Mới đầu năm 2018, dư luận Trung Quốc đã chấn động trước thông tin "ngã ngựa" của một tướng lĩnh quân đội cấp cao. Theo thông báo của Tân Hoa Xã, cựu Tổng tham mưu trưởng Bộ Liên hợp quân ủy Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) - Thượng tướng Phòng Phong Huy sẽ bị khởi tố do nghi liên quan đến hành vi đưa và nhận hối lộ.
Trước đó, vào tháng 11/2017, một tướng cấp cao khác là cựu Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương Trung Quốc - Thượng tướng Trương Dương treo cổ tự tử tại nhà riêng.
Nhận định về chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình, giới phân tích quân sự Trung Quốc dự đoán, trong thời gian tới sẽ còn nhiều ủy viên trung ương "ngã ngựa", có khả năng bao gồm tướng lĩnh cấp cao trong quân đội.
Bởi ngày 19/10/2017, Phó Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) Dương Hiểu Độ cho biết, từ sau Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 (năm 2012), có tất cả 440 đảng viên cấp quân khu, tỉnh thành trở lên và cán bộ thuộc quản lý của Ban Tổ chức trung ương, trong đó có 43 Ủy viên trung ương, Ủy viên dự khuyết trung ương khóa 18 bị lập án điều tra.
Nhật báo Bắc Kinh (báo của Thành ủy Bắc Kinh) chỉ ra, hiện nay, thông tin 37 Ủy viên trung ương, Ủy viên dự khuyết trung ương "ngã ngựa" đã được thông báo công khai, bao gồm trường hợp của hai Thượng tướng Trương Dương và Phòng Phong Huy.
Theo tờ này, nói cách khác, hiện vẫn còn 6 trường hợp Ủy viên trung ương, Ủy viên dự khuyết trung ương đã bị thẩm vấn nhưng chưa đưa tin công khai.
Giới quan sát cho rằng, theo thông lệ chống tham nhũng của ĐCSTQ, Bắc Kinh sẽ lập tức công bố thông tin sau khi "đả hổ" nhưng cũng có khi thông tin bị trì hoãn một thời gian nếu "hổ lớn" đó thuộc lực lượng quân đội, bao gồm lực lượng cảnh sát vũ trang hoặc cán bộ thuộc Ban Tổ chức trung ương bị kỷ luật đảng.
Mới đây, thông tin một tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Trung Quốc đã bị bắt giữ đang lan nhanh trong dư luận nước này nhưng chính quyền Trung Nam Hải vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào.