Tỉnh Lâm Đồng đã đề ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Vì vậy cần có những biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng này.
Phù phép khoai tây Trung Quốc
Nhiều năm trở lại đây, “đến hẹn lại lên”, từ tháng 7, khi mùa hè kết thúc cũng là lúc khoai tây Đà Lạt khan hiếm vì hết mùa, khoai tây Trung Quốc ồ ạt “đổ bộ” vào Đà Lạt sau đó tỏa đi nhiều tỉnh, thành mạo danh khoai tây Đà Lạt.
Đáng nói, lượng tiêu thụ khoai tây rất “khủng”, lên đến hàng trăm tấn/tháng. Giá thành nhập khoai tây Trung Quốc chỉ từ 3.600 đến 3.700 đồng/kg, được bán qua 2, 3 lớp trung gian, đẩy mức giá gấp 3-4 lần, thậm chí 5-6 lần.
Giá khoai tây Đà Lạt trên thị trường thường ở mức trên 10.000 đến 20.000 đồng/kg (tùy thời vụ).
Trong khi khoai tây Đà Lạt đã tạo dựng được thương hiệu - chất lượng đặc biệt nhờ thổ nhưỡng, khí hậu, giống, khoai dẻo, bở, thơm (do đặc trưng của vùng đất đỏ bazan), khi nấu và chiên không dễ nát, thì khoai tây Trung Quốc ăn nhạt, sượng; nấu, chiên dễ nát.
Thủ đoạn làm giả khoai tây Đà Lạt của các thương lái thường là trộn, bôi đất đỏ vào củ khoai tây Trung Quốc, việc này họ làm bằng máy trộn để giải quyết số lượng nhiều.
Trong tháng 8-2018, các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, như: Cảnh sát kinh tế, Sở Công thương, Quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn... đã phát hiện, xử lý nhiều vụ “hô biến” khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt để đánh lừa người tiêu dùng.
Điển hình như: chiều ngày 21-8-2018, Cảnh sát kinh tế Công an TP. Đà Lạt tiến hành kiểm tra đột xuất tại quầy số 19 (do bà Đoàn Thị Chè, 56 tuổi làm chủ) ở chợ nông sản Đà Lạt, đã bắt quả tang vụ trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc rồi bán lại cho người khác đưa ra thị trường tiêu thụ.
Tại hiện trường, một nhóm lao động đang cho khoai tây Trung Quốc vào máy chuyên dùng để rửa sạch. Mỗi đợt rửa được khoảng 100kg, thời gian từ 3 đến 4 phút, tùy vào kích thước khoai tây.
Ngành chức năng đã làm rõ, bà Chè mua khoai tây Trung Quốc với giá 3.750 đồng/kg. Sau khi “mông má” thì bán lại cho người khác với giá 7.000 đồng/kg để đưa ra thị trường tiêu thụ. Tính đến thời điểm bị phát hiện, cơ sở này đã tiêu thụ 27 tấn khoai tây.
Công an TP. Đà Lạt đã tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính cơ sở này 5,5 triệu đồng; tạm giữ 1 máy rửa khoai tây, 1 máy nổ và 1 tấn khoai tây Trung Quốc nhuộm đất đỏ Đà Lạt...
Trong tháng 8-2018, ngành chức năng cũng phát hiện hàng chục vụ gian thương “phù phép” giả mạo khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt, xử phạt tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng.
Tại cuộc họp giao ban báo chí sáng 6-9-2018, tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, người phát ngôn UBND tỉnh Lâm Đồng, đại diện lãnh đạo Sở Công thương, Sở NN-PTNT, lãnh đạo UBND các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, TP.Đà Lạt... đã nêu các ý kiến, thực trạng và giải pháp về tình trạng khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt bằng nhiều thủ đoạn, gây bức xúc..
Ông Phùng Khắc Đồng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại cuộc họp giao ban báo chí về những chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc giải quyết vấn nạn khoai tây Trung Quốc "đội lốt" khoai tây Đà Lạt
Đâu là giải pháp hữu hiệu?
Khó khăn các ngành nêu ra là việc cấp phép nhập khẩu (do Bộ Công thương cấp) với các mặt hàng tươi sống, kể cả nông sản (rau, củ, quả... ) nên dù biết đó là hàng Trung Quốc, nhưng khi họ có đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp, hàng hóa có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thì phải cho lưu hành.
Chỉ khi phát hiện họ trà trộn, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa mới có thể xử phạt theo luật định. Việc buộc tiểu thương gắn tem, nhãn phân biệt khoai tây Trung Quốc, khoai tây Đà Lạt để người tiêu dùng chọn lựa, chưa có giải pháp khả thi.
Do đó, người tiêu dùng phải có cách để nhận diện, phân biệt, tránh nhầm lẫn...
Máy trộn đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc...
... để lừa người tiêu dùng
Khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt vẫn “tung hoành”. Trong khi đó, các mặt hàng nông sản – thương hiệu Đà Lạt (các loại rau, củ, quả) vẫn đang trong quá trình xây dựng thương hiệu nên không có cơ sở pháp lý để bảo vệ khi bị xâm hại.
Một số phóng viên góp ý kiến Lâm Đồng cần sớm đăng ký thương hiệu một số mặt hàng nông sản chủ lực, nổi tiếng, như khoai tây, dâu tây... để nếu phát hiện bị giả mạo, sẽ có hành lang pháp lý là Luật sở hữu trí tuệ để bảo vệ, khuyến khích nhân dân làm “tai, mắt”, có công phát hiện những cơ sở, người dân “phù phép”, giả mạo khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt thì thưởng xứng đáng...
Theo các nhà khoa học, khoai tây tính hàn, mát, giàu tinh bột, hàm lượng chất dinh dưỡng cao, chứa các chất: vitamin, khoáng chất, kali, magie, photpho, sắt, kẽm; được nhiều người ưa chuộng, xuất hiện trong nhiều bữa ăn của các gia đình.
Khoai tây Đà Lạt vỏ mỏng, dễ trầy, vỏ khoai có hai màu: vàng và đỏ hồng; củ dẹp hoặc hình bầu dục, ít đồng đều. Khoai tây Trung Quốc đa phần củ tròn, vỏ dày, không dễ trầy, độ đồng đều cao.
Do đặc thù thổ nhưỡng, khoai tây Trung Quốc trông nhẵn nhụi, sạch trơn, đều củ vì trồng trên đất xốp, đất pha cát; trong khi khoai tây Đà Lạt thường dính bám đất đỏ...