Trong khi cổ phiếu ngành ngân hàng xanh rực rỡ, EIB của Eximbank giảm giá cùng nỗi lo về "scandal" mất tiền

Hải Thanh |

Thực tế EIB giảm sau khi đã tăng tới 34% kể từ đầu năm 2018 đến nay, đặc biệt đã tăng liên tục 5 phiên gần nhất.

Trong phiên giao dịch ngày cuối tuần (23/02), khi các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng tốc mạnh mẽ thì cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lại ngược dòng đi xuống. EIB giảm 2,5% về 15.800 đồng. Giá trị vốn hóa thị trường của Ngân hàng Eximbank giảm hơn 490 tỷ đồng.

Ngay trong phiên sáng ngày 26/02, EIB cũng tiếp tục rơi xuống giá đỏ.

Thực tế EIB giảm sau khi đã tăng tới 34% kể từ đầu năm 2018 đến nay, đặc biệt đã tăng liên tục 5 phiên gần nhất. Điều này được đánh giá là bình thường trong vận động giá của một cổ phiếu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Eximbank gặp một "scandal" liên quan đến việc Phó Giám đốc chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của khách hàng thì việc giảm giá của cổ phiếu khiến không ít nhà đầu tư lo lắng cho rằng Ngân hàng này sẽ phải trích lập dự phòng khoảng 245 tỷ đồng cho vụ việc này.

Năm 2017, Eximbank lãi sau thuế 823 tỷ đồng, do đó xóa hết lỗ lũy kế. Khoản tiền 245 tỷ đồng tương đương gần 30% lợi nhuận của ngân hàng.

Trong khi cổ phiếu ngành ngân hàng xanh rực rỡ, EIB của Eximbank giảm giá cùng nỗi lo về scandal mất tiền  - Ảnh 1.

Theo thông tin trên báo chí, bà Chu Thị Bình là khách hàng thân thiết của Eximbank. Từ năm 2007, bà Bình cùng nhiều thành viên đều mở sổ tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TP.HCM với giá trị sổ từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.

Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM nhiều lần cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng của bà Bình để thực hiện những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi của bà Bình.

Tuy nhiên, trên thực tế ông Lê Nguyễn Hưng đã chỉ đạo nhân viên Eximbank lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán.

Giấy ủy quyền của bà Bình cho hai cá nhân có tên là Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Minh Huân để rút tiền từ tài khoản của bà Bình. Tuy nhiên, bà Bình hoàn toàn không biết hai cá nhân này là ai, có những giấy uỷ quyền đã bị làm giả cả chữ ký của bà Bình.

Bà Chu Thị Bình đã làm việc với Tổng Giám đốc EximBank và trình báo với Cơ quan Cảnh sát Điều tra Phía Nam (C44B - Bộ Công An). Đầu tháng 02/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Eximbank, chi nhánh TP.HCM.

Khi phát hiện ra sự việc trên, ngày 06/3/2017, Eximbank đã chủ động gửi Đơn tố giác hành vi có dấu hiệu tội phạm của ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh TP. HCM đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C44), đề nghị C44 xem xét, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Eximbank cũng đã gửi các văn bản tới Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C44) để xin ý kiến về việc giải quyết các yêu cầu rút tiền của bà Chu Thị Bình và một số khách hàng có liên quan.

Nói về việc xử lý vụ việc này, Eximbank khẳng định sẽ đền bù cho khách hàng sau khi có phán quyết có hiệu lực pháp lý của toà án có thẩm quyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại