Với ghế thẩm phán, Trung Quốc có kiểm soát được tố tụng tại ITLOS?

Phạm Nghĩa |

Mỹ phản đối nhà ngoại giao Trung Quốc Đoàn Khiết Long trở thành thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), đồng thời cáo buộc Bắc Kinh coi thường luật pháp quốc tế ở biển Đông.

Bất chấp sự phản đối của Mỹ, ông Đoàn được bầu làm thẩm phán ITLOS để xét xử và giải quyết tranh chấp hàng hải vào thời điểm Trung Quốc gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng về biển Đông.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), ông Đoàn - đại sứ Trung Quốc tại Hungary – nằm trong số 6 thẩm phán được bầu tại hội nghị thứ 30 của các quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) tại trụ sở LHQ ở New York – Mỹ đầu tuần này.

Nhà ngoại giao này sẽ là quan chức Trung Quốc thứ tư phục vụ với tư cách là thẩm phán của ITLOS. Nhiệm kỳ 9 năm của ông Đoàn bắt đầu từ ngày 1-10 tới.

Dù không phải là bên ký kết UNCLOS nhưng Mỹ bày tỏ sự phản đối gay gắt đối với ứng cử viên Trung Quốc trước thời điểm bầu thẩm phán ITLOS. Washington cho rằng Bắc Kinh coi thường luật pháp quốc tế ở biển Đông. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố các yêu sách hàng hải của Trung Quốc đối với vùng biển này là trái phép.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell cũng nhấn mạnh việc bầu một quan chức của Trung Quốc vào ITLOS "giống như thuê một kẻ phóng hỏa giúp điều hành sở cứu hỏa".

Tại một hội thảo về biển Đông hồi tháng trước, ông Stilwell cho biết Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc đề cử ứng cử viên thẩm phán tại ITLOS và kêu gọi các nước không bỏ phiếu cho ứng cử viên này.

Hôm 25-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói nước này luôn ủng hộ ITLOS và xem việc ông Đoàn trúng cử đồng nghĩa với việc sự đóng góp của Trung Quốc được ghi nhận. Từ khi ITLOS được thành lập năm 1996, luôn có một thẩm phán người Trung Quốc tại tòa.

Tuy vậy, tờ SCMP lưu ý Trung Quốc từng bị Philippines đưa ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague – Hà Lan do liên quan đến một loạt tranh chấp ở biển Đông năm 2013. PCA sau đó ra phán quyết bác bỏ tính hợp lệ của cái gọi là "đường chín đoạn" cùng với các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông.

Với ghế thẩm phán, Trung Quốc có kiểm soát được tố tụng tại ITLOS? - Ảnh 1.

Ông Đoàn Khiết Long. Ảnh: SCMP

Ghế thẩm phán tại ITLOS có khả năng đem lại lợi thế cho Trung Quốc khi đại diện nước này nắm giữ hoặc tham gia các vụ việc cụ thể liên quan đến lợi ích của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định Trung Quốc có thể bị hạn chế trong việc kiểm soát quy trình tố tụng của ITLOS bởi chỉ nắm một ghế duy nhất. Trong tổng số 21 thành viên của ITLOS, 5 ghế do đại diện của châu Á nắm giữ, 5 ghế của châu Phi, 3 ghế của Đông Âu, 4 ghế của châu Mỹ Latinh và Caribbean, 3 ghế của Tây Âu và một thành viên có thể được bầu từ châu Phi, châu Á hoặc Tây Âu.

Và ITLOS, có trụ sở tại Hamburg, không hoạt động nhiều. Theo báo cáo thường niên năm 2019, ITLOS chỉ xét xử 4 trường hợp hồi năm ngoái và đưa ra phán quyết về một trường hợp trong số đó.

Vụ xử gây ảnh hưởng nhiều nhất liên quan đến Luật Biển trong những năm gần đây lại được xử tại PCA chứ không phải ITLOS. Đó chính là vụ Philippines kiện Trung Quốc trên biển Đông.

Mỹ tìm cách chặn ảnh hưởng của Trung Quốc

Một số ý kiến cho rằng việc các quan chức Trung Quốc trở thành thẩm phán ITLOS nằm trong chiến lược đường dài của nước này, với mục đích kiểm soát các vị trí lãnh đạo tại các tổ chức quốc tế. Chiến lược này nhằm khiến các tổ chức trên bớt chỉ trích Trung Quốc.

Đó có thể là lý do mà Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào ngày 30-7 rằng Mỹ nên tài trợ cho một nhóm đặc biệt tại Bộ Ngoại giao để đẩy lùi sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các cơ quan và tổ chức quốc tế của LHQ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại