Năm 2011, chính phủ Obama cho ra mắt chính sách mang tên "Tái cân bằng châu Á", trong đó có mục tiêu về củng cố hợp tác an ninh giữa Mỹ và khu vực Đông Nam Á, bao gồm việc hỗ trợ an ninh song phương đối với các nước liên quan.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của chuyên gia Joshua Kurlantzick thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) lại nói lên sự thật rằng: tổng mức viện trợ an ninh cho Đông Nam Á từ năm 2010, một năm trước khi chiến lược tái cân bằng được đưa ra, đến nay đã giảm 19%.
Nếu xét tới cả tỉ lệ lạm phát, con số này thậm chí còn lớn hơn rất nhiều.
Chỉ ba nước Đông Nam Á nhận được con số viện trợ trong năm 2015 lớn hơn so với năm 2010.
Trong 10 nước Đông Nam Á, chỉ có Lào, Myanmar và Việt Nam nhận được sự hỗ trợ về mặt tài chính lớn hơn sau khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2015. Đồng thời, Việt Nam là nước duy nhất mà khoản tiền viện trợ được dùng cho các chương trình nhằm trực tiếp đẩy mạnh hợp tác quân sự.
Hầu hết khoản viện trợ Lào nhận được là để chi dùng trong các chương trình dò, phá bom mìn, trong khi ở Myanmar, số tiền đó lại chỉ dành để kiểm soát thuốc phiện và phá bom.
Số tiền Mỹ cung cấp cho đồng minh của mình là Thái Lan và Philippines từ năm 2010 cũng giảm lần lượt 79,9% và 8,8%.
Con số này ở Indonesia, Malaysia và Singapore, những đối tác quan trọng trong lĩnh vực tình báo, phòng chống khủng bố, tuần tra trên biển và nhiều chương trình khác, cũng nằm trong tình trạng tương tự.
Sự tụt dốc của những con số thực tế này đã chứng minh rằng Nhà Trắng không hề nghiêm túc thực hiện lời hứa thắt chặt quan hệ hợp tác an ninh với khu vực Đông Nam Á.
Có thể thấy, chính phủ Obama quả thực đã tiền hành tăng cường hỗ trợ an ninh hàng hải của các nước Đông Nam Á, nhưng việc này tới năm 2015 mới chính thức được bắt đầu.
Luật pháp Mỹ đã buộc Nhà Trắng phải cắt bớt viện trợ cho Thái Lan sau vụ đảo chính năm 2014, bên cạnh đó, lãnh đạo phía Washington vẫn còn nhiều e ngại về việc củng cố quan hệ với các nước chưa thực sự ổn định như Campuchia, Myanmar hay Lào.
Nhưng ngay cả tại Malaysia, Indonesia và Philippines, những quốc gia khá lớn và ổn định, đồng thời là đối tác then chốt của Mỹ trong việc duy trì tự do hàng hải tại châu Á, khoản hỗ trợ về mặt tài chính trên cũng vẫn giảm.
Số tiền Mỹ chi cho an ninh Trung Đông và châu Âu áp đảo so với khu vực Đông Nam Á.
Mặt khác, bằng chứng từ châu Âu và Trung Đông lại nói lên sự thật rằng Nhà Trắng vẫn đặt hai khu vực này lên hàng đầu.
Số liệu nghiên cứu của chuyên gia Joshua Kurlantzick thuộc CFR cho thấy, viện trợ Mỹ cung cấp cho Đông Nam Á đã giảm 34,5 triệu USD từ năm 2010 đến năm 2015, trong khi tổng số tiền chi cho an ninh Trung Đông và Bắc Phi tăng gần 1,3 tỷ USD trong cùng kỳ.
Sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và cuộc nội chiến Ukraine là nguyên nhân chính khiến Mỹ vẫn phải tiếp tục hướng sự tập trung vào châu Âu và Trung Đông.
Dù vậy, sự hỗ trợ về mặt tài chính của Mỹ dành cho Đông Nam Á vẫn khá ít ỏi: chỉ tính riêng năm 2015, lượng tiền Mỹ rót vào Trung Đông và Bắc Phi gấp tới 50 lần so với Đông Nam Á, trong khi viện trợ cho châu Âu cũng hơn gần 3 lần.
Dựa vào các số liệu kể trên, phải chăng có thể kết luận rằng những tuyên bố về việc đẩy mạnh hỗ trợ an ninh tại Đông Nam Á của Nhà Trắng chỉ đơn thuần là "lời nói gió bay"? Mỹ muốn "tái cân bằng châu Á", nhưng có lẽ ưu tiên hơn cả đối với quốc gia này vẫn là Trung Đông và châu Âu.