Chất bán dẫn là nền tảng của công nghệ hiện đại. Những linh kiện nhỏ bẻ này đóng một vai trò giống như bộ não xử lý dữ liệu trong hàng loạt các sản phẩm công nghệ, từ máy tính cá nhân đến smartphone, ô tô hay thậm chí cả tàu vũ trụ. Chính vì vậy, các cường quốc công nghệ vẫn luôn coi trọng việc phát triển nền tảng chất bán dẫn.
Vào những năm 1970, Trung Quốc có thể sánh ngang với Mỹ và các nước phương Tây trong lĩnh vực chất bán dẫn. Nhưng quốc gia đông dân nhất thế giới này đang ngày càng thụt lùi. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gần đây đã phơi bày những điểm yếu trong việc phát triển công nghệ bán dẫn của Trung Quốc.
Mặc dù đã đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức, nhưng các công ty công nghệ Trung Quốc hiện nay vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ. Nhập khẩu chip hàng năm của Trung Quốc đã vượt qua cả dầu thô, để đạt mức 312 tỷ USD trong năm 2018.
Ông Zhou Zhiping, giáo sư vi điện tử tại Đại học Bắc Kinh, đã có buổi trả lời phỏng vấn với South China Morning Post. Giáo sư Zhou cũng là người sáng lập và phó chủ tịch của nhà máy Transitor Hengnan, và đã từng làm việc tại Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Hoa Kỳ. Ông đã dành gần 50 năm cuộc đời mình trong lĩnh vực bán dẫn.
Trả lời South China Morning Post, giáo sư Zhou cho biết: “Từ những năm 1970, tại Trung Quốc đã có một khẩu hiệu khuyến khích phát triển ngành công nghiệp điện tử. Khi đó định luật Moore mới ra mắt một thời gian ngắn, nên Trung Quốc không bị tụt hậu so với các nước phương Tây. Vào thời điểm đó, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư và xây dựng 10 dây chuyền sản xuất mạch tích hợp với công nghệ từ nước ngoài”.
“Từ năm 1993 đến năm 2005, tôi làm việc 12 năm tại Viện Công nghệ Georgia ở Mỹ. Khi trở về Trung Quốc lần đầu vào năm 1996, tôi thấy các dây chuyền sản xuất mạch tích hợp không có nhiều thay đổi so với năm 1970”.
“Ngày nay, chúng ta có thể sản xuất các mạch tích hợp trên tấm nền silicon với quy trình 14nm tại Trung Quốc. Tuy nhiên các công ty Mỹ và Đài Loan đã bắt đầu sản xuất trên tiến trình 7nm, thậm chí là đã nghiên cứu tiến trình 5nm. Họ ít nhất đã đi trước chúng ta hai đến ba thế hệ”.
“Trung Quốc có thể bắt kịp thế giới, nhưng trước hết phải giải quyết những vấn đề bao trùm toàn bộ hệ sinh thái và chuỗi cung ứng của toàn ngành. Tôi cho rằng cần ít nhất là 5 đến 10 năm nữa để thu hẹp khoảng cách”.
Nhận định của giáo sư Zhou cho chúng ta thấy rằng các công ty công nghệ tại Trung Quốc vẫn đang phải phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn, chip xử lý hoặc chip nhớ từ nước ngoài. Và ngay cả khi có thể tự sản xuất, thì công nghệ của Trung Quốc hiện đang rất lỗi thời.
Tham khảo: scmp