Trung Quốc-Ấn Độ phiêu lưu quân sự trên dãy Himalaya: Một núi không thể có hai "hổ"?

Phạm Thu Hương |

Tháng trước, nhiều cuộc đối đầu giữa các binh sĩ của Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.

Cuộc tranh chấp lớn gần nhất giữa hai quốc gia châu Á này kéo dài trong 73 ngày tại Doklam vào năm 2017. Theo sau đó là các cuộc gặp không chính thức giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - lần đầu tiên tại Vũ Hán vào tháng 4/2018 và lần tiếp theo tại Mamallapuram ở Tamil Nadu vào tháng 10/2019.

Trong những lần gặp đó, hai nhà lãnh đạo đều nhắc lại tầm quan trọng của hòa bình khu vực biên giới chung đối với lợi ích lớn hơn của song phương. Họ cũng ban hành chỉ thị đến quân đội ở khu vực này phải kiềm chế, đồng thời củng cố sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.

Ở cấp độ chiến lược và hoạt động, quân đội Trung-Ấn đã kiềm chế. Tuy nhiên, ở cấp chiến thuật, các cuộc đối mặt xảy ra do nhận thức khác nhau về nơi có đường viền thực tế vì LAC không được phân định trên mặt đất. Các cuộc đụng độ được giải quyết cục bộ, trong khi đó, những vấn đề liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, như đường xá và công trình quân sự, luôn mất nhiều thời gian hơn và đòi hỏi sáng kiến kết hợp giữa quân sự và ngoại giao.

Các thỏa thuận song phương được ký giữa năm 1993 và 2013 đã giúp ngăn chặn việc sử dụng vũ lực. Kể từ năm 1975, không một viên đạn nào được bắn ra từ cả hai phía và chắc chắn thời điểm hiện tại cũng sẽ không có gì thay đổi.

Giữa đại dịch Covid-19, khi phải đối mặt với vô số thách thức trong và ngoài nước, Trung Quốc có thể không đủ khả năng cho bất kỳ sự mạo hiểm nào ở dãy Himalaya. Việc xung đột với Ấn Độ sẽ không chỉ làm phức tạp thêm các vấn đề Trung Quốc đang phải giải quyết mà còn cản trở hành trình trở thành một siêu cường thế giới vào năm 2050 của nước này.

CNN nhận xét, những thách thức mà ông Tập đang phải đối mặt bao gồm: Nền kinh tế đang sụt giảm của Trung Quốc, cuộc chiến thương mại với Mỹ, sự ra đi của một số ngành sản xuất và sự chậm lại của Sáng kiến ​​Vành đai, Con đường. Ngoài ra còn có các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, sự không khoan nhượng của Đài Loan và việc phương Tây yêu cầu điều tra về nguồn gốc virus corona chủng mới (SARS-Cov-2) gây dịch Covid-19.

Trung Quốc-Ấn Độ phiêu lưu quân sự trên dãy Himalaya: Một núi không thể có hai hổ? - Ảnh 2.

Các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ trong cuộc huấn luyện ở Umroi Cantonment, thủ phủ tỉnh Meghalaya ở vùng Đông Bắc Ấn Độ, ngày 14/12/2019 (Ảnh: Wang Hao/China Military)

Răn đe lẫn nhau

Trung Quốc nhận thức được khả năng chiến đấu của quân đội Ấn Độ hiện tại. Theo CNN, kể từ cuộc xung đột biên giới năm 1962, quân đội Ấn Độ đã phát triển trở nên đáng tin cậy, trách nhiệm và mạnh mẽ góp phần củng cố cho sức mạnh quốc gia.

Quân đội của cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đã được huấn luyện trong nhiều năm để tăng khả năng tương tác trong các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và chống khủng bố.

Việc hiểu rõ về năng lực quân sự của nhau giúp Trung-Ấn ý thức rõ được những hậu quả khủng khiếp nếu hai bên để xảy ra xung đột. Hiện nay, Ấn Độ thể hiện khuynh hướng sẽ sử dung vũ lực nếu bị khiêu khích. Quân đội Ấn Độ đã được tôi luyện nhiều qua các cuộc đụng độ phức tạp ở khu vực Jammu và Kashmir.

Do đó, khả năng Bắc Kinh dùng tới các cuộc giao tranh để truyền thông điệp chiến lược tới Ấn Độ có thể bị loại trừ.

New Delhi không chỉ phối hợp cùng cộng đồng quốc tế trong việc điều tra về nguồn gốc và sự lan truyền của đại dịch Covid-19 mà còn ngăn chặn việc tự động phê duyệt các khoản đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc.

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Mỹ được tăng cường cũng là điều khiến Bắc Kinh không hài lòng.

Trung Quốc-Ấn Độ phiêu lưu quân sự trên dãy Himalaya: Một núi không thể có hai hổ? - Ảnh 3.

Các xe tăng chủ lực (MBT) và xe chiến đấu bộ binh (IFV) tham gia cuộc diễn tập của Tập đoàn quân 76 thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, ngày 19/5/2020 (Ảnh: Li Zhongyuan/ China Military)

Ấn Độ mang theo "cây gậy" lớn

Không giống như các cuộc đối đầu trước đây, trong thời gian căng thẳng với New Delhi gia tăng, các phương tiện truyền thông xã hội và chính thống Trung Quốc đã cực kỳ tích cực trong việc truyền bá các câu chuyện yêu nước.

Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi và Văn phòng Đối ngoại tại Bắc Kinh đưa ra các tuyên bố hòa giải nhằm thể hiện mong muốn xoa dịu căng thẳng biên giới.

Tuy nhiên, vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực nào ở thực địa. Việc Ấn Độ quyết tâm phát triển cơ sở hạ tầng biên giới trên phần địa bàn mà họ tuyên bố chủ quyền có thể khiến việc giải quyết các bất đồng trong thời gian ngắn trở nên khó khăn.

Đây là vấn đề song phương, không có chỗ cho sự can thiệp của bên thứ 3: Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều bác bỏ đề xuất hòa giải của Mỹ.

Dù xung đột trong tương lai gần rất khó có thể xảy ra, nhưng Ấn Độ vẫn tiếp tục phát triển năng lực quân sự để ngăn chặn sự xâm lược từ nước ngoài, và sẵn sàng chiến đấu giành chiến thắng khi xung đột nổ ra.

Dựa vào sức mạnh nội tại luôn tốt hơn là tìm kiếm sức mạnh từ các thế lực bên ngoài. Là một cường quốc mới nổi, Ấn Độ phải mang theo cây gậy lớn của riêng mình.

Tuy nhiên, theo CNN, để đạt được những lợi ích kinh tế và địa chiến lược lớn hơn, giải pháp hòa bình chính là câu trả lời cho vấn đề này. Thế giới có đủ chỗ để hai người khổng lồ châu Á cùng phát triển.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại