Trong bối cảnh leo thang gia tăng ở Trung Đông, nhiều chuyên gia hiện đang quan tâm đến các vấn đề phức tạp về địa chính trị, thương mại cũng như kinh tế có thể nảy sinh đối với nhiều quốc gia sau một cuộc tấn công tổng hợp có thể xảy ra của Israel nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu khí của Iran.
Đặc biệt, họ quan tâm nhiều nhất đến câu hỏi ai sẽ là người phải chịu thiệt hại nặng nề nhất khi diễn biến các sự kiện xảy ra theo chiều hướng như vậy, ngoại trừ chính Iran.
Cần lưu ý rằng một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng chắc chắn sẽ khiến giá dầu tăng mạnh khi nguồn cung vàng đen của Iran ra thị trường thế giới bị ngừng lại.
Hành động này thậm chí có thể gây ra sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ, nếu Washington tham gia vào chiến dịch quân sự của Tel Aviv.
Vấn đề là Trung Quốc có sự phụ thuộc nhất định vào dầu mỏ của Iran, nên những gì đang diễn ra dự kiến không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao, mà còn gây ra những hậu quả rộng lớn hơn nhiều.
Theo thống kê, trong năm 2023, Bắc Kinh đã mua 91% tổng lượng dầu xuất khẩu của Iran, trong khi năm 2017 con số này chỉ là 26%.
Cần nhấn mạnh ý rằng đây là khoảng 15% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc.
Trong khi đó, 9% "vàng đen" xuất khẩu còn lại của Iran được gửi tới chỉ hai quốc gia - Syria - 7% và Venezuela - 2% vào năm 2023.
Trước đó vào năm 2017, địa bàn cung cấp của Iran rộng lớn hơn nhiều. Ngoài Trung Quốc như đã nhắc tới ở trên, Iran còn cung cấp dầu cho Ấn Độ - 20%, các nước châu Âu - 19%, Hàn Quốc - 12%, Thổ Nhĩ Kỳ - 10%, UAE - 5%, Nhật Bản - 4%, Syria - 1% và các nước khác - 2%.
Trung Quốc đang mua một lượng lớn dầu thô từ Nga.