Trong 'từ điển' của người trưởng thành, không có khái niệm của 2 từ 'hiểu chuyện': Hiểu chuyện là giả, chịu đựng mới là thật

Thiên Tuyết |

Không than khổ, không có nghĩa là không thấy đau, không cầu, không có nghĩa là không mong đợi, không rơi lệ, không có nghĩa là không để lại vết sẹo. Có nhiều lúc, hiểu chuyện trong mắt người khác, thật ra chỉ là đang cố gắng chịu đựng mà thôi.

"Lúc còn nhỏ, khi bị ngã phải nhìn xem có người xung quanh hay không, có mới khóc to một trận, không có thì ngoan ngoãn bò dậy.

Lớn lên rồi, lúc ngã cũng phải xem xung quanh có người hay không?

Có, thì nhanh chóng bò dậy. Không, thì ngồi im đó, nhỏ giọng khóc một lát."

Thế giới của người trưởng thành , sớm đã quen che giấu đi mọi cảm xúc.

Trên con đường trưởng thành, nếu không mạnh mẽ, bạn có thể dựa vào ai? Vì vậy khi chịu tủi thân, cay đắng và mệt mỏi, chúng ta lúc nào cũng cố gắng cất giữ, gặm nhắm nó một mình.

Không phải mạnh mẽ đến độ không ai vượt qua nổi, mà vì biết, không có ai có thể thực sự cảm nhận và hiểu được hết những đau khổ trong lòng mình mà thôi.

Trong từ điển của người trưởng thành, không có khái niệm của 2 từ hiểu chuyện: Hiểu chuyện là giả, chịu đựng mới là thật - Ảnh 1.

1. "Hiểu chuyện" của người trưởng thành chỉ là giả

Có một cộng đồng mạng nói rằng:

"Người hiện đại thường sụp đổ trong thầm lặng.

Xem vẻ bề ngoài, họ trông rất bình thường, vẫn cười nói, đùa giỡn, vẫn giao tiếp và cư xử một cách bình tĩnh. Nhưng trên thực tế, tâm sự trong lòng họ đã tích lũy nhiều đến nỗi như ngọn núi lửa sắp phun trào rồi.

Họ sẽ không đóng sầm cửa, không rơi nước mắt hay náo loạn. 

Nhưng khi đến một thời điểm người ta coi là chuyện nhỏ nhặt, bình tĩnh nhất, họ lại không muốn nói chuyện nữa, không hẳn là sụp đổ hoàn toàn, nhưng lại day dứt giữa ý nghĩ không muốn sống cũng không dám chết."

Càng lớn, chúng ta càng phát hiện, thế giới của người trưởng thành, thật sự có rất nhiều việc tâm không cam tình không nguyện nhưng vẫn phải thuận theo, cảm thấy bản thân bất đắc dĩ lại vô lực cứu chữa.

Công việc bị lãnh đạo phê bình, bị đồng nghiệp nói xấu, ngày nào cũng tăng ca đến tận đêm, chịu đủ loại ấm ức, bất bình nhưng lại không thể phàn nàn, kể khổ với ai, chỉ có thể tự mình chịu đựng một mình.

Người nhà bị bệnh, tất cả gánh nặng đều đè nặng lên vai bản thân, cảm thấy vô lực với cuộc sống nhưng lại không dám từ bỏ...

Rất muốn thoát khỏi những ngày thế này, nhưng cuộc sống lại không có lựa chọn.

Tất cả ấm ức, đau khổ, tủi thân, đều cố dồn nén trong lòng.

Không dám đi làm phiền người khác, đến ngay cả khóc, cũng phải chọn đúng nơi đúng thời điểm. Nơi có thể sống chân thực nhất, lại chính là chiếc giường mà mình thường đắp mền trốn trong đó khóc cả đêm khi không có người.

Đây chính là định nghĩa "hiểu chuyện" của người trưởng thành.

Không phải không quan tâm, không phải không đau, không phải quá mạnh mẽ nên mới vượt qua được mọi chuyện.

Mà là vì hiểu được:

Không ai để ý đến việc bạn khóc thầm giữa đêm, không ai quan tâm xem bạn phải trải qua mấy lần lạnh bạc. Người ngoài cuộc chỉ nhìn kết quả, còn bạn lại là người trải qua toàn bộ quá trình.

Đường tự mình đi, khổ tự mình chịu.

Trong từ điển của người trưởng thành, không có khái niệm của 2 từ hiểu chuyện: Hiểu chuyện là giả, chịu đựng mới là thật - Ảnh 2.

2. Sụp đổ, là vì chịu đựng đến cực hạn rồi.

Ngoài những người cố gắng chịu đựng trong thầm lặng kia, người trưởng thành còn có một kiểu sụp đổ, chính là không thể chịu đựng được nữa, và những cảm xúc tiêu cực kia sẽ mất kiểm soát mà bộc phát ra ngoài.

Trên đường cao tốc, có một người đàn ông trung niên bị xe khách bỏ xuống vì không đủ tiền xe, anh ta không biết chữ, điện thoại cũng không có cài đặt định vị, nên không tìm được đường về nhà.

Giống như một đứa trẻ đi lạc, anh ấy ngồi bệt xuống đất và khóc to.

Thực ra, chỉ cần tìm được cảnh sát, tất cả sẽ được giải quyết.

Nhưng vì anh ta không nhịn được những ấm ức trong lòng nên mới bật khóc.

Anh ấy khóc không phải vì lạc đường, mà vì sợ không thể về kịp nhìn mặt đứa con trai đang hấp hối ở nhà. Giờ chỉ cần bỏ lỡ thêm một phút, hy vọng cũng liền tan biến theo.

Như vậy, anh ấy khóc không phải vì mình, mà vì người thân đang bệnh nặng, mà chính mình lại vô lực không cách nào giúp được.

Ở một nơi khác, cũng có một người phụ nữ xinh đẹp không để ý hình tượng mà ôm gối ngồi trên đường khóc lớn.

Cô ấy nói rằng chồng cô ấy đã bỏ đi rồi.

Anh ta bán nhà và ôm tiền đi trốn rồi, để lại cô và đứa con gái, khiến họ không chỉ trở thành dân vô gia cư mà trên lưng còn phải gánh khoản nợ nặng nề.

Cô ấy đã chống đỡ rất lâu, nhưng đến giờ không nhịn được mà khóc ra.

Bọn họ khóc, không phải vì những cái trước mắt mà người ta thường thấy, cũng không phải vì họ quá yếu đuối.

Mà vì đã nhẫn nhịn từ lâu, và trong khoảnh khắc nào đó, khi đối mặt với một điều nhỏ nhặt đi nữa, cũng không nhịn được.

Có vài người, chỉ riêng lý do để tồn tại, đã lấy đi hết tinh thần và sức lực của họ rồi.

Có ai mà chưa từng tối đến khóc to một trận, rồi hôm sau vẫn trang điểm xinh đẹp đi làm?

Chỉ là vì họ biết được, họ không giống như trẻ con, khóc xong sẽ có kẹo ăn, khóc hôm trước hôm sau quên, khóc rồi sẽ có người giải quyết mọi chuyện giúp mình.

Trong từ điển của người trưởng thành, không có khái niệm của 2 từ hiểu chuyện: Hiểu chuyện là giả, chịu đựng mới là thật - Ảnh 3.

3. Chịu đựng, lại chịu đựng, chỉ khiến mình thêm ấm ức.

Người có mạnh mẽ đến đâu chăng nữa, trong lòng cũng sẽ có nơi mềm yếu mà ít ai thấy được.

Chúng ta thường nghĩ, cố nhịn một chút, mọi chuyện rồi sẽ qua thôi, đổi lại chúng ta sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Nhưng thông thường, khi chịu đựng đến cực hạn rồi, cảm giác mạnh mẽ còn rất ít, mà còn lại chỉ có trống rỗng, thất vọng, sụp đổ.

Tôi có một người bạn thân, cô ấy chính là kiểu người như vậy.

Lúc nào cũng nghĩ xem mình có làm gì khiến người khác không vui hay không, sợ làm phiền người khác, nên lúc nào cũng mỉm cười đồng ý chuyện người khác nhờ, lời người khác chê, an ủi khi bạn bè không vui, chúc mừng khi họ gặp chuyện tốt. 

Ngược lại, cất giữ mọi tủi thân của mình trong lòng, có chuyện buồn cũng không dám kể với ai, ngay cả khi gặp chuyện không may cũng không dám nói với người nhà, vì sợ họ lo lắng.

Mẹ chồng cô ấy lại là một người cố chấp và thường xuyên yêu cầu vô lý. Dù mẹ chồng sai, cô ấy vẫn cố gắng làm theo.

Chồng không chăm lo cho con, chỉ để mình cô ấy chở con đi học, lo con ăn uống, dạy con làm bài.

Cô ấy vốn nghĩ làm vậy mọi người sẽ nghĩ cô ấy "hiểu chuyện", sẽ đối xử tốt với cô ấy hơn.

Nhưng không, họ chỉ coi là chuyện đương nhiên.

Không phải ai biết lo nghĩ cho người khác, cũng được đền đáp tương tự.

Không phải tất cả nỗ lực chân thành của bản thân đều khiến người khác cảm động.

Bạn có thể chịu đựng mọi khó khăn trong cuộc sống. Vì bạn không có sự lựa chọn nào khác, nên chỉ biết phấn đấu hết mình, dùng thái độ tích cực mong đổi lấy cuộc sống tích cực.

Nhưng, "hiểu chuyện", không đồng nghĩa với "chịu đựng" cũng không phải lý do để người khác bắt nạt.

Sống vì mình một chút, đừng khiến mình chịu tủi thân quá nhiều.

Không ai trời sinh đã hiểu chuyện, chỉ là lớn lên học được cách chịu đựng mà thôi.

Nhìn thấu nhiều việc, chịu nhiều vết thương, càng trưởng thành, có nhiều người càng trở nên trầm mặc, ít nói, có nhiều người lại cười tươi để che giấu cảm xúc.

Cuộc sống vốn không dễ dàng, hiểu chuyện là tốt, nhưng cũng nên nhớ yêu bản thân nhiều hơn!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại