Những quốc gia tự sản xuất pin xe điện sẽ có nhiều thập kỷ lợi thế về kinh tế-địa chính trị và người chiến thắng duy nhất cho đến thời điểm hiện tại là Trung Quốc.
Bất chấp hàng tỷ USD đầu tư của phương Tây, Trung Quốc vẫn tiến xa - khai thác khoáng sản quý hiếm, đào tạo kỹ sư và xây dựng các nhà máy khổng lồ - thứ mà phần còn lại của thế giới có thể mất hàng thập kỷ để bắt kịp. Thậm chí đến năm 2030, đại lục sẽ sản xuất nhiều gấp đôi lượng pin của những quốc gia khác cộng lại, theo ước tính từ nhóm tư vấn Benchmark Minerals.
Dưới đây chính là cách Trung Quốc kiểm soát từng bước sản xuất pin lithium-ion, từ việc lấy nguyên liệu thô đến sản xuất ô tô và lý do vì sao nước này có thể duy trì lợi thế lâu đến vậy.
Ô tô điện sử dụng lượng khoáng sản quý hiếm gấp khoảng 6 lần so với ô tô thông thường và Trung Quốc có quyền quyết định ai sẽ lấy khoáng sản trước, với giá cụ thể bao nhiêu. Nước này ít mỏ nguyên liệu dưới lòng đất, song đã theo đuổi một chiến lược dài hạn để giành được nguồn cung cấp giá rẻ và ổn định. Các công ty Trung Quốc, dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước, đã mua cổ phần của rất nhiều công ty khai thác mỏ khắp năm châu lục.
Trung Quốc sở hữu hầu hết các mỏ coban ở Congo, nơi cung cấp phần lớn nguyên liệu khan hiếm cần thiết cho loại pin phổ biến nhất thế giới. Các công ty Mỹ không theo kịp và thậm chí còn bán mỏ cho các đối tác Trung Quốc. Kết quả là, Trung Quốc kiểm soát 41% hoạt động khai thác coban trên thế giới và khai thác nhiều nhất lithium, chất vô cùng quan trọng để sản xuất pin xe điện.
Nguồn cung cấp niken, mangan và than chì toàn cầu lớn hơn nhiều và pin chỉ sử dụng một phần nhỏ. Dẫu vậy, nguồn cung ổn định mà Trung Quốc sở hữu vẫn mang lại nhiều lợi thế. Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia sẽ giúp nước này trở thành nhà kiểm soát niken lớn nhất vào năm 2027, theo dự báo của CRU Group. Ngoài ra, than chì cũng chủ yếu được khai thác ở Trung Quốc.
Các nước phương Tây cũng sở hữu một số mỏ khoáng và nỗ lực bắt kịp Trung Quốc. Đáng tiếc, công cuộc đẩy mạnh sản xuất vô cùng chậm chạp. Dòng tiền đưa vào các quốc gia cũng không thực sự ổn định trong khi lao động tay nghề kém.
Trung bình một mỏ khoáng mới có thể mất hơn 20 năm để đạt sản lượng tối đa. Mặc dù Mỹ đang đầu tư khai thác trữ lượng lithium đáng kể, song nỗ lực này đã vấp phải rất nhiều chỉ trích từ dân địa phương.
Trung Quốc tự sản xuất pin xe điện nên có nhiều thập kỷ lợi thế về kinh tế-địa chính trị.
Dù thế nào đi chăng nữa, gần như mọi thứ đều được chuyển đến Trung Quốc để tinh chế thành vật liệu cung cấp cho pin. Sau khi quặng được khai thác, nó sẽ được nghiền thành bột, sau đó đi qua nhiệt và hóa chất để cô lập các hợp chất khoáng.
Những quá trình như thế này tiêu tốn một lượng lớn năng lượng. Tuy nhiên, nhờ được chính phủ hỗ trợ bằng đất đai và năng lượng giá rẻ, các công ty Trung Quốc đã có thể tinh chế khoáng sản khối lượng lớn với chi phí thấp hơn nhiều những nước khác.
Trong khi đó, Mỹ lại có rất ít khả năng xử lý. Một nhà máy lọc dầu thường mất từ 2-5 năm để xây dựng. Đào tạo công nhân và điều chỉnh thiết bị có thể mất thêm thời gian.
Theo The New York Times, Trung Quốc trở thành nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới một phần nhờ tìm ra cách sản xuất các bộ phận pin hiệu quả chi phí thấp. Thành phần quan trọng nhất là cực âm, cực dương của pin, trong đó, cực âm là vật liệu khó chế tạo và tốn nhiều năng lượng nhất.
Trung Quốc đi đầu trong việc đầu tư vào một giải pháp thay thế rẻ hơn và hiện đã chiếm một nửa thị trường cực âm. Đó chính là LFP, một loại pin lithium-ion sử dụng lithium iron phosphate làm vật liệu cực âm. Đối với các nước phương Tây, LFP là cơ hội để vượt qua các nút thắt cổ chai khoáng sản và nguyên liệu này được Trung Quốc sản xuất gần như toàn bộ.
Hiện tại, Mỹ chỉ sản xuất khoảng 1% catốt trên thế giới. Các công ty Mỹ quan tâm đến LFP đều phải hợp tác với các công ty Trung Quốc có kinh nghiệm để sản xuất.
Trung Quốc có nhiều ô tô điện nhất và gần như tất cả đều sử dụng pin trong nước sản xuất. Năm 2015, Bắc Kinh ban hành chính sách ngăn chặn các đối thủ nước ngoài và nâng cao nhu cầu của người tiêu dùng. Các nhà sản xuất pin Trung Quốc như CATL và BYD đã phát triển vượt trội so với các đối thủ Nhật Bản và Hàn Quốc, sau đó trở thành những “ông lớn” trên thị trường.
Tám năm sau, chính quyền Tổng thống Joe Biden theo đuổi một chiến lược tương tự để thúc đẩy sự phát triển của pin, song trong một ngành công nghiệp chi phí vốn khổng lồ và tỷ suất lợi nhuận thấp, các công ty Trung Quốc vẫn có một khởi đầu thuận lợi hơn.
Theo Heiner Heimes, giáo sư tại Đại học RWTH Aachen ở Đức, Trung Quốc có thể xây dựng các nhà máy sản xuất pin với chi phí rẻ gần bằng một nửa so với các nước ở Bắc Mỹ hoặc Châu Âu. Nguyên nhân một phần đến từ chi phí lao động thấp.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trung Quốc đã chi hơn 130 tỷ USD vào mục tiêu nghiên cứu, hợp tác chính phủ và trợ cấp người tiêu dùng. Người mua ô tô điện ở Trung Quốc đều được giảm thuế, hưởng ưu đãi đăng ký và tiếp cận mạng lưới sạc rộng khắp. Các khoản đầu tư đã cho phép Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản xuất, thiết bị và thiết kế sản phẩm.
Các chuyên gia cho rằng hiện chưa có quốc gia nào có thể tự chủ trong chuỗi cung ứng pin, dù cho lao động có rẻ như thế nào đi chăng nữa. Họ cuối cùng cũng sẽ phải tìm cách thiết lập quan hệ đối tác với các nhà sản xuất Trung Quốc để tham gia hoặc mở rộng quy mô trong ngành, theo Scott Kennedy, cố vấn cấp cao của C.S.I.S.
Theo các chuyên gia, chuỗi cung ứng của Trung Quốc có “chất gây nghiện” bởi đa số các nhà sản xuất ô tô quốc tế đều cần pin giá rẻ để cạnh tranh. Thị trường pin này dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần lên 693,70 tỷ USD vào năm 2030 so với mốc 193,55 tỷ USD hồi năm ngoái.
“Đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với các nhà sản xuất ô tô Mỹ”, Yang Jing, Giám đốc nghiên cứu doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương tại Fitch cho biết. “Mỹ nhận ra Trung Quốc đang thống trị toàn bộ chuỗi cung ứng. Nếu họ chỉ bán xe điện mà không xây dựng chuỗi cung ứng cho riêng mình, sự phụ thuộc vào các công ty Trung Quốc vẫn là rất lớn”.
Theo: The New York Times, SCMP