Trung Quốc bước vào giai đoạn quyết định để vực dậy nền kinh tế thứ hai thế giới: Quan trọng vẫn là gỡ thế khó của một ngành trụ cột

Anh Dũng |

Các nhà phân tích đánh giá Trung Quốc đang chuẩn bị cho một năm quan trọng trong công cuộc khôi phục niềm tin vào nền kinh tế và thoát khỏi vòng xoáy giảm phát – nợ.

Trung Quốc bước vào giai đoạn quyết định để vực dậy nền kinh tế thứ hai thế giới: Quan trọng vẫn là gỡ thế khó của một ngành trụ cột- Ảnh 1.

Ảnh: FT

Với tư cách là người đứng đầu hãng bán lẻ trang sức lớn nhất Trung Quốc, ông Kent Wong đang cảm nhận được tâm lý của người tiêu dùng Trung Quốc: Họ đang cảnh giác.

Giám đốc điều hành của hãng trang sức Chow Tai Fook cho biết khách hàng đang chuyển từ kim cương, đá quý sang vàng – một phương tiện lưu trữ của cải trong thời kỳ khó khăn. Ông Wong đánh giá: “Trong ngắn hạn, mọi người sẽ cẩn trọng hơn trong tiêu dùng lẫn đầu tư”. Ông dự đoán niềm tin của người tiêu dùng sẽ trở lại trong một hoặc hai năm tới.

Quan điểm của ông Kent Wong cũng giống với nhiều nhà phân tích khác. Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một năm quyết định trong công cuộc khôi phục niềm tin vào nền kinh tế và thoát khỏi mối de doạ từ vòng xoáy giảm phát – nợ.

Khó khăn của lĩnh vực bất động sản đang bước sang năm thứ ba, xuất khẩu yếu và các nhà đầu tư cảnh giác với thị trường tài chính Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà hoạch định cũng đang cố phản bác quan điểm của các nhà phân tích Morgan Stanley rằng đây là đợt giảm phát dài nhất của Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998.

Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Robin Xing tại Morgan Stanley, cho biết: “Tôi nghĩ đây là một năm quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, vì giảm phát có thể bước vào một vòng luẩn quẩn”.

Trung Quốc bước vào giai đoạn quyết định để vực dậy nền kinh tế thứ hai thế giới: Quan trọng vẫn là gỡ thế khó của một ngành trụ cột- Ảnh 3.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI (màu xanh) và chỉ số giá sản xuất PPI (màu hồng) của Trung Quốc. Nguồn: FT

Ông Xing cho biết các công ty bắt đầu cắt nợ, hạn chế chi tiêu cũng như tuyển dụng. Trong khi đó thị trường việc làm đang khó khăn và dự đoán về mức lương cũng không mấy khả quan. “Để phá vỡ chu kỳ đó, chúng ta cần những nỗ lực chính sách hiệu quả”, ông nói.

Mặc dù mạnh mẽ hơn so với các nền kinh tế phát triển, nhưng mục tiêu năm 2023 của Trung Quốc là thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc đáng lẽ đã có thể dễ dàng đạt được mục tiêu này sau đợt phong toả nghiêm ngặt. Nhưng chính phủ buộc phải tăng cường hỗ trợ tài chính khi tăng trưởng lung lay vào giữa năm.

Trung Quốc bước vào giai đoạn quyết định để vực dậy nền kinh tế thứ hai thế giới: Quan trọng vẫn là gỡ thế khó của một ngành trụ cột- Ảnh 4.

CPI lõi (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) của Trung Quốc so với Mỹ, Eurozone, UK và Nhật Bản.

Các nhà phân tích chỉ ra, lĩnh vực bất động sản vẫn là vấn đề lớn nhất mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong năm nay. Chính phủ đã công bố nhiều sáng kiến, chẳng hạn như vào tháng 12, ngân hàng trung ương đã chuyển 350 tỷ nhân dân tệ (49 tỷ USD) vào các ngân hàng thông qua một cơ chế được gọi là "cho vay bổ sung có cam kết".

Phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc Chris Beddor tại Gavekal cho biết, kế hoạch này có thể đủ để tạo nền tảng cho hoạt động xây dựng đang trầm lắng, nhưng doanh số bán bất động sản vẫn là một ẩn số lớn hơn. Vào tháng 12, doanh số bán bất động sản tại 30 thành phố lớn của Trung Quốc vẫn chỉ bằng 60% mức trước đại dịch 2019. Ông nhận định năm nay thị trường sẽ có những tín hiệu tăng, nhưng ở mức ổn định hơn là phục hồi.

Ngoài lĩnh vực bất động sản, các nhà kinh tế lập luận rằng cần phải có một gói kích thích quy mô lớn hơn, cùng với một số cải cách để phục hồi nền kinh tế.

Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương Alicia García-Herrero tại Natixis cho biết: “Giám phát là điều đáng lo ngại đối với một quốc gia như Trung Quốc. Nước này đang tích luỹ nợ công nhanh hơn Nhật Bản”. Trong thời kỳ giảm phát, giá cả và tiền lương giảm, nhưng giá trị của các khoản nợ không giảm, làm tăng áp lực trả nợ.

Theo nhà kinh tế trưởng Robin Xing, Trung Quốc cần có những gói tài chính tập trung vào tiêu dùng thay vì đầu tư vào sản xuất. Điều này có thể mang lại lợi ích cho hàng trăm triệu lao động nhập cư Trung Quốc.

Các nhà kinh tế lập luận rằng Trung Quốc không thể dựa vào xuất khẩu để giải cứu nền kinh tế, vì nhu cầu toàn cầu yếu. Các chính sách ưu tiên vay vốn dành cho các nhà sản xuất đã dẫn đến tình trạng dư thừa công suất và gây bất đồng với các đối tác thương mại như EU.

Trung Quốc bước vào giai đoạn quyết định để vực dậy nền kinh tế thứ hai thế giới: Quan trọng vẫn là gỡ thế khó của một ngành trụ cột- Ảnh 6.

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm kể từ năm 2016.

Mặc dù thị trường kêu gọi Bắc kinh nới lỏng chính sách và xoa dịu các nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách vẫn gửi đi những tín hiệu đi ngược với dự đoán. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã giữ nguyên lãi suất cho vay dù cho thị trường dự đoán họ sẽ cắt giảm. Tháng trước, các nhà đầu tư cũng bị bất ngờ khi Trung Quốc công bố dự thảo với những quy định nghiêm ngặt đối với trò chơi điện tử.

Các nhà kinh tế cho biết tất cả những điều trên sẽ khiến mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trở nên khó khăn hơn. Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Hui Shan tại Goldman Sachs cho biết chính phủ sẽ cần giảm lực cản từ lĩnh vực bất động sản, thực hiện các biện pháp tài khóa mở rộng hơn và “gặp may mắn trong xuất khẩu”.

“Nếu chính phủ thực sự muốn, họ sẽ tìm ra cách để đạt được mức (tăng trưởng) 5%”, ông nói.

Tham khảo Financial Times

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại