Theo Sputnik, hôm 11/3, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Michelle Baldanza cho hay, cơ quan này “sẽ bắt đầu triển khai hoạt động sản xuất các bộ phận hỗ trợ thử nghiệm phát triển hệ thống tên lửa hành trình phóng từ mặt đất. Ngoài ra, các hoạt động của Mỹ từ ngày 2/2 sẽ không còn tuân thủ theo quy định của hiệp ước INF”.
Động thái của Mỹ diễn ra sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump tuyên bố hồi tháng Hai rằng, Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước INF vốn được Nga – Mỹ ký kết năm 1987. Theo chính quyền của ông Trump, việc Mỹ ngừng tuân thủ INF là do Nga đã có những hành động vi phạm hiệp ước.
Hiệp ước kiểm soát vũ khí INF vốn quy định cấm Mỹ và Nga sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Về phần mình, Nga phủ nhận cáo buộc vi phạm hiệp ước INF từ phía Mỹ.
“Do Mỹ đã tuân thủ chặt chẽ các quy định trong hiệp ước INF nên chương trình phát triển mới chỉ trong giai đoạn đầu. Những nỗ lực của Mỹ chỉ là phát triển tên lửa thông thường chứ không phải là hạt nhân”, phát ngôn viên Baldanza nhấn mạnh.
Song cũng theo ông Baldanza, Mỹ có thể thay đổi hành động và sẽ cho dừng lại nếu Nga chịu “quay trở lại tuân thủ hiệp ước INF trước khi Mỹ rút khỏi INF vào tháng Tám năm nay”.
Hôm 4/3, Ria Novosti đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putuin cũng đã ký một sắc lệnh ngừng thực hiện Hiệp ước INF với Mỹ.