Lính Ukraine lái pháo tự hành ở thị trấn Siversk, vùng Donetsk, ngày 20/2
Phát biểu trên được đưa ra tại diễn đàn do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức. Ông Tần Cương thúc giục "một số quốc gia ngừng đổ thêm dầu vào lửa", phải dừng "thổi phồng ở Ukraine hôm nay, ở Đài Loan ngày mai".
"Chúng tôi kiên quyết chống lại bất kỳ hình thức bá quyền nào, bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào công việc của Trung Quốc", ông Tần Cương nói.
Phát biểu được đăng tải khi hãng tin Tass của Nga cho biết, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị thăm Mátxcơva trong ngày 21/2, trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có "bài phát biểu hoà bình" vào ngày 24/2, đúng thời điểm tròn 1 năm Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Cũng trong ngày 21/2, Trung Quốc công bố tài liệu Sáng kiến An ninh toàn cầu, một đề xuất an ninh mang dấu ấn của ông Tập nhằm đề cao nguyên tắc "an ninh không thể chia cắt", một khái niệm được Mátxcơva tán thành.
Nga cho rằng các chính phủ phương Tây phải tôn trọng thoả thuận từ năm 1999 dựa trên nguyên tắc "an ninh không thể chia cắt", nghĩa là không quốc gia nào được phép tăng cường an ninh của mình với cái giá mà các nước khác phải chịu.
Trong chặng dừng chân ở Hungary ngày 20/2, ông Vương Nghị kêu gọi giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine thông qua thương lượng.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm bất ngờ đến Kiev để thể hiện tình đoàn kết, hứa sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự 500 triệu USD cho Ukraine và trừng phạt bổ sung Nga.
Ngày 20/2, quan chức phụ trách ngoại giao của Liên minh châu Âu Josep Borrell cảnh báo Trung Quốc chớ gửi vũ khí cho Nga, tuyên bố đó sẽ là "vạch đỏ".
Nếu Trung Quốc gửi vũ khí cho Nga có thể khiến cuộc chiến ở Ukraine leo thang thành đối đầu giữa một phe là Nga – Trung với một phe là Ukraine và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn dắt.
Bắc Kinh nhiều lần cáo buộc Washington leo thang xung đột khi gửi vũ khí cho Ukraine. Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề Hội nghị An ninh Munich cuối tuần qua, ông Vương Nghị nói rằng Mỹ "cần thúc đẩy một giải pháp chính trị, thay vì đổ thêm dầu vào lửa".