Cách não bộ phản ứng với hình ảnh của diễn viên, hay ngay cả khi nhìn thấy một lát pizza thơm phức ở mỗi người là khác nhau. Và theo các chuyên gia tại ĐH Binghamton (Mỹ), những phản ứng này là một cách nhận dạng có độ chính xác cao hơn cả vân tay.
Đó là những gì được kết luận trong nghiên cứu mới đây của họ. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng điện não đồ (EEG) để ghi lại hoạt động não bộ của 50 người tham gia nghiên cứu. Những người này được xem một loạt 500 hình ảnh mang tính chất khơi gợi cảm xúc: mèo, bánh pizza, diễn viên...
Tiến sĩ Sarah Laszlo - nhà tâm lý học và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Những hình ảnh được lựa chọn với tiêu chí khơi gợi các phản ứng khác nhau với mỗi người".
Tất cả những người tham gia đều cho phản ứng khác nhau. Dựa trên những phản ứng đó, một chương trình máy tính do các nhà nghiên cứu phát minh ra có thể tạo ra một dạng tín hiệu giống như... "vân não", cho phép nhận dạng mỗi người với độ chính xác 100%.
Theo Laszlo: "Vân não" có lợi thế hơn so với vân tay trong việc nhận dạng con người. Ví dụ, nếu dấu vân tay của một người bị đánh cắp, thì coi như chẳng làm được gì nữa, vì vân tay không thể bị phá hủy. Trong khi đó, vân não lại có thể được thay đổi dễ dàng. Nếu như cảm thấy "vân não" bỗng dưng bị hack, bạn hoàn toàn có thể tạo ra một vân não hoàn toàn mới".
Nói cách khác, "vân não" có thể "thiết lập lại" hoặc thay thế mỗi khi bộ não của một người phản ứng với một hình ảnh mới.
Điều này có nghĩa rằng sóng não có thể là tương lai của ngành an ninh. Nhiều khả năng trong vài năm nữa, nó sẽ được sử dụng trong các khu vực an ninh bảo mật cao - như Lầu Năm Góc chẳng hạn - để bảo vệ những thông tin nhạy cảm hoặc nguy hiểm. Thậm chí, những chiếc smartphone thay vì dùng vân tay, bạn có thể dùng vân não để mở chúng ra.
Tương lai xa hơn, thậm chí người ta có thể đánh giá tinh thần của một người có đang phù hợp để truy cập các dữ liệu nhạy cảm hay không.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The IEEE Transactions on Information Forensics and Security.
Nguồn: Huffington Post