Được làm lại từ phim Hàn Quốc, Gạo nếp gạo tẻ đang là bộ phim “gây sốt” màn ảnh nhỏ. Xem cách Hân - cô vợ quá quắt (Thúy Ngân đóng) đối xử với Kiệt (Trung Dũng), khán giả vừa tức vừa thương cho Kiệt.
Có dịp gặp Trung Dũng giữa thời gian rảnh rỗi của anh, nam diễn viên hào hứng chia sẻ những câu chuyện xung quanh bộ phim với VTC News.
“Đóng Gạo nếp gạo tẻ, tôi bị ức chế tâm lý”
- Chào Trung Dũng, lý do gì khiến anh nhận lời vào vai Kiệt trong “Gạo nếp gạo tẻ”?
Thật sự chuyện gì xảy ra cũng có cái duyên, đúng như ông bà ta thường nói: “Cái gì không phải của mình là không phải của mình. Còn của mình cho dù bây giờ không cố làm gì hết nó vẫn tự động tìm đến”.
Tôi biết dự án phim Gạo nếp gạo tẻ từ cách đây 2 năm khi nghe Quốc Thái (người ban đầu đóng vai Kiệt – pv) kể nhưng tôi cảm thấy phim “khó ăn” bởi từng xem qua nhiều phim được Việt hóa lại.
Văn hóa người Hàn Quốc không liên quan, khác hẳn với Việt Nam. Mối quan hệ trong gia đình Việt Nam không giống với gia đình Hàn Quốc.
Bản thân tôi sau khi nghe kể sơ về vai diễn xong, lúc về tự dưng nghĩ trong đầu mình đóng vai này sẽ rất hợp nhưng lúc đó phim đang quay rồi. Tuy nhiên, vài tháng sau, phía nhà sản xuất gọi và hỏi tôi có muốn đóng vai chính không khiến tôi ngạc nhiên.
Sau đó, họ mới nói rằng do muốn thay đổi vài vai diễn nên gọi tôi tham gia và cũng nói trước rằng Quốc Thái từng đóng vai này. Đọc xong bản demo, tôi mới thấy vai Kiệt thực sự “khó nuốt”.
Một cảnh trong phim khi Trung Dũng bị mẹ vợ (NSND Hồng Vân) tìm đủ cách bắt bẻ, hành hạ.
- Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn không?
Lúc nhận vai, tâm lý tôi bình thường. Từ ngoài nhìn vào, nhân vật này cực kì dễ đến mức một gương mặt nào buồn, khắc khổ một chút là có thể vào được. Tôi còn nghĩ đơn giản rằng “phim dài tập, có đầu tư, tiền cát-xê ổn nên thôi mình làm”.
Đến khi vào vai rồi, đạo diễn Thạch Thảo lại nắm quá chắc kịch bản gốc nên muốn chúng tôi phải đẩy cảm xúc lên tận cùng. Nếu có lý do gì đó, bạn chắc chắn sẽ chịu đựng được nhưng ở đây thì không nên bạn rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Ví dụ như cảnh Kiệt về nhà sau khi biết tin công ty phá sản, mở đèn lên thấy Hân (Á hậu Thúy Ngân) đang ngồi. Cảnh đó, Hân sẽ kể lể chuyện cô sinh ra sung sướng, lớn lên làm Hoa hậu…nhưng đạo diễn lại muốn Ngân diễn như đang giả bộ để có được sự thương cảm từ chồng, không bị bắt về quê sống.
Sau đó, theo ý đạo diễn, Ngân sẽ ngước mắt lên và có phần hơi gian xảo trong đó. Tôi mới bảo rằng làm sao có thể như vậy được nhưng đạo diễn nhất định bảo phải làm như vậy. Chúng tôi tranh cãi đến mức phải ngừng quay – một cảm giác mà tôi đóng phim biết bao lâu chưa từng gặp qua.
Không chỉ vậy, những cảnh như tôi phải đứng nghe Hân kể lể, tôi cứ thắc mắc tại sao mình phải đứng bởi những nỗi khổ mà Hân kể quá bình thường. Nói chung, khi đóng phim này, cảm xúc bị ức chế khá nhiều.
Có thể nói với những vai mang tâm lý ngược như vậy, tôi còn không chấp nhận nổi nói gì đến khán giả. Nên khi phim lên sóng và Thúy Ngân bị “ném đá” là chuyện tôi đoán được từ trước. Tôi đoán được phim này chỉ có 2 con đường, một sống hai chết – sống trong vinh quang còn chết trong im lặng.
Để diễn được vai này, để khán giả được khóc với vai tôi, tôi nói thật, tôi đã vượt qua một điều không tưởng tượng được và không nghĩ khán giả sẽ khóc với mình.
Từ xưa đến này, người ta có thể khóc với thân phận phụ nữ vì dễ thông cảm. Đàn ông có thể thương đàn bà nhưng đàn ông không thể nào thương đàn ông được hết, không thể đồng cảm được nếu không phải chuyện gì đó quá khủng khiếp.
- Bị ức chế tâm lý khi diễn như vậy, có bao giờ anh cảm thấy hối hận khi nhận vai diễn này?
Cảm xúc bị ức chế thật nhưng khi phim lên sóng, tôi hiểu đạo diễn có cái lý của người ta, họ sắp đặt từ trước.
Bản thân tôi thấy đạo diễn Thạnh Thảo có sự đầu tư tốt và hiểu biết kịch bản, biết cách đẩy cảm xúc của cả diễn viên lẫn khán giả chứ không phải kiểu không biết gì mà cố ép diễn viên.
- Những diễn viên khác có rơi vào tình huống giống anh không?
Có nhiều người lắm, từ chị Hồng Vân đến anh Mai Huỳnh…ai cũng bị ức chế tâm lý bởi phim này không được thoại sai dù chỉ một từ. Nhưng vì khó khăn như vậy mới có được thành công như hiện tại.
Lúc đầu nhận vai Kiệt, tôi không nghĩ sẽ làm khán giả khóc hay đồng cảm với mình mà chỉ muốn bản thân làm thật tốt. Tôi vốn quan niệm rằng, đạo diễn dù khó khăn cỡ nào, tôi vẫn có thể vượt qua nếu cố gắng.
Tôi từng cộng tác với nhiều đạo diễn, chẳng hạn như anh Võ Tấn bình nhưng nếu đạo diễn yêu cầu 8, tôi làm đến 20, vượt quá sức tưởng tượng của họ nên hầu như chưa có ai ý kiến về diễn xuất của tôi.
Tôi và đạo diễn Thạch Thảo ở ngoài vui vẻ bao nhiêu, vào phim lại căng thẳng đến mức không muốn nhìn mặt nhau – nó khủng khiếp đến vậy. Thạch Thảo là đạo diễn giỏi, và diễn viên làm việc với cô ấy cũng phải thực sự giỏi chứ không thể lơ mơ.
Cô ấy để ý kĩ từng chi tiết nhỏ nhất, chẳng hạn có những ngày tôi đang bực chuyện gì đó mà đến phim trường, Thảo nhận ra ngay và bảo tôi đi nghĩ cho bớt căng thẳng rồi hãy quay. Ngày hôm đó mặt tôi mập ra hay ốm đi, tươi quá hay sao cô ấy đều nhìn ra được.
- Có cảnh quay nào trong “Gạo nếp gạo tẻ” Trung Dũng phải quay đi quay lại nhiều lần?
Cả nhà tôi xem phim xong đều không hiểu tại sao tôi có thể hóa thân thành một nhân vật như vậy.
Trung Dũng
Nói chung, tôi phải cảm ơn đạo diễn vì để ý tôi quá kĩ.
Rất nhiều bởi gương mặt tôi vốn “hình sự” nên để lấy nước mắt khán giả rất khó. Nhìn mặt tôi lần đầu chắc không khán giả nào có thiện cảm cho được.
Vậy mà từ khi phim lên sóng, tôi không hiểu tại sao từ thanh niên đến đàn ông, người lớn lẫn con nít đều thích nhân vật của mình.
Trong phân cảnh ba vợ của Kiệt (nghệ sĩ Mai Huỳnh) đến xin lỗi anh sau khi bị mẹ vợ bắt ly hôn, cả đoàn phải dựng bối cảnh, set máy quay từ 9h đêm tới 3h sáng. Chỉ nói về việc máy quay lia như thế nào đã khó rồi bởi nếu diễn viên và máy quay không ăn ý, phim sẽ bị “out” ngay.
Không chỉ vậy, cảnh quay đó, ngay từ những câu nói chuyện đầu tiên, tôi đã rớt nước mắt rồi nhưng phải cố giữ lại. Bạn cứ nghĩ thử, vừa diễn – vừa kiềm nước mắt – vừa đọc thoại sao cho không vấp là quá khó. Nhưng khi nước mắt rơi đúng thời điểm, cảm xúc sẽ được đẩy lên cao hơn.
Video: Phân cảnh khiến Trung Dũng phải quay từ 9h đêm đến 3h sáng
- Khán giả xem phim xong, họ vừa giận vừa thương nhân vật của anh, vậy Trung Dũng có nhận được những tin nhắn đồng cảm từ khán giả không?
Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn như vậy. Thậm chí, có những bạn thuộc cộng đồng LGBT còn gọi Hân bằng “mày”, nói cô ấy không lo cho tôi được thì để họ lo. Tôi rất vui và bất ngờ vì tình cảm khán giả dành cho mình cũng như nhân vật Kiệt.
- Anh thấy mình giống với nhân vật Kiệt bao nhiêu phần trăm?
Ngoại trừ chuyện có hiếu với cha mẹ, còn lại đều không giống, thậm chí có thể nói là không liên quan. Tính tôi khi thấy điều sai sẵn sàng đấu tranh, một là một, hai là hai, không bao giờ có chuyện nhường nhịn bất cứ điều gì.
Bên cạnh đó, một khó khăn nữa là Gạo nếp gạo tẻ thu tiếng trực tiếp và tôi phải hạ tông giọng của mình xuống mức thấp nhất.
“Cả nhà không ai tin tôi có thể đóng được vai Kiệt”
- Gia đình anh phản ứng thế nào khi thấy con trai của mình hóa thân thành một người đàn ông quá hiền và nhu nhược?
Kiệt là kiểu đàn ông Tây, yêu thương gia đình, không suy nghĩ, không tính toán. Nếu không có hai con nhỏ mà Kiệt vẫn cứ nhu nhược, nhún nhường vợ như vậy là anh ta rất ngu, có vần đề thần kinh chứ không phải người bình thường. Nhưng vì Kiệt có con, có cha già.
Cha là người nuôi nấng, dạy dỗ Kiệt từ nhỏ. Ngay từ câu Kiệt nói với mẹ khi còn nhỏ rằng “lớn lên con sẽ nuôi mẹ và vợ”, cậu ấy giống như một con robot được lập trình sẵn, được dọn sẵn đường để đi.
Chính vì vậy, ban đầu tôi lo lắng vì vai diễn này sẽ dễ dàng hơn với những diễn viên nào có gương mặt hiền lành một chút vì gương mặt tôi dữ quá.
Tôi không tưởng tượng được mình có thể diễn đạt vai như vậy khiến khán giả khóc vì mình. Mẹ tôi và cả gia đình xem xong đều đồng loạt thốt lên rằng không muốn xem phim này nữa vì không hiểu tại sao tôi có thể hóa thân thành một nhân vật như vậy.
“Mẹ thấy con vừa hiền, vừa nhu nhược, khóc thút thít mẹ tội lắm con à. Ở nhà từ nhỏ đến lớn có thấy con khóc bao giờ đâu. Mẹ không xem nữa, xem xong lại muốn khóc, muốn chửi” – mẹ tôi nói vậy.
Còn mấy đứa cháu cứ ước ở nhà tôi hiền được như vậy. Nói chung, nhà tôi còn không tin tôi đóng được vai này.
- Anh từng nói rằng “đóng phim với Hoa hậu chỉ có nước chết”?
Đó là chuyện lâu lắm rồi và tôi xem như tai nạn nghề nghiệp. Lúc đó, tôi cũng đi hẹn đi phỏng vấn, xong rồi ngồi nói chuyện và những câu chuyện bên lề đó bị đưa lên báo mà không hề xin phép tôi. Đó cũng là lý do 4-5 năm nay tôi không tiếp xúc với báo chí nữa.
Đến khi tham gia Gạo nếp gạo tẻ, tôi mới gặp gỡ mọi người vì phim chứ thú thật, tôi không biết nói gì cả. Còn chuyện về Hoa hậu đã từ lâu rồi, tôi không quan tâm về điều đó.
- Gần đây, siêu mẫu Lan Khuê có nói đại ý rằng vai Hân của Thúy Ngân khiến hình ảnh các Hoa hậu, Á hậu xấu đi trong mắt khán giả. Bản thân anh đóng chung với Thúy Ngân, anh có muốn chia sẻ gì không?
Tôi không phải nữ giới nên khó hiểu được, không muốn nói quá sâu vấn đề này. Chỉ là, họ phát biểu là chuyện của họ và có lý do riêng. Bản thân tôi cũng có nhiều bức xúc nhưng chưa bao giờ lên facebook của mình để nói về một điều gì đó.
Xã hội này rộng lớn lắm, mỗi người mỗi việc, mình chỉ làm sao cho đúng là được. Ví dụ như có người nói tôi hết thời, ban đầu tôi thấy đau lắm, nghĩ rằng chắc mình phải chọn con đường khác, trở lại làm bếp để mở nhà hàng chẳng hạn chứ không thể tiếp tục với nghề này được nữa nhưng chỉ được 1-2 ngày thôi.
Xã hội này 10 người, 9 người xấu vẫn còn 1 người tốt. Có những người không hiểu, nhưng cũng sẽ có người hiểu và dùng đến mình. Mình cứ sống với đam mê và làm hết sức, như tôi luôn chăm chỉ đi tập gym để không ai nói mình xuống sắc, hết thời…
Mình yêu nghề, mình tự quan tâm đến bản thân mình thôi, không cần phải quan tâm đến ai nói gì. Chỉ cần mình sống vui vẻ là đủ, nếu như không thể sống trong môi trường này nữa thì vẫn có thể sống ở những nơi khác, trừ khi nào người ta chỉ đích danh mình, chuyện sẽ khác.
Chẳng lẽ bây giờ Thúy Ngân đóng vai đó, ngoài đời cô ấy vẫn như vậy? Mà dù ở ngoài như thế thật cũng không ai biết được vì đó là chuyện cá nhân của người ta. Còn phim sẽ thể hiện hết tính cách của nhân vật mới gọi là phim, mới có thể cho khán giả nhiều cảm xúc.
- Lần đầu đóng phim cùng Thúy Ngân, anh có gặp khó khăn gì không?
Nói lần đầu cũng không đúng lắm bởi tôi và Ngân từng đóng với nhau 2-3 phân đoạn trong một dự án trước đó, chỉ như anh em trong nghề biết nhau.
Bản thân tôi rất kén diễn viên đóng chung với mình nhưng vì thấy sự góp mặt của chị Hồng Vân, Lê Phương…tôi rất yên tâm, mạnh dạn kí hợp đồng.
Riêng với Thúy Ngân, tôi phải hỏi đó là ai thì được biết biết Ngân từng đóng nhiều phim rồi nhưng chưa quá ấn tượng. Tuy nhiên, mọi người nói tôi Ngân siêng năng, chịu khó học hỏi, tôi thấy vậy được rồi.
Vai Hân rất khổ, đòi hỏi nhiều thứ. Tôi thấy thương Ngân bởi vai diễn này phải la hét cả ngày, có khi la đến ngất xỉu.
Thế nhưng, chúng tôi làm nghề không mong gì cả vì đó là công việc của mình. Chúng tôi không dùng từ “hy sinh”, “cống hiến” bởi nó giống như bao nhiêu công việc bình thường của những người khác.
Tuy nhiên, công việc diễn viên đòi hỏi nhiều thứ bởi bạn là người nổi tiếng được nhiều người quan tâm. Nghề này rất cực đối với phụ nữ, như Lê Phương có hôm phải phơi nắng cả ngày. Mà phơi nắng không đã đành, còn phải khóc lóc nhiều đến lả đi.
Những phim khác ra sao tôi không biết nhưng với Gạo nếp gạo tẻ, nước mắt rất đắt giá. Và với riêng diễn viên, giọt nước mắt nào cũng rất vất vả vì phải tập trung lắm mới khóc được.
45 tuổi và từng bị chê “hết thời”
- Anh nghĩ sao khi những năm gần đây, nhiều phim thường chuộng diễn viên trẻ hơn?
Không nói đâu xa xôi, ngay tại Thái Lan, diễn viên rất được tôn trọng. Càng lớn tuổi, giá trị của người diễn viên đó càng cao nếu giữ được phong độ và đạo đức nghề nghiệp. Hay như Trung Quốc, có những tên tuổi họ chỉ cần xuất hiện cũng nâng tầm cho phim đó rồi.
Còn ở Việt Nam điều đó hoàn toàn không bao giờ có được. Với nghệ thuật ở Việt Nam, người diễn viên càng lớn tuổi, càng diễn giỏi, càng phong độ, càng đẹp bao nhiêu họ không hề biết mà chỉ dùng từ “lớn tuổi”, “già”, “hết thời”...
Tôi từng bị nhà sản xuất nói rằng mình “già rồi, hết thời” khi được đạo diễn đề cử vào vai nào đó. Thậm chí, có những trang báo lá cải dùng từ như vậy nhưng tôi hỏi thật, những bộ phim bây giờ làm ra nếu chỉ để khán giả trẻ xem, vậy còn người lớn sẽ xem gì?
Một bộ phim có 2 diễn viên trẻ, không có diễn viên lớn, ai sẽ là người kèm cặp họ? Phim teen là phim teen, chẳng lẽ bây giờ phim truyện Việt Nam chỉ toàn hot boy – hot girl đóng? Tôi nói thẳng, diễn viên có học hành, có thực lực thì dù ở độ tuổi nào, họ vẫn có thể gây sốt.
Họ xuất hiện đúng phim, đúng vai trò, vị trí chắc chắn sẽ tỏa sáng. Như trong Gạo nếp gạo tẻ, nếu bà Mai không do NSND Hồng Vân đóng chắc không gây ức chế được như vậy. Diễn viên càng lớn tuổi, họ càng “ghê gớm”.
Hay như vai Hương mà không phải Lê Phương đóng, mời một cô nào đang nổi tiếng, rất đẹp vào đóng đi sẽ thấy, chỉ việc thu tiếng thôi đã mệt rồi.
- Cũng từ những chuyện anh chia sẻ, có nhiều nhận xét cho rằng diễn viên trẻ hiện tại cứ đều đều như nhau, hiếm ai được như các đàn anh đàn chị thế hệ trước?
Bởi vì thật sự họ chưa qua trường lớp, cứ nghĩ con đường diễn viên sẽ đi đến thành công nhanh nhất. Bạn chỉ cần nổi tiếng trên những trang mạng, đã được mời đóng phim rồi.
Nếu bạn muốn làm ca sĩ thì hơi khó, bởi ca sĩ phải đầu tư, phải ra mắt MV, có bài hát mới…nói chung là cả một quá trình dài, phải tốn rất nhiều tiền nên không phải ai muốn trở thành ca sĩ cũng sẽ nổi tiếng. Còn diễn viên dễ lắm.
- Hỏi Trung Dũng một chút về đời sống riêng tư, anh ly hôn từ năm 2016, đến nay cuộc sống của anh như thế nào?
Tôi cảm thấy cuộc sống hiện tại quá tuyệt vời, khi bạn sống được như mình muốn sẽ cảm thấy thích lắm, như cảm giác trở lại thời tuổi 18 - 19 vậy, có thể ăn những thứ mình thích, đi nơi mình muốn đi, làm việc mình muốn làm.
Trước đây khi còn trẻ, mình phải yêu đương nhưng sau đó có sự bất đồng, nếu không có duyên phải chia tay, mỗi người một con đường. Tôi thấy cuộc sống hiện tại của tôi là tuyệt vời nhất rồi vì rất thoải mái.
Tôi hạnh phúc khi mỗi ngày được đến phim trường, được hóa thân thành những nhân vật mình thích, được đi tập gym, được ở nhà nấu ăn. Như vậy là đủ.
- Anh có thể chia sẻ một chút về sở thích nấu ăn của mình?
Nấu ăn là đam mê của tôi từ nhỏ, bởi khi đó tôi đã biết nấu ăn rồi. Mẹ phải bận rộn công việc, còn anh chị tôi nấu ăn rất dở (cười) nên tôi phải tự làm và từ đó thích nấu ăn. Tôi còn yêu động vật, thích trồng cây. Nói chung, cuộc sống của tôi xa rời những thứ quá náo nhiệt, ồn ào.
Ngày trước, tôi không dùng facebook nhưng sau này vì muốn biết những chuyện xảy ra xung quanh mình, tôi mới dùng đấy chứ. Nói thật, tôi còn không biết dùng rành rọt như các bạn khác vì vốn tôi sống xa rời công nghệ thông tin, tôi không thích nên không làm.
Nhưng bây giờ nếu bảo tôi làm vườn, trồng cây, nuôi cá…tôi có thể làm cả ngày không mệt. Khi mình chưa đam mê và sống chết vì điều gì thì sẽ không thể biết giá trị của lao động.
Giống như nghề của tôi thì không cho phép tôi lơ là đi trễ, tới phim trường phải đúng giờ và thuộc thoại, đó là những điều cơ bản. Mình sống mà cứ phán xét người khác thế này thế kia thì nặng nề quá.
- Xin cám ơn anh về những chia sẻ trên!