Cho đến thời điểm này, khi đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã chọn cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris để đối đầu trong cuộc đua tháng 11, cũng là lúc năng lực lèo lái của hai ứng cử viên để đến đích thành công được đưa ra mổ xẻ, so sánh. Một điều rất rõ ràng là để đạt đến vị trí đứng đầu mỗi đảng, họ đã đi theo hai con đường khác biệt hẳn nhau.
Cựu Tổng thống Trump tiếp quản đảng Cộng hoà
Vài ngày trước khi diễn ra Đại hội đảng Cộng hòa để đề cử cựu Tổng thống Donald Trump làm ứng viên chính thức trong cuộc đua tháng 11 vào Nhà Trắng, đảng Cộng hòa đã công bố Cương lĩnh hoạt động 2024.
Cương lĩnh bao gồm hầu hết các lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, đánh trúng tâm lý của những người theo chủ nghĩa dân túy. Chủ nghĩa dân túy là một triết lý chính trị thỏa mãn những khao khát chính sách của người dân, chứ không phải mong muốn của giới tinh hoa quyền lực trong các đảng phái hay các nhà hoạt động chính trị.
Ví dụ, ông Trump ủng hộ các biện pháp kiểm soát nhập cư nghiêm ngặt, bao gồm cả việc trục xuất hàng loạt những người nhập cư bất hợp pháp, trong khi nhiều đảng viên Cộng hòa lại không có chủ trương này. Nhưng ông Trump đã thắng thế.
Cương lĩnh 2024 chính là điểm khác biệt so với với cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 khi ông Trump thua ông Joe Bidden. Đó là thời điểm đảng Cộng hòa chia rẽ sâu sắc đến mức họ không công bố được Cương lĩnh hoạt động vì không thể thống nhất được các quan điểm chính sách, đặc biệt là vấn đề nhập cư.
Năm 2016, khi ông Trump đối đầu với bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ, Cương lĩnh của đảng Cộng hòa mang quan điểm của những người Cộng hòa bảo thủ mà không đại diện cho nhiều quan điểm chính sách của ông Trump.
Đầu năm 2024, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, một tổ chức chuyên gây quỹ, thiết lập chính sách của đảng Cộng hoà, đã tiến hành cải tổ toàn diện. Toàn bộ ban lãnh đạo được thay mới bằng những người ủng hộ ông Trump nhiệt thành.
Ngoài ra, trong cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra vào mùa xuân năm 2024 để lựa chọn ứng cử viên tổng thống chính thức cho cuộc đua vào tháng 11- ông Trump đã từ chối tranh luận với các đối thủ cùng đảng, từ chối vận động tranh cử cùng họ và chặn các khoản tài trợ cho chiến dịch của các đối thủ.
Kết quả là, ông Trump đã giành được 2,268 phiếu đại biểu so với 109 phiếu đại biểu của năm ứng cử viên còn lại – nhiều hơn gấp đôi số phiếu cần thiết để đảm bảo được đề cử. Tất cả các ứng cử viên thua cuộc đều quay sang ủng hộ ông Trump!
Có một vấn đề là những người ủng hộ ông Trump, bao gồm các nhà tài trợ, cố vấn, và các dân biểu đang không hài lòng với việc ông Trump đang dành quá nhiều thời gian vào việc chỉ trích bà Harris và nói quá nhiều về những thành tựu trước đây hơn là nhấn mạnh vào các kế hoạch của nhiệm kỳ tới đây.
Lãnh đạo đảng Dân chủ "tiếp quản" Phó Tổng thống Harris
Phó Tổng thống Kamala Harris đã đi một chặng đường vòng vèo chưa từng có tiền lệ để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã có một màn tranh luận thảm họa với đối thủ Donald Trump. Màn thể hiện của ông tồi tệ đến mức các nhà lãnh đạo đảng, các nhà tài trợ và những người ủng hộ đã kêu gọi ông rút lui khỏi cuộc đua, và kết cục ông đã phải làm vậy. Sau đó vài tuần, những người loại ông Biden khỏi cuộc đua đã chọn bà Harris thay thế để đối mặt ông Trump tháng 11 tới. Chính các lãnh đạo chóp bu của đảng Dân chủ và các nhà tài trợ, chứ không phải các cử tri dân chủ, đã trao cho bà Harris tấm vé chính thức tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng.
Kể từ khi trở thành ứng cử viên Tổng thống, bà Harris đã xuất hiện nhiều lần trong chiến dịch tranh cử trước những người ủng hộ nhiệt tình. Các khoản đóng góp cho chiến dịch đạt mức kỷ lục, truyền thông dòng chính nhiệt tình ủng hộ bà và và uy tín của bà được đôn lên mức chưa từng thấy. Đây là một thành tích đáng kinh ngạc, vì bà vốn dĩ là một Phó Tổng thống vô cùng mờ nhạt.
Tuy nhiên, bất chấp màn ra mắt "trống giong cờ mở", bà Harris vẫn cần phải làm sao để nắm được quyền kiểm soát đảng. Thông thường, ứng cử viên tổng thống của một đảng được kỳ vọng sẽ tiếp quản vị trí lãnh đạo đảng vì họ sắp trở thành người quyền lực nhất thế giới.
Đã gần một tháng kể từ khi trở thành ứng cử viên của đảng của đảng Dân chủ, bà Harris vẫn chưa tổ chức họp báo hay thực hiện một cuộc phỏng vấn nghiêm túc nào với giới truyền thông. Chiến lược vận động tranh cử của bà làm người ta nhớ đến đến cách tranh cử mang phong cách COVID của ông Joe Biden: Ông đã cách ly bản thân khỏi đấu trường công cộng. Với bà Harris, hầu hết người dân Mỹ vẫn không thực sự biết về bà.
Ngay trước thềm Đại hội đảng Dân chủ, bà Harris cuối cùng đã công bố một số đề xuất chính sách cho nhiệm kỳ tổng thống của bà. Tuy nhiên, thông tin có thể nói là không thể sơ sài hơn. Thêm nữa, trên trang web của chiến dịch tranh cử, chưa có đề xuất chính sách nào được đăng tải.
Nhìn chung bà Harris đang cố gắng để tách mình khỏi ông Biden. Bà thừa nhận rằng lạm phát là điều tệ hại đối với người dân Mỹ, trái ngược với quan điểm về lạm phát của chính quyền Biden-Harris trong 4 năm qua. Cách tiếp cận này là một hình thức tách biệt mọi trách nhiệm của bà với những chính sách của ông Biden.
Bà Harris đang đề xuất một "Chương trình nghị sự giảm chi phí cho các gia đình Mỹ". Chương trình này bao gồm trợ cấp tiền mua và thuê nhà, chăm sóc trẻ em, chăm sóc y tế và giá thuốc.
Bà có kế hoạch tăng thuế đối với các doanh nghiệp và người giàu, giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và người lao động, và áp đặt kiểm soát giá đối với các doanh nghiệp. Các ước tính độc lập cho thấy các chính sách này sẽ tiêu tốn một khoản tiền thuế lên đến 1,7 nghìn tỷ đô la. Không có một phân tích nào cho thấy nguồn tài trợ cho các chương trình trợ cấp này sẽ lấy từ đâu ra. Thật trớ trêu, bà Harris đang tự "Biden hoá" bản thân thành một phiên bản nặng tính Biden hơn!
Nhận định về chiến lược sơ bộ này của đảng Dân chủ, tôi cho rằng các lãnh đạo chóp bu của đảng và các nhà tài trợ lớn đang lo ngại rằng nếu bà Harris công khai việc bà sẽ tiếp tục các chính sách của ông Joe Biden về nhập cư, kinh tế, môi trường và năng lượng thì toàn bộ chiến dịch tranh cử của bà sẽ phải tập trung để bảo vệ các chính sách này.
Thực tế đã cho thấy các chính sách của ông Biden về nhập cư, kinh tế, môi trường và đối ngoại đã gây khó khăn cho hầu hết người dân Mỹ.
Các cố vấn của bà Harris cho rằng bà đang "mơ hồ có chiến lược" khi không cung cấp nhiều chi tiết về các chính sách của mình. Tại sao? Các cố vấn nói rằng các chính sách của bà hiện đang quá gây tranh cãi.
Thú vị ở chỗ, việc bà Harris không tổ chức chiến dịch tranh cử chung, họp báo và các sự kiện gây quỹ chỉ cho thấy một điều là đảng Dân chủ vẫn chưa đạt được thống nhất về các đề xuất chính sách.
Bà Harris đang ở thế khó xử: nếu chọn không đưa ra các chính sách mới, bà sẽ phải đối mặt với những chỉ trích của đảng Cộng hòa vì như vậy là bà ủng hộ các chính sách của ông Biden trong 4 năm qua. Nếu đưa ra các chính sách mới, bà sẽ phải hứng chịu những chỉ trích nặng nề từ phe cực tả của đảng Dân chủ. Cho đến giờ, đây là phe cánh đang nắm giữ vị thế thống trị trong cuộc bầu cử.
Thảm họa cho cuộc bầu cử
Ông Trump có thể thắng cử bằng cách thúc đẩy chương trình nghị sự chính sách của mình. Nhưng ông có nguy cơ sẽ bị mất lợi thế trước bà Harris nếu ông tấn công cá nhân đối thủ của mình – đây là một chiến lược nhiều rủi ro.
Bà Harris có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt buộc phải tiếp tục né tránh chiến dịch vận động chính sách một cách nghiêm túc bởi vì việc này không đem lại lợi ích gì cho bà.
Bà có thể duy trì được độ phủ sóng của mình mà không cần tham gia vào các hoạt động thực chất, đây cũng là một chiến lược mạo hiểm. Bà có thể sẽ quay sang tấn công lại ông Trump, đặc biệt là nếu ông vẫn tiếp tục công kích bà.
Điều quan trọng nhất là: cuộc bầu cử, vốn phải là một cuộc đua để đưa ra giải pháp chính sách cho các vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt, lại có nguy cơ biến thành một cuộc cạnh tranh về tính cách của hai ứng cử viên. Đó sẽ là một thảm họa!