Trung Quốc "bạo chi", rót 29 tỷ USD thành lập quỹ tự phát triển chip nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ

Nguyễn Hải |

Đây không phải lần đầu Trung Quốc dùng tiền để cố gắng bắt kịp Mỹ trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo chip.

Trung Quốc đã chính thức lập ra quỹ trị giá gần 29 tỷ USD do nhà nước hậu thuẫn để đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, hướng tới mục tiêu giảm phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.

Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu chip lớn nhất thế giới, và quỹ mới trị giá 28,9 tỷ USD (204 tỷ Nhân dân tệ), vốn được chờ đợi từ lâu này, sẽ tiếp sức thêm cho Bắc Kinh trong việc hình thành nên chuỗi cung ứng chip của riêng mình – từ thiết kế cho đến sản xuất chip. Nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng chiến lược tổng thể và đầu tư vào lĩnh vực mạch tích hợp, bao gồm cả các bộ xử lý và chip lưu trữ sử dụng trong smartphone và trung tâm dữ liệu.

Trung Quốc bạo chi, rót 29 tỷ USD thành lập quỹ tự phát triển chip nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ - Ảnh 1.

Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm giảm phụ thuộc vào chip Mỹ đã bắt đầu trở nên cấp bách hơn khi chính quyền ông Trump liên tục đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách cấm xuất khẩu của họ, cắt đứt dòng chảy cung cấp chip cho các công ty đó, từ nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei Technologies cho đến hãng AI SenseTime Group.

Theo thông tin đăng ký được công bố trong ngày 22 tháng Mười, vốn đăng ký của quỹ này chủ yếu đến từ các tổ chức Nhà nước.

Trong đó Bộ Tài chính Trung Quốc đã góp hơn 22,5 tỷ Nhân dân tệ, còn bộ phận đầu tư của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cũng rót vào quỹ hơn 22 tỷ Nhân dân tệ. Quỹ này cũng thu hút đầu tư từ các chính quyền địa phương và các doanh nghiệp Nhà nước bao gồm công ty thuốc lá Trung Quốc (China Tobacco).

Trung Quốc từng thành lập quỹ đầu tiên về mạch tích hợp vào năm 2014 để hậu thuẫn về tài chính cho các sáng kiến sản xuất chip quan trọng, bao gồm nhà máy sản xuất chip nhớ nhiều tỷ USD của trường Đại học Thanh Hoa ở thành phố trung tâm của Vũ Hán.

Bắc Kinh đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc của quốc gia này vào việc nhập khẩu bán dẫn, vốn trị giá đến 200 tỷ USD mỗi năm. Họ e ngại rằng sự phụ thuộc này sẽ làm suy yếu nền an ninh quốc gia và cản trở sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ Trung Quốc. Quốc gia này dự tính chi hàng trăm tỷ USD để giành được vị trí nổi bật trên bản đồ công nghệ thế giới – điều đó đã khiến các giám đốc công nghệ Mỹ và các quan chức chính phủ phải cảnh báo rằng điều này có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ.

Tham khảo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại