* Lưu ý: Bài viết có chứa hình ảnh nhạy cảm, độc giả cân nhắc trước khi đọc tiếp.
Ngày 26/6 nhiều tờ báo Nga như Siberian Times, Izvestia cùng hãng tin EADaily đã đăng tải một câu chuyện gây tranh cãi lớn.
Đó là về một người đàn ông được cứu thoát từ hang gấu nâu thuộc khu vực hẻo lánh gần Cộng hòa Tuva - một chủ thể liên bang của Nga và giáp với Mông Cổ về phía nam.
Khi các thợ săn dẫn chó được huấn luyện đi qua hang gấu, bầy chó đã chui vào rồi không chịu đi tiếp.
Thấy vậy, nhóm thợ săn đành vào trong xem thử và kinh hoàng trước những gì hiện ra: họ nghĩ mình đã nhìn thấy một "xác ướp"! Tuy vậy, khi cơ thể ấy cử động, họ nhận ra người này vẫn còn sống nên liền đưa đến bệnh viện.
(Ảnh minh họa)
Một đoạn clip đã ghi lại những hình ảnh gây rùng mình tại bệnh viện. Khắp người nạn nhân chịu tổn thương nghiêm trọng, bao gồm ở xương sống.
Khi được nhân viên y tế hỏi bằng tiếng Nga, nạn nhân có thể đáp tên mình là Alexander nhưng không nhớ họ và tuổi.
Alexander được cho là có thể cử động nhẹ cánh tay và mở hé đôi mắt màu xanh ngọc cũng như nói được một vài câu đứt đoạn. Nhưng ngoài ra, ông hoàn toàn không thể di chuyển và bị kiệt sức.
Người đàn ông cho biết mình đã bại trận trước 1 con gấu, bị nó giáng đòn vào xương sống và "cất đi để dự trữ làm thức ăn".
Từ lúc va chạm đến lúc được tìm thấy đã 1 tháng trôi qua, Alexander kể rằng mình phải uống nước tiểu để cầm cự và phập phồng lo sợ con gấu sẽ quay lại để ra đòn kết liễu bất kì lúc nào.
Nạn nhân bị thương rất nghiêm trọng. (Ảnh: EADaily)
Câu chuyện qua lời kể của người đàn ông vẫn chưa thể xác minh. Các bác sĩ bày tỏ đây sẽ là 1 điều kì diệu nếu như nạn nhân trải qua tất cả mọi chuyện mà vẫn giữ được tính mạng.
Sau khi bản tin về Alexander lan truyền nhanh ở Nga, người phát ngôn cho Bộ Y tế Tuva đã lên tiếng: "Hiện giờ chúng tôi chưa thể xác nhận trường hợp này.
Bộ Y tế, Lực lượng khẩn cấp và các cơ quan chức năng khác đều chưa tiếp nhận thông tin chính thức. Đáng lưu ý hơn, có khả năng sự việc đã xảy ra ở đâu đó bên ngoài Tuva".
Gấu ở Nga đa số là gấu nâu Á Âu - loài vật lớn bậc nhất trong số các động vật ăn thịt trên cạn. Gấu nâu rất ăn tạp, từ hoa quả, côn trùng, cá, các thú gặm nhấm nhỏ đến xác linh dương, bò rừng... (Ảnh minh họa)
Theo Daily Mail, gấu nâu được biết đến với tập tính chôn một phần hoặc toàn bộ xác con mồi để dự trữ trong khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần.
Ông Ivan V. Seryodkin đến từ Viện khoa học Nga đặt giả thiết, tập tính này của gấu nâu là để tránh các loài động vật ăn xác khác tới giành phần hoặc để cho con mồi phân hủy bớt, giúp bọn gấu dễ tiêu hóa hơn.
Việc điều tra ở Tuva vẫn đang tiếp tục diễn ra.