Trung Quốc "bao vây" Ấn Độ

Hoàng Duy |

Tàu ngầm Trung Quốc đã được triển khai trong vùng biển Ấn Độ Dương.

Hải quân Ấn Độ đã biết hoạt động của các tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương. Ngày 2-12, Đô đốc Sunil Lanba, Tư lệnh hải quân Ấn Độ, đã thông báo như trên tại cuộc họp báo ở New Delhi nhân ngày Hải quân 4-12.

Tàu ngầm Trung Quốc lảng vảng ở Ấn Độ Dương

Báo The Times of India đưa tin đây là lần đầu tiên một quan chức quốc phòng Ấn Độ nói công khai hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc gần vùng biển phía tây Ấn Độ.

Đô đốc Sunil Lanba khẳng định tàu ngầm của Trung Quốc có ghé qua cảng Karachi của Pakistan. Ông giải thích: “Hải quân Ấn Độ đang giám sát sát sao tàu hải quân và tàu ngầm của quân đội Trung Quốc… Chúng tôi đã thực hiện các chiến dịch giám sát bằng máy bay và tàu chiến để lần theo dấu vết. Họ đã bắt đầu triển khai tàu ngầm từ năm 2012”.

Phó đô đốc Girish Luthra, Tư lệnh hải quân miền Tây Ấn Độ, cho biết Ấn Độ đã giám sát hoạt động của các tàu trên biển Ả Rập và Ấn Độ Dương từ khi dự án liên doanh Pakistan-Trung Quốc tại cảng nước sâu Gwadar (Pakistan) đi vào hoạt động.

Ông nhận xét từ dạo đó hoạt động của tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc gia tăng trong khu vực.

Liên quan đến năng lực của hải quân Ấn Độ trong khu vực Thái Bình Dương, Tư lệnh hải quân Ấn Độ Sunil Lanba khẳng định: “Hải quân Ấn Độ có đầy đủ khả năng hoạt động trong khu vực”.

Ông cho biết tàu ngầm Kalavari lớp Scorpene đang tiếp tục được thử nghiệm và sẽ được đưa vào sử dụng năm tới.

Ông cũng bác bỏ thông tin cho rằng Pakistan đã ngăn chặn một tàu ngầm Ấn Độ đi vào lãnh hải Pakistan. Thông tin này do hải quân Pakistan công bố hồi tháng trước.

Báo Dawn (Pakistan) hôm 28-11 đã đăng bài viết với đầu đề “Khi tàu hải quân Trung Quốc đến cảng Gwadar, cần xem lại chính sách khu vực của Ấn Độ”.

Cuối tháng 11, báo chí rầm rộ đưa tin Pakistan tuyên bố Trung Quốc đã triển khai tàu hải quân cùng phối hợp với hải quân Pakistan bảo vệ cảng Gwadar, cửa ngõ hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 46 tỉ USD.

Báo Dawn ghi nhận có thể Ấn Độ đã biết trước thông tin này và điều này giải thích một tàu ngầm Ấn Độ đột ngột xuất hiện hôm 14-11 gần lãnh hải Pakistan.

Bangladesh mua hai tàu ngầm Trung Quốc

Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan đã hoạt động trong tháng 11 với sự kiện tàu chiến Trung Quốc hộ tống tàu chở container hàng hóa đầu tiên của Trung Quốc xuất khẩu từ cảng nước sâu Gwadar.

Cùng thời điểm đó, ngày 14-11, Bangladesh đã tiếp nhận tàu ngầm đầu tiên trong hai tàu ngầm mua của Trung Quốc với giá 203 triệu USD. Tàu ngầm diesel-điện loại 035G có trang bị ngư lôi và mìn, có khả năng tấn công tàu nổi và tàu ngầm.

Tuần báo Defense News (Mỹ) ghi nhận các nhà phân tích Ấn Độ lo ngại đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang “bao vây” Ấn Độ bởi Bangladesh là nước láng giềng của Ấn Độ.

Cựu đô đốc hải quân Ấn Độ Arun Prakash cho biết: “Tính đến tình hình kinh tế của Bangladesh và vị thế ba mặt giáp Ấn Độ, Bangladesh mua tàu ngầm không chỉ bất hợp lý mà còn là hành động khiêu khích Ấn Độ. Tàu ngầm là vũ khí tấn công. Sử dụng tàu ngầm là hành động đe dọa đối với Ấn Độ và làm phức tạp thêm tình hình an ninh hàng hải”.

Ông nhấn mạnh: “Chắc chắn hành động chuyển giao tàu ngầm này là một bước trong chiến lược bao vây Ấn Độ bằng các nước khách hàng của Trung Quốc”.

Trung Quốc là nước cung cấp vũ khí chủ chốt cho Bangladesh và cũng là nơi huấn luyện cho các sĩ quan Bangladesh.

GS Swaran Singh ở ĐH Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) nhận xét: “Chuyển giao tàu ngầm đồng nghĩa với hiện đại hóa đáng kể quan hệ hợp tác về quốc phòng giữa Trung Quốc và Bangladesh, góp phần biến Đông Á trở thành không gian đối kháng của nhiều hệ thống vũ khí mới”.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ lưu ý trong chuyến thăm Bangladesh của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 10-2016, Bangladesh và Trung Quốc đã nhất trí nâng quan hệ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược và đây là điều đáng quan tâm.

Báo Dawn nhận định tháng 11-2016 là thời điểm quyết định đến địa-chính trị khu vực. Ông Alexander Bogdanov, người của Tổng cục An ninh Liên bang Nga, đã âm thầm đến cảng Gwadar để đánh giá xem tàu chiến Nga trong các chuyến công tác dài ngày sử dụng cảng này sẽ mang lại hiệu quả đến đâu. Mục đích nhằm thiết lập quan hệ hợp tác chính thức Nga-Pakistan để khai thác hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan.

Đây là chuyến thăm Pakistan đầu tiên của một quan chức tình báo Nga sau hơn 20 năm. Chuyến thăm này diễn ra trước cuộc đối thoại chiến lược ba bên giữa Nga, Trung Quốc và Pakistan tại Moscow vào tháng 12.

Song song theo đó, giữa tháng 11 Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã đến thăm Iran trong ba ngày. Ông đánh giá chuyến thăm này đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-Iran. Trong chuyến thăm Iran hồi đầu năm của Chủ tịch Tập Cận Bình, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược kéo dài 25 năm, trong đó dự kiến sẽ tăng cường hợp tác về quốc phòng và tình báo.

Hải quân Iran muốn giữ vai trò ở Ấn Độ Dương và Trung Quốc có thể giúp Iran đạt được mục đích này bằng cách cung cấp tin tình báo, huấn luyện ngắn ngày, cung cấp tàu chiến. Nhiều hạm đội của Trung Quốc phù hợp với nhu cầu của Iran về hoạt động cùng lúc ở gần bờ và ngoài biển khơi. Như vậy Iran có thể tuần tra xa hơn và dài ngày hơn.

Pakistan đã nhất trí cho Iran tham gia hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan như Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đề nghị với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ ở New York hồi tháng 9-2016.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại