Đối thoại MMCA: Căng thẳng cáo buộc qua lại giữa Trung Quốc và Mỹ

Hải Võ |

Đại diện Hải quân Trung Quốc ngày 17/12 lên tiếng về cáo buộc nước này cự tuyệt tham gia cơ chế tham vấn song phương thường niên về an ninh quân sự trên biển.

Đại tá Michael Spake, lãnh đạo bộ phận Chính sách Đông Bắc Á của Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, Mỹ, trước màn hình chờ đợi cuộc gọi trực tuyến từ đoàn đại biểu quân đội Trung Quốc để bắt đầu phiên họp MMCA 2020, tại Camp Smith, Hawaii (Ảnh: U.S. Navy)

Đại tá Michael Spake, lãnh đạo bộ phận Chính sách Đông Bắc Á của Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, Mỹ, trước màn hình chờ đợi cuộc gọi trực tuyến từ đoàn đại biểu quân đội Trung Quốc để bắt đầu phiên họp MMCA 2020, tại Camp Smith, Hawaii (Ảnh: U.S. Navy)

Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Phil Davidson cáo buộc trong tuyên bố ngày 16/12 rằng việc Bắc Kinh không tham dự đối thoại là "một ví dụ khác cho thấy Trung Quốc không tôn trọng các thỏa thuận" và "điều này xem như lời nhắc nhở đến tất cả các nước khi họ theo đuổi các thỏa thuận với Trung Quốc".

Theo ông Davidson, đại diện Quân giải phóng nhân dân (PLA) đã "bùng kèo" vào phút cuối mà không hề thông báo với Mỹ.

Trung Quốc nói Mỹ đổi trắng thay đen

Đáp trả cáo buộc của ông Davidson, người phát ngôn Hải quân Trung Quốc - đại tá Liu Wensheng - ngày 17/12 nói Mỹ "hoàn toàn đảo lộn trắng đen".

"Lý do mà cuộc họp không thể tổ chức đúng lịch trình là bởi Mỹ không thể thực thi thỏa thuận mà đôi bên đã nhất trí. Phía Mỹ cần chịu toàn bộ trách nhiệm," ông Liu khẳng định, cho biết Trung Quốc đã gửi đi bản kiến nghị về nghị trình thảo luận và lịch trình.

Ông Liu tố Mỹ "cố chấp thúc đẩy ý tưởng nghị trình đơn phương của họ, ngang nhiên thu hẹp thời gian họp, thay đổi bản chất cuộc họp thường niên, thậm chí có ý đồ cưỡng ép Trung Quốc tham dự hội nghị trong tình huống song phương vẫn chưa đạt được đồng thuận về nghị trình".

"Cách làm không chuyên nghiệp, không hữu nghị và không mang tính xây dựng của Mỹ là minh chứng cho tác phong bá quyền thường thấy ở Mỹ, đi ngược với thông lệ quốc tế, đi ngược lại nguyên tắc hiệp thương và tôn trọng lẫn nhau trong Hiệp định về xây dựng cơ chế tham vấn an ninh quân sự trên biển (MMCA) mà cơ quan quốc phòng mà hai nước ký kết năm 1998, làm tổn hại lòng tin giữa Hải quân Trung Quốc với Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương," ông Liu nói.

Ông Liu nói Trung Quốc mong Mỹ "tôn trọng một cách thiết thực nội dung Hiệp định, thay vì thực thi có chọn lọc trên cơ sở đơn phương, đổ lỗi cho người khác và chối bỏ trách nhiệm".

Theo lịch trình ban đầu, đại diện quân đội hai nước sẽ tham dự các phiên thảo luận từ ngày 14 đến 16/12.

Đối thoại MMCA: Căng thẳng cáo buộc qua lại giữa Trung Quốc và Mỹ - Ảnh 2.

Các thành viên Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ chờ đợi bắt đầu cuộc họp trực tuyến MMCA năm nay, theo lịch trình diễn ra ngày 14-16/12, tại Camp Smith, Hawaii. Tuy nhiên đoàn Trung Quốc đã không dự họp (Ảnh U.S. Navy photo)

Mỹ tìm cách công kích toàn diện Bắc Kinh?

Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận hồi tháng 10 rằng MMCA sẽ tổ chức vào cuối năm theo hình thức trực tuyến, và tháng 11 tiếp tục nhắc lại tầm quan trọng của liên hệ quân sự Mỹ-Trung. Theo Global Times (Thời báo Hoàn Cầu), các nhà quan sát Trung Quốc nói cuộc họp tháng 12 giống như một biểu tượng cho liên hệ quân sự hai nước và Bắc Kinh không có lý do để từ chối "phó hội".

Thông thường, các hội nghị giữa các nước hay các lực lượng vũ trang được lên kế hoạch kỹ lưỡng và các bên cần nhất trí về thời gian, hình thức, nghị trình trao đổi cũng như cấp quan chức tham dự. Các chuyên gia Trung Quốc phản bác rằng, nếu hai bên chưa đồng thuận nhưng Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc thì ý đồ của Mỹ là đáng nghi vấn.

Chuyên gia quân sự ẩn danh nói với Global Times ngày 17/12 rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang công kích toàn diện Trung Quốc trên mặt trận dư luận và sẽ tận dụng cơ hội để đưa ra các cáo buộc, cô lập Bắc Kinh, nhằm gây khó khăn cho chính quyền tiếp theo trong tái thiết quan hệ.

Giáo sư Li Haidong từ Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng Mỹ đang cố đẩy vấn đề lên cao và gửi thông điệp đến các đồng minh khu vực để kêu gọi bất tín nhiệm với Bắc Kinh.

Đối thoại MMCA đã được tổ chức giữa Mỹ-Trung từ năm 1998. Đây là cơ chế thiết lập nhằm đánh giá, ngăn chặn các tình huống va chạm và rủi ro tính toán sai lầm giữa lực lượng hai nước, đặc biệt tại khu vực biển Đông.

Mỹ đã gia tăng tần suất các chiến dịch tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông dưới thời ông Trump. Các chiến hạm Mỹ nhiều lần áp sát những thực thể mà Bắc Kinh chiếm đóng, cải tạo, quân sự hóa phi pháp, trong khi PLA cũng tổ chức các cuộc tập trận quy mô trong khu vực để cảnh báo đối thủ.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại