"Nếu chúng ta bị tấn công, họ [Nhật Bản, Hàn Quốc] không phải bảo vệ chúng ta. Nhưng nếu họ bị tấn công, chúng ta bắt buộc phải bảo vệ họ. Và đó thực sự là một vấn đề" - Trump phát biểu trên tờ New York Times hồi tháng 3.

Nói như vậy đúng là quá thuận tai người Trung Quốc.

"Nếu Trump đắc cử Tổng thống, ông sẽ hợp tác với Trung Quốc, và Nhật Bản sẽ bất lợi" - trích một bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn cầu chỉ một ngày sau phát biểu nói trên của Trump.

Nhân dân Nhật báo cũng hoan hỉ không kém, khi cho rằng việc Trump coi nhẹ liên minh với Nhật, Hàn sẽ giúp Trung Quốc trở thành thế lực quân sự độc tôn trong khu vực.

Trong các vấn đề kinh tế, việc Trump chỉ trích Trung Quốc thậm tệ cũng được giới phân tích nước này quy về yếu tố chính trị. Họ cho rằng Trump nói vậy chỉ để thu hút sự ủng hộ của cử tri, và một khi thắng cử sẽ có thái độ hòa hảo hơn với Trung Quốc.

Ngoài ra, việc tỉ phú Mỹ phản đối TPP cũng khiến Trung Quốc tin rằng Trump không "anti-Trung Quốc" như những tuyên bố của ông.

Thích Trump vì... không ưa nổi Clinton

Chính sách "xoay trục châu Á" do bà Clinton khởi xướng khi còn nắm giữ cương vị Ngoại trưởng từ trước đến nay vẫn khiến người Trung Quốc lo ngại về viễn cảnh một nước Mỹ chuyên tâm kiểm soát và chế ngự sự nổi lên của Trung Quốc trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.


Nếu như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn nhắc đến lý tưởng Giấc mơ Trung Hoa, thì việc bà Hillary Clinton đắc cử Tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ tạo ra một cơn ác mộng.

Nếu như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn nhắc đến lý tưởng Giấc mơ Trung Hoa, thì việc bà Hillary Clinton đắc cử Tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ tạo ra một cơn ác mộng.

Người Trung Quốc, hay chí ít là cư dân mạng nước này, cho rằng bà Clinton sẽ không vì giao thương mà mềm mỏng với Trung Quốc như những gì một doanh nhân như Trump nhiều khả năng sẽ làm.

"Khác với các chính trị gia đúng nghĩa, những người thường đặt các giá trị tư tưởng lên hàng đầu trong ngoại giao, Trump sẽ có một cách nghĩ thực tế hơn" - trích bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu. "Chính trị gia đúng nghĩa" ở đây có thể hiểu là bà Clinton.

Tất nhiên, không thể nói rằng ai ở Trung Quốc cũng ủng hộ Trump. Một đất nước 1,3 tỉ dân đương nhiên không thiếu những luồng ý kiến trái chiều.

Trong một bài phỏng vấn mới đây với Wall Street Journal, bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ đã gọi Trump là "một tuýp người phi logic". Ông Lâu là một quan chức Trung Quốc hiếm hoi công khai nhận xét về Trump, song nhận định của ông có lẽ phản ánh suy nghĩ chung của giới cầm quyền Trung Quốc về tỉ phú Mỹ.

Nhưng suy cho cùng, với Trung Quốc, một lãnh đạo Mỹ "phi logic" vẫn tốt chán nếu so với một "ác mộng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại