Trung Quốc chọc giận kỳ phùng địch thủ ngay trước 'giờ G'

Kiệt Linh |

New Delhi hôm qua (9/10) đã phản ứng một cách đầy tức giận sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục thể hiện sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Pakistan Imran Khan trong vấn đề Kashmir. Động thái của ông Tập Cận Bình diễn ra chỉ hai ngày trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình trong một “hội nghị thượng đỉnh không chính thức".

Kashmir là khu vực từng là nguyên nhân của hai cuộc chiến tranh giữa hai nước láng giềng Ấn Độ và Pakistan. Việc New Delhi hủy bỏ cơ chế tự trị dành cho vùng Kashmir hồi tháng 8 đã khiến cho cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan về vấn đề này càng trở nên căng thẳng hơn.

Tại cuộc hội đàm ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Thủ tướng Pakistan Khan rằng Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Kashmir và rằng thực tế đã rất rõ ràng, tờ Tân Hoa Xã đưa tin. “Trung Quốc ủng hộ Pakistan bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình và hy vọng các bên liên quan có thể giải quyết các cuộc tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình”, ông Tập Cận Bình nói.

Một tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Pakistan nói rằng, Trung Quốc “phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm phức tạp hóa tình hình” trong khi cuộc tranh chấp “nên được giải quyết một cách hòa bình và hợp lý dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như các thỏa thuận song phương."

Những phát biểu trên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra chỉ hai ngày trước khi Nhà lãnh đạo Trung Quốc có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Modi ở Chennai vào hai ngày cuối tuần này. Những gì ông Tập Cận Bình nói đã thể hiện sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc dành cho Pakistan và điều này khiến Ấn Độ tức giận.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã nói: “Lập trường của New Delhi là nhất quán và rõ ràng. Đó là, Jammu và Kashmir là một phần không thể thiếu của Ấn Độ. Trung Quốc biết rõ lập trường của chúng tôi. Các nước khác không có quyền bình luận về các vấn đề nội bộ của Ấn Độ”. Đây là lời đáp trả cứng rắn mà phía New Delhi đưa ra sau những phát biểu của ông Tập Cận Bình.

Diễn biến trên cho thấy, cuộc gặp sắp tới giữa ông Tập Cận Bình và ông Modi khó có triển vọng thành công khi hai nước không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề.

Trung Quốc và Pakistan có mối quan hệ đồng minh thân thiết trong khi Trung Quốc với Ấn Độ đối đầu nhau trên nhiều mặt trận. Trong nhiều thập kỷ qua, Bắc Kinh luôn lên tiếng và có nhiều hành động bảo vệ Pakistan.

Mới đây, Trung Quốc đã miêu tả việc Ấn Độ hủy bỏ cơ chế đặc biệt dành cho hai khu vực Jammu và Kashmir được áp dụng từ năm 1947 là một điều “không thể chấp nhận” và là mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia Pakistan. Cùng với cuộc tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, Trung Quốc cũng tranh chấp một dải đất ở Kashimi có tên là Aksai Chin.

Ấn Độ và Pakistan đang đối đầu căng thẳng đến mức có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến tranh. Ấn Độ và Pakistan trong những tháng vừa qua đã có những động thái quân sự gây lo ngại rất lớn, trong đó có vụ bắn máy bay của nhau.

Vào thời điểm đó, Paksitan đã đóng cửa không phận. Ít nhất 6 sân bay đã bị đóng cửa ở Ấn Độ và một khu vực không phận rộng lớn ở phía bắc thủ đô New Delhi cũng bị đóng, không cho phép các chuyến bay dân sự.

Ấn Độ còn cho biết, họ đã xây 14.000 boongker dọc biên giới với Pakistan để chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh. Trung Quốc chắc chắn là nước quan ngại hàng đầu nếu Ấn Độ và Pakistan nổ ra chiến tranh bởi hai nước này nằm áp sát ngay cửa ngõ của Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh nổ ra đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến Trung Quốc. Trung Quốc vốn là đồng minh thân thiết của Pakistan.

Trong khi đó, quan hệ giữa Trung Quốc và nước láng giềng Ấn Độ không mấy êm đẹp. Giữa hai nước có cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng ở khu vực biên giới. 

Ngoài ra, còn tồn tại một cuộc đua ngầm rất mạnh giữa hai nước lớn của Châu Á nhằm tranh giành ảnh hưởng về vị thế trong khu vực cũng như quốc tế. Trong những năm qua, New Delhi nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của họ là nhằm để đối phó với hai nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan.

Ông Tập Cận Bình và ông Modi dường như đã hàn gắn được phần nào mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc khi họ gặp nhau trong hội nghị thượng đỉnh không chính thức đầu tiên ở thành phố Wuhan của Trung Quốc hồi tháng Tư năm ngoái.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, ngoài các sự kiện nóng ở Kashmir, Ấn Độ gần đây còn tăng cường tham gia vào nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Australia và Nhật Bản để đối trọng lại với Trung Quốc. Ấn Độ còn tổ chức tập trận ở bang Arunachal Pradesh – nơi Bắc Kinh và New Delhi đang tranh chấp một phần lãnh thổ ở đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại