Trung Dũng kể chuyện “Gạo nếp gạo tẻ”: Đóng cảnh húp tô phở mà vừa diễn vừa ức, tự hỏi “Cái gì vậy trời?”

Trân Trân |

Ngoài đam mê diễn xuất, Trung Dũng còn là một diễn viên có chính kiến và từng xảy ra mâu thuẫn với đạo diễn ngay trên phim trường "Gạo Nếp Gạo Tẻ".

Bên cạnh 2 cô con gái với số phận trái ngược nhau là Hương ( Lê Phương ) và Hân ( Thúy Ngân ) thì bộ phim Gạo Nếp Gạo Tẻ còn thu hút sự quan tâm của khán giả bởi chàng rể chịu thương chịu khó suốt từ lúc phim vừa phát sóng đến giờ.

Nói đến Gạo Nếp Gạo Tẻ, thường người ta sẽ nhắc đến cô vợ quá quắt, khó ưa Hân, người suốt ngày chỉ biết nghĩ đến bản thân mình và bà Mai ( NSND Hồng Vân ), bà mẹ vợ thiên vị, "đáng ghét" nhất thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên thời gian gần đây, khi những phân đoạn cậu con rể nhà giàu Kiệt ( Trung Dũng ) sau khi làm ăn thất bại liền bị nhà vợ chèn ép, khinh thường được chia sẻ rộng rãi, dân mạng và khán giả dần thể hiện sự đồng cảm sâu sắc đối với anh.

Kiệt vốn là một người con trai ngoan, có hiếu, chịu thương chịu khó, biết nhẫn nhịn và rất yêu thương gia đình nhỏ của mình.

Có thể nói rằng nếu như Kiệt nằm trong một bộ phim gia đình khác, có lẽ anh đã nhận về không ít chỉ trích vì là đàn ông nhưng lại để cho vợ "leo lên đầu lên cổ", để mẹ vợ chì chiết, mạt sát hết lần này đến lần khác mà vẫn nhẫn nhịn.

Tuy nhiên đối với Kiệt của Gạo Nếp Gạo Tẻ, Trung Dũng đã thể hiện được một người đàn ông trụ cột gia đình, vừa có sự vững chãi, vừa có sự mềm mỏng.

Trong cuộc phỏng vấn với Afamily, Trung Dũng đã có những chia sẻ chân thành về vai diễn khác con người thật của anh "một trời một vực".

Trung Dũng kể chuyện “Gạo nếp gạo tẻ”: Đóng cảnh húp tô phở mà vừa diễn vừa ức, tự hỏi “Cái gì vậy trời?” - Ảnh 1.

Diễn viên Trung Dũng.

Trước Gạo Nếp Gạo Tẻ, cũng đã khá lâu rồi không đóng phim truyền hình, Trung Dũng đã làm gì trong suốt thời gian đó?

Khi mới cầm kịch bản Gạo Nếp Gạo Tẻ trên tay, Trung Dũng thật sự không biết số phận của mình sẽ thế nào. Cách đây 7, 8 năm, trước Gạo Nếp Gạo Tẻ thì tôi từng hợp tác với HTV2 một bộ phim là Thiên sứ lông bông.

Đây là một bộ phim mà tôi rất thích, vai diễn của tôi vừa có bi, có hài, có cả võ thuật và tình cảm rất ghê gớm. Tôi đã dồn hết tâm sức của mình vào bộ phim đó, thậm chí là nghỉ cả chương trình Sức Sống Mới để dồn tiền làm bộ phim này.

Trung Dũng kể chuyện “Gạo nếp gạo tẻ”: Đóng cảnh húp tô phở mà vừa diễn vừa ức, tự hỏi “Cái gì vậy trời?” - Ảnh 2.

Thế nhưng sau khi phim hoàn thành thì có một sự cố gì đó xảy ra khiến phim không thể tiếp tục lên sóng theo như tiến độ và phải ngưng hơn 1 năm. Và khi phim được phát sóng lại thì đã không còn độ hot như trước.

Mà thời điểm đó phim chưa được PR, quảng bá nhiều như bây giờ. Về sau có rất nhiều phim mà tôi từng tham gia, trong đó có cả Lạc Giới. Tôi đã phải hy sinh rất nhiều, công sức, thời gian, tiền của và cả danh dự của mình.

Người ta cứ dựng chuyện lên nói này nói nọ nhưng tôi không hề thanh minh bất cứ cái gì. Mình có giải thích cũng không được gì, mà nói ra thì có ai tin đâu, tôi mặc sức ai muốn nói gì nói, ai muốn làm gì làm.

Đối với Trung Dũng, nghiệp diễn là niềm đam mê, giống như một đứa con của tôi vậy. Có thể nói cho dù ba mẹ có cấm cản, từ mặt này nọ nhưng tôi nhất quyết không bỏ.

Kể những điều này là để người khác hiểu được rằng thời điểm đó tôi đã trải qua những điều tồi tệ thế nào nhưng tôi vẫn mặc kệ tất cả.

Lần trở lại này thành công thật sự đối với tôi cũng giống như công việc mình đi làm hàng ngày và nhận lại được kết quả cực kỳ tốt.

Trung Dũng kể chuyện “Gạo nếp gạo tẻ”: Đóng cảnh húp tô phở mà vừa diễn vừa ức, tự hỏi “Cái gì vậy trời?” - Ảnh 3.

Vai diễn Kiệt đã đến với anh như thế nào?

Thật ra ban đầu vai diễn này không đến tay Trung Dũng đầu tiên mà là Quốc Thái. Thái đã đóng được mấy tập rồi và ekip cũng được gầy dựng, làm việc được một thời gian trước đó.

Thật ra tôi không mấy mặn mà với những bộ phim truyền hình Hàn Quốc.

Tôi chỉ xem một số phim điện ảnh Hàn Quốc với điều kiện phim đó phải mang tính nghệ thuật chứ không chỉ đơn giản là một bộ phim giải trí.

Một điều nữa là tôi thích cách làm việc của ekip Hàn vì họ rất chăm chút hình ảnh, màu sắc phim cho đến cách dàn dựng.

Tuy nhiên tôi lại không thích cách diễn có hơi quá của một số diễn viên thời nay, những diễn viên kỳ cựu họ diễn sẽ chân thực hơn rất nhiều.

Trung Dũng kể chuyện “Gạo nếp gạo tẻ”: Đóng cảnh húp tô phở mà vừa diễn vừa ức, tự hỏi “Cái gì vậy trời?” - Ảnh 4.

Chính vì vậy khi tôi nhận kịch bản Gạo Nếp Gạo Tẻ và biết đây là một bộ phim remake từ bản gốc Hàn Quốc thì tôi không mặn mà lắm. Và khi mới nhìn vào vai Kiệt thì tôi thấy rằng vai diễn này quá dễ đối với tôi.

Lúc đó tôi nghĩ phim này dễ quá, đóng không có gì đòi hỏi cao, toàn đi vòng vòng trong nhà chắc cũng sẽ nhanh nhưng phải công nhận là đối với đời diễn viên thì vai diễn nào cũng là một thử thách và mang về không ít kinh nghiệm.

Được biết Trung Dũng từng chia sẻ rằng mình có xảy ra mâu thuẫn và bất đồng quan điểm với đạo diễn Võ Thạch Thảo trên phim trường, chuyện là thế nào?

Ngay từ những ngày đầu mới lên phim trường thì tôi và Thảo đã cãi nhau rồi.

Ngay ngày thứ 3, lúc ấy tôi đang quay ở Bình Dương, giữa tôi với cô ấy đã xảy ra chuyện nho nhỏ rồi. Thảo ép tôi phải đứng ở những vị trí, tư thế tay chân rồi biểu hiện này kia theo đúng ý cô ấy.

Thế nhưng tất cả những gì Thảo đòi hỏi không hề có một chút cái gì gọi là còn đọng lại của "diễn viên Trung Dũng" từ trước đến giờ. Xung đột bắt đầu lên cao khi chúng tôi quay cảnh Kiệt lúc còn ở bên nhà giàu, vừa bị phá sản.

Thảo lúc ấy ép tôi vào vai một người chồng nhẫn nhịn, bình tĩnh lắng nghe cô vợ của mình giả tạo, khóc lóc, kể những chuyện tào lao. Nhất là cảnh Kiệt bưng tô phở lên húp hết, thật sự lúc đó tôi diễn nhưng trong lòng tôi rất là ức.

Trung Dũng kể chuyện “Gạo nếp gạo tẻ”: Đóng cảnh húp tô phở mà vừa diễn vừa ức, tự hỏi “Cái gì vậy trời?” - Ảnh 5.

Tôi chưa bao giờ muốn cãi nhau với phụ nữ, tôi cũng không đôi co với họ vì tôi biết có nói thì tôi cũng thua thôi vì thứ nhất, cô ấy là đạo diễn, thứ 2 cô ấy là phái nữ.

Nhưng mâu thuẫn thật sự đã lên đến cao trào đến mức mà tôi phải thốt lên rằng: "Cái gì vậy trời?".

Một vai diễn như vậy mà lên sóng thì sẽ bị người ta ném đá, chẳng những không thương cảm mà còn chửi nữa. Vai hiền thường lúc nào cũng chết với vai dữ.

Chẳng hạn như bà Mai, Hân... sẽ dìm mất vai Kiệt. Chính vì vậy mà tôi đã phải đấu tranh với Thảo rất nhiều nhưng Thảo vẫn kiên quyết ép tôi như vậy.

Đối với một đạo diễn trẻ như cô ấy, thử hỏi thời điểm đó tôi có cái gì để tin? Khi tôi nói với Thảo rằng tôi ức chế quá, không diễn được thì cô ấy chỉ đáp lại rằng: "Anh không diễn được thì thôi mình ngưng một thời gian rồi khi nào ổn định lại tính tiếp".

Đây cũng là lần đầu tiên tôi được làm việc với một nữ đạo diễn có nhu, có cương như vậy.

Trước đây, vị trí đạo diễn và biên kịch liên tục bị thay đổi. Và khi đến lượt Võ Thạch Thảo và Hoàng Anh cầm trịch phim, 2 người đã luôn tự tin và khẳng định rằng mình đủ sức chèo lái con thuyền Gạo Nếp Gạo Tẻ này.

Tôi cũng từng hỏi tại sao 2 cô ấy lại có thể chắc chắn như vậy, Thảo chỉ đáp lại rằng cô ấy có thể làm đúng những gì bản gốc thể hiện được và còn hơn thế nữa. Sau tất cả, tôi giờ đây nhận ra rằng 2 cô gái này quả thật rất "ghê gớm" và rất giỏi.

Những người hợp tác sau này với họ chắc chắn có thể tin tưởng được vì cả ekip Gạo Nếp Gạo Tẻ có thể xem như một sự kiểm tra đối với 2 người này.

Trung Dũng kể chuyện “Gạo nếp gạo tẻ”: Đóng cảnh húp tô phở mà vừa diễn vừa ức, tự hỏi “Cái gì vậy trời?” - Ảnh 6.

Trước khi phim lên sóng, Trung Dũng có trông chờ gì vào Gạo Nếp Gạo Tẻ không?

Tôi có nói với một số đồng nghiệp của mình là phim này lên sóng 1 là sẽ cực kỳ hot, 2 là sẽ trôi tuột đi và không đọng lại bất cứ một cái gì. Tôi cũng có nghe biên kịch Hoàng Anh nói rằng phim này bản gốc bên Hàn hot dữ lắm.

Việt Nam mình cũng có nhiều bộ phim remake lại nhưng không thành công. Tôi đã nói trong lòng rằng chắc mình cũng chung số phận, thôi thì cứ diễn hết mình.

Trung Dũng kể chuyện “Gạo nếp gạo tẻ”: Đóng cảnh húp tô phở mà vừa diễn vừa ức, tự hỏi “Cái gì vậy trời?” - Ảnh 7.

Nhưng thật sự không ngờ rằng khi phim chiếu thì khán giả lại thương nhân vật của mình đến vậy, một người đáng lý ra phải nhận về chỉ trích vì quá nhu nhược, hèn yếu và nhẫn nhịn.

Sự thành công của diễn viên sau một nhân vật cũng có thể xem như con dao 2 lưỡi.

Sau sự thành công vang dội đó nếu mình không tìm được bộ phim nào khác có độ hot tương tự hoặc cao hơn thì tên tuổi của mình sẽ dần tụt dốc. Lời khen của khán giả dành cho tôi những ngày qua đều rất thật chứ không phải những lời hoa mỹ hay khen ngợi "thảo mai".

Đa số người ta đều không ngờ được Trung Dũng lại có thể đóng một vai bi như vậy.

Trong đoàn phim thì anh ấn tượng nhất với phân đoạn của diễn viên nào?

Trong suốt những năm đi diễn thì tôi vẫn luôn phải học hỏi và trau dồi diễn xuất của mình từng ngày, từng giờ. Trong Gạo Nếp Gạo Tẻ có một phân đoạn của Lê Phương mà tôi nghĩ là khi lên sóng thì khán giả sẽ "chết" với cô ấy.

Bây giờ ngồi nhắc lại tôi vẫn thấy cảm xúc dâng trào, cảnh đó thật sự "khủng khiếp" lắm. Đó là cảnh Lê Phương phải chứng kiến người thân của cô ấy ra đi. Sau khi xem cảnh đó thì tôi đã gợi ý cho Lê Phương là cô ấy nên đưa tay lên níu lấy trong tuyệt vọng.

Sau khi cô ấy quay cảnh đó lần thứ 2 là vô cùng tuyệt vời. Tôi đã nói với Lê Phương rằng cảnh này chắc chắn sẽ lấy nước mắt khán giả bởi bản thân tôi ngay lúc ấy cũng đã rơi nước mắt khi xem cô ấy diễn.

Trung Dũng kể chuyện “Gạo nếp gạo tẻ”: Đóng cảnh húp tô phở mà vừa diễn vừa ức, tự hỏi “Cái gì vậy trời?” - Ảnh 8.

Vai diễn của Lê Phương cũng là một vai diễn đa chiều. Khi ở nhà mẹ ruột, Hương là một cô con gái ngoan, nhẫn nhịn, có thể nói là làm việc quần quật chẳng khác nào... con ở.

Thế nhưng khi về nhà chồng, Hương lại thay đổi và trở thành giống như... một người đàn ông vậy, mạnh mẽ và cương quyết.

Còn những diễn viên khác như NSND Hồng Vân, Thúy Ngân và cố diễn viên Nguyễn Hậu thì sao?

Đối với NSND Hồng Vân, chị Vân là một người diễn xuất có sức nặng cực kỳ. Đối với các diễn viên trong đoàn, tôi có tình cảm gia đình với họ nên khi vào phim, tình cảm đó càng mãnh liệt hơn.

Mặc dù vai diễn của chị Hồng Vân rất dữ dằn và ác với tôi nhưng chỉ cần chị Vân nói một câu: "Mẹ thương con" là tôi có thể rớt nước mắt ngay được.

Với diễn viên Nguyễn Hậu cũng vậy, mối quan hệ giữa chúng tôi giống như cha con vậy. Chỉ cần nhìn anh Hậu thôi là đã muốn khóc rồi.

Có những phân cảnh tôi nói với đạo diễn là chỉ cần nói thoại thôi là tôi rớt nước mắt liền nhưng Thảo đã bảo tôi phải cố gắng kìm lại.

Trung Dũng kể chuyện “Gạo nếp gạo tẻ”: Đóng cảnh húp tô phở mà vừa diễn vừa ức, tự hỏi “Cái gì vậy trời?” - Ảnh 9.

Đối với vai diễn của Thúy Ngân thì Ngân là một trong những diễn viên trẻ và ít kinh nghiệm diễn xuất so với những người kỳ cựu khác trong đoàn như Hồng Vân, Mai Huỳnh, Lê Phương... tuy nhiên Ngân lại có phong thái riêng của mình.

Nhân vật Hân của Ngân là tuy nói là ích kỷ, quá quắt nhưng phải công nhận cô ấy là một đứa con hiếu thảo. Bằng chứng là có bao nhiêu tiền cổ đều đem về cho mẹ rồi mua này mua kia cho anh chị em, cháu trai cháu gái... mặc dù đó không phải tiền của cổ.

Tính ra thì trong xã hội hiện tại vẫn còn có những người phụ nữ ích kỷ, ăn xài tiêu pha giống như Hân nhưng còn tệ hơn Hân là vì họ chưa bao giờ gửi một đồng nào về cho bố mẹ ở nhà. Hân thì không như thế.

Tuy nhiên trong diễn xuất thì các diễn viên đều nâng đỡ lẫn nhau. Có thể nói nếu Thúy Ngân không gặp được tôi, chị Hồng Vân hay Lê Phương thì Ngân cũng "thua". Mà ngược lại, nếu không có 3 người đó thì tôi cũng thua.

Giữa các diễn viên khi đóng cùng nhau họ cần chất xúc tác để có thể đẩy tình tiết lên cao. Như mấy cảnh đóng cùng Ngân, nếu tôi không khóc thì vai của Ngân cũng chết.

Mà nếu Ngân không chảnh chọe, không làm cho người ta ghét tới đỉnh điểm thì cũng không ai đồng cảm với tôi, thì lúc đó vai của tôi cũng chết.

Trung Dũng kể chuyện “Gạo nếp gạo tẻ”: Đóng cảnh húp tô phở mà vừa diễn vừa ức, tự hỏi “Cái gì vậy trời?” - Ảnh 10.

Gạo Nếp Gạo Tẻ là một bộ phim chứa đựng nhiều điều bất ngờ và khiến cả người xem lẫn người đóng đều không thể tin được những gì nó mang lại. Đã rất lâu rồi tôi mới lại có cảm giác thành quả giống như hiện tại.

Cảm ơn diễn viên Trung Dũng vì đã có những chia sẻ chân thành!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại