Trừng phạt công ty xây đảo nhân tạo ở Biển Đông: Mỹ ra đòn đau với Trung Quốc

Kiều Anh |

Mạnh tay với các công ty và cá nhân Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Mỹ muốn Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho hành động của mình ở vùng biển chiến lược này.

Mỹ tung đòn đau với công ty Trung Quốc liên quan đến Biển Đông

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thêm 24 công ty Trung Quốc vào danh sách đen về thương mại vì các công ty này đã tham gia vào quá trình bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông - một chương trình xây dựng mà Mỹ cho là nỗ lực phi pháp nhằm kiểm soát tuyến vận tải hàng hải quan trọng này.

Danh sách đen trên, còn được gọi là Danh sách các Thực thể, đã trở thành một công cụ phổ biến của chính quyền Tổng thống Trump nhằm đối phó với Trung Quốc và hiện nay đã bao gồm hơn 300 thực thể của nước này.

Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan quản lý danh sách này, trước đó đã sử dụng nó để chống lại tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc và các thực thể khác của quốc gia này liên quan đến vấn đề Tân Cương.

Lệnh trừng phạt thương mại cấm các công ty Mỹ xuất khẩu các sản phẩm tới các công ty Trung Quốc bị trừng phạt mà chưa có giấy phép của chính phủ.

Các thực thể gần đây nhất bị liệt vào danh sách trên bao gồm các nhà thầu quốc phòng thuộc sở hữu Nhà nước của Trung Quốc, vốn tham gia hầu như rất ít vào các hoạt động thương mại với Mỹ khi tổng sản lượng xuất khẩu của Mỹ tới các công ty này trong 5 năm qua là 5 triệu USD, các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump cho biết hôm 26/8.

Tuy nhiên, các quan chức này cho biết họ hy vọng các lệnh trừng phạt sẽ có tác động lớn hơn khi hạn chế các quốc gia khác tham gia cùng với các công ty trên qua sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Các công ty mới được đưa vào danh sách trên, trong đó có Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) và Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, đều là những nhà thầu lớn trong sáng kiến Vành đai và Con đường - một dự án xây dựng cầu, đập và hạ tầng số trên khắp thế giới.

Động thái trên diễn ra sau khi Mỹ đưa ra tuyên bố chính thức hồi tháng trước rằng Washington phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Pompeo cho biết sự thay đổi chính sách này là một phần trong nỗ lực duy trì luật pháp quốc tế để chống lại cái mà ông gọi là chiến lược "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh" của Trung Quốc nhằm cưỡng ép và hăm dọa các nước láng giềng Đông Nam Á nhượng bộ các lợi ích của họ trong khu vực.

Mặc dù không có chủ quyền ở Biển Đông nhưng Mỹ tuyên bố nước này muốn đảm bảo tự do hàng hải tại vùng biển giàu tài nguyên có các tuyến vận chuyển quan trọng này. Washington cũng hối thúc các quốc gia liên quan giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.

CCCC và những thương vụ gây tranh cãi

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ - ông David Stilwell đã so sánh CCCC và các doanh nghiệp nhà nước khác có liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc ở Đông Nam Á "tương đương với Công ty Đông Ấn hiện đại", tập đoàn hùng mạnh từng củng cố đế chế thuộc địa Anh.

CCCC là một trong những công ty xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất của Trung Quốc với hơn 124.000 nhân viên và trải rộng trên các mặt như hạ tầng giao thông, sản xuất máy móc và các lĩnh vực khác. CCCC cũng là nhà thầu lớn trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Một quan chức Mỹ cho biết trên Wall Journal Street, một nhân tố khác khiến Washington đưa ra động thái trừng phạt hôm 26/8 là vai trò của CCCC trong chương trình "Quân - dân dung hợp" (military-civil fusion program) của Bắc Kinh nhằm khuyến khích các đối tượng dân sự hợp tác với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong một mục tiêu chung là thúc đẩy quốc phòng.

Tháng 7/2018, văn phòng Quân-dân dung hợp của CCCC đã ký kết một thỏa thuận "hợp tác chiến lược" với Học viện Hậu cần Hải quân của PLA, cam kết hợp tác trên các vấn đề liên quan đến việc phát triển các dự án quốc phòng trên biển, nghiên cứu, dữ liệu lớn cùng với một số lĩnh vực khác.

Đơn vị thuộc Tổng Công ty Xây dựng cảng Trung Quốc của CCCC đã xây dựng dự án cảng Hambantota gây tranh cãi ở Sri Lanka. Không thể trả lại Trung Quốc khoản nợ trong dự án này, chính phủ Sri Lanka đã phải cho một công ty nhà nước khác của Trung Quốc thuê cơ sở này trong 99 năm. Các quan chức Mỹ đã gọi sự việc này là minh chứng cho cái gọi là "bẫy nợ" và là một phần trong mưu đồ của Trung Quốc để có được tiền đồn chiến lược này.

CCCC cũng nằm trong số các công ty tham gia vào nỗ lực của Bắc Kinh xây dựng các sân bay ở Greenland, điều mà Nhà Trắng đã ngăn cản năm 2018 với lo ngại việc này có thể khiến quân đội Trung Quốc có được vị thế vững chắc ở Bắc cực.

Ngoài ra, CCCC còn có các hoạt động kinh doanh cả ở Mỹ. Công ty này đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào thương mại, bán lẻ, bất động sản ở Los Angeles. Chi nhánh của CCCC là Shanghai Zhenhua Heavy Industries Co, còn được biết tới là ZPMC, là một trong những nhà sản xuất máy móc xây dựng cảng lớn nhất thế giới cũng như cung cấp máy cẩu và các dịch vụ liên quan cho các bến cảng của Mỹ.

CCCC và các chi nhánh của mình cũng bị cáo buộc tham gia các hoạt động tham nhũng và phá hoại môi trường trong một số dự án ở Malaysia, Kenya, Tanzania, Philippines và một số nơi khác.

Mỹ muốn Trung Quốc phải chịu trách nhiệm

Bằng cách đưa các công ty này vào danh sách đen, Mỹ "có những mục tiêu khác nhau nhằm khiến các nhân tố xấu phải trả giá và khuyến khích tất cả các bên, các tổ chức và các chính phủ trên khắp thế giới đánh giá rủi ro và cân nhắc các thỏa thuận làm ăn với các doanh nghiệp "săn mồi" thuộc sở hữu Nhà nước của Trung Quốc mà chúng tôi đã liệt kê ra ở đây", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Trên Biển Đông, các công ty trên đã hỗ trợ Bắc Kinh đã nạo vét và xây dựng hơn 12.000 mét vuông các đảo nhân tạo để phục vụ các tên lửa chống hạm và các thiết bị quân sự, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong 2 tuyên bố khác nhau hôm 26/8.

Trung Quốc đã sử dụng những đảo này để đưa ra các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, "bắt nạt" Philippines và các quốc gia khác khi ngăn cản quyền lợi của họ ở các vùng đánh bắt cá và nguồn tài nguyên ngoài khơi", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hồi tháng trước, đồng thời gọi các hành động của Trung Quốc là "hoàn toàn phi pháp".

Ngoài việc đưa các công ty này vào danh sách đen, hôm 26/8, Mỹ còn áp lệnh hạn chế visa với các nhà điều hành những công ty trên và các cá nhân khác chịu trách nhiệm xây dựng đảo nhân tạo.

Trung Quốc "không được phép sử dụng CCCC và các doanh nghiệp nhà nước khác như những vũ khí để thực hiện chính sách bành trướng", Ngoại trưởng Pompeo khẳng định trong một tuyên bố hôm 26/8.

"Mỹ sẽ hành động cho đến khi chúng tôi chứng kiến Bắc Kinh dừng hành vi cưỡng ép của mình trên Biển Đông, và chúng tôi sẽ tiếp tục đứng về phía các đồng minh và đối tác nhằm chống lại hành động làm suy yếu sự ổn định này".

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng khẳng định trong một tuyên bố: "Các thực thể được đưa vào danh sách hôm nay đóng vai trò đáng kể trong việc xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc và phải chịu trách nhiệm về việc này”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại