Vùng cực nam của Mặt trăng đặc thù trải qua thời khắc bóng tối kéo dài rất nhiều do độ nghiêng của trục. Tuy nhiên, có ba phần của vành miệng núi lửa Shackleton này có thể nhận được ánh sáng Mặt trời. Điều này khiến chúng trở thành địa điểm thích hợp để xây dựng các căn cứ trên Mặt trăng trong tương lai.
Hơn nữa, miệng núi lửa Shackleton được coi là có tiềm năng lớn, khi các chuyên gia cho rằng, nó có thể có trữ lượng nước tiềm năng để phục vụ cho các chuyến thám hiểm Mặt trăng trong tương lai.
Vị trí và đặc điểm sinh quyển tiềm năng của khu vực này sẽ cho phép các phi hành gia khai thác năng lượng Mặt trời để cung cấp năng lượng cho căn cứ, đồng thời điều tra khu vực của miệng núi lửa để tìm các mỏ băng nước tiềm năng đang chờ khai phá. Do những yếu tố đặc biệt này, NASA cũng đang xem xét miệng núi lửa Shackleton dành cho các chương trình sứ mệnh Artemis sắp tới.
Theo một nghiên cứu mới nhất, chương trình sứ mệnh Chang'e 7 của Trung Quốc dự kiến sẽ hạ cánh xuống miệng núi lửa Shackleton, cực nam Mặt trăng cùng với một chiếc xe tự hành và một tàu thăm dò bay mini. Sứ mệnh này có thể sẽ được triển khai vào năm 2026.
Chương trình sứ mệnh Chang'e-7 cũng sẽ kết hợp nhiều thiết bị tiên tiến khác nhau, bao gồm máy đo địa chấn, máy radar xuyên mặt đất, máy từ kế và quang phổ kế, cùng nhiều thiết bị thăm dò khác, để phát hiện băng nước và các thành phần dễ bay hơi trong đất Mặt trăng, cũng như kiểm tra hình thái, thành phần và cấu trúc của đất Mặt trăng xung quanh và trong miệng núi lửa Shackleton.
Tàu thăm dò bay mini cùng với Máy phân tích phân tử nước đất Mặt trăng (LSWMA), sẽ thu thập dữ liệu về các phân tử nước và đồng vị hydro. Một thiết bị khác là Máy quang phổ gamma neutron Mặt trăng (LNGS), sẽ được lắp đặt trên tàu quỹ đạo, các nhà khoa học sẽ sử dụng nó để xác định sự phân bố và nguồn gốc của băng nước trên Mặt trăng.
Được biết, Trung Quốc cũng đang nỗ lực thành lập Cơ sở Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) vào năm 2030.