Trung Quốc bảo vệ biện pháp giam giữ mới của "siêu cơ quan chống tham nhũng"

Cẩm Bình |

Một quan chức Trung Quốc ngày 27.2 lên tiếng khẳng định "lưu trí" (liuzhi), hình thức giam giữ mới sẽ được Ủy ban Giám sát quốc gia sắp thành lập sử dụng, là bước đi quan trọng để chống tham nhũng.

Theo ông Trương Thạc Phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát thành phố Bắc Kinh (cơ quan được lập ra để thí điểm vận hành mô hình Ủy ban Giám sát thay cho Ủy ban Kiểm tra kỉ luật):

"Những tội nghiêm trọng liên quan đến hoạt động của công chức không giống như tội thông thường và việc điều tra hủ bại, tham ô, hối lộ cũng không thể làm theo cách tương tự. Đó là lý do vì sao Ban chấp hành trung ương (đảng Cộng sản Trung Quốc) áp dụng biện pháp giam giữ này".

Ông Trương giải thích "lưu trí" dùng với những đối tượng bị điều tra vì dính líu đến tham ô hối lộ, thất trách, lạm dụng chức vụ hay nhiều tội về chức vụ nghiêm trọng khác.

Khi cơ quan giám sát đã có được một số lượng nhất định chứng cứ phạm tội của đối tượng, nhưng vẫn còn vấn đề quan trọng cần điều tra làm rõ, hơn nữa tình tiết vụ án lớn và phức tạp, hoặc đối tượng có khả năng chạy trốn, tự sát, thông đồng cung cấp lời khai giả, làm giả, che giấu, tiêu hủy chứng cứ cùng nhiều hành vi cản trở điều tra, thì sau khi được thẩm định và phê chuẩn theo luật pháp một cách nghiêm ngặt có thể đưa đối tượng đến giữ tại một địa điểm cụ thể tiến hành điều tra.

Sử dụng "lưu trí" phải thông qua tập thể Ủy ban Giám sát nghiên cứu quyết định, báo lên để người phụ trách đảng ủy đồng cấp phê chuẩn, đồng thời cũng phải báo lên Ủy ban Giám sát cấp trên. Thời gian tiến hành "lưu trí" không quá 3 tháng, trong trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thêm 1 lần, nhưng thời gian kéo dài cũng không được quá 3 tháng.

Trong quá trình "lưu trí", Ủy ban Giám sát phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị "lưu trí". Đối với vấn đề an toàn của địa điểm "lưu trí", của quá trình điều tra và chuyện phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi, trị liệu y tế cho đối tượng bị điều tra đều phải có quy định nghiêm ngặt.

Thời gian bị "lưu trí" sẽ được trừ vào thời gian thi hành án tù về sau, ông Trương cho hay.

"Lưu trí" là một trong 12 biện pháp mà Ủy ban Giám sát quốc gia, "siêu cơ quan chống tham nhũng" sắp được chính thức thành lập, sử dụng để xử lý quan tham, bất kể có phải đảng viên hay không.

Trung Quốc bảo vệ biện pháp giam giữ mới của siêu cơ quan chống tham nhũng - Ảnh 1.

Bắc Kinh là một trong những nơi thí điểm lập Ủy ban Giám sát thay thế Ủy ban Kiểm tra kỉ luật trong xử lý quan tham - Ảnh: Reuters

Vào tháng 10.2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thông báo thay thế "song quy" (shuanggui) bằng một hệ thống mới. Khi một công chức là đảng viên bị "song quy", người đó sẽ bị thẩm tra theo thời gian và địa điểm chỉ định của nhà điều tra. Các nghi can bị giam lỏng, tước bỏ hoàn toàn quyền công dân và thậm chí có thể bị tra tấn để lấy cung.

Vấn nạn cơ quan điều tra tra tấn nghi can nổi lên vào năm 2013, sau khi 6 cán bộ điều tra, trong đó có 5 người là nhân viên Ủy ban Kiểm tra kỉ luật trung ương bị khởi tố vì cái chết của Ô Kỳ Nhất, kỹ sư trưởng tại Tập đoàn đầu tư công nghiệp nhà nước Ôn Châu. Theo báo Thời Đại Bắc Kinh, 6 cán bộ này bị buộc tội cố ý gây thương tích cho người khác.

Cáo trạng nêu Ô bị bắt từ đầu tháng 3.2013 do bị nghi có hoạt động nhận hối lộ trong một vụ mua bán đất đai. Sau khi không thể buộc ông trả lời đúng ý, các cán bộ lột trần truồng rồi nhấn đầu Ô vào một bồn nước "đầy đá lạnh" nhiều lần.

Điều tra viên chỉ dừng tay khi ông thôi vùng vẫy. Ông được đưa vào bệnh viện ngày 8.4.2013 nhưng chết vài giờ sau đó.

Tuy nhiên, tòa án Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang) nói Ô "bị tai nạn đột ngột" trong lúc ông đang tắm.

Các nhà hoạt động nhân quyền và chuyên gia luật lo ngại hệ thống giam giữ mới mà Ủy ban Giám sát được dùng sẽ chỉ là khoác lên một "vỏ bọc pháp lý" để giữ lại và mở rộng những biện pháp cũ trong hệ thống "song quy", theo trang tin Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại