Căn phòng của cậu bé Lee Ho-jin vẫn như vậy kể từ ngày cậu rời nhà để tham gia chuyến dã ngoại cùng cả lớp vào năm 2014. Chiếc giường vẫn được sắp xếp gọn gàng với cùng một chiếc gối và chăn. Trên giá sách, chiếc cúp mà cậu giành được trong một cuộc thi piano vẫn đứng một cách kiêu hãnh trên giá sách. Máy tính và điện thoại di động vẫn nằm trên bàn, bên cạnh một số món ăn nhẹ yêu thích của cậu. Chỉ có một điều duy nhất khác đi là chủ nhân căn phòng đã không còn ở đó.
Căn phòng của Lee Ho-jin vẫn vẹn nguyên như 8 năm trước
Lee Ho-jin qua đời cách đây 8 năm ở tuổi 16, cậu là một trong số 250 học sinh đã thiệt mạng khi phà Sewol chìm ngoài khơi bờ biển phía tây nam Hàn Quốc vào ngày 16/4/2014. Hơn 300 người đã thiệt mạng vào ngày hôm đó, bao gồm cả các học sinh đến từ trường trung học Danwon ở Ansan, một thành phố ở phía nam Seoul.
Sau khi thảm kịch đau thương xảy ra, nó đã khiến cho cả Hàn Quốc như trùng xuống. Tất cả sự chú ý đều được dồn đến thân nhân của những người thiệt mạng. Thảm họa thời bình đau thương nhất của Hàn Quốc đã sớm gây ra nhiều cuộc tranh cãi, đòi quyền giải trình, bồi thường thích đáng từ phía những người thân của nạn nhân. Nhưng sau một khoảng thời gian dài, phần lớn đất nước đã chuyển mình và tạm quên đi nỗi đau của thảm kịch trong khi Ansan dường như vẫn đóng băng trong đau buồn.
Âm thầm chống chọi với nỗi đau
Đối với người ngoài, thành phố này cũng giống như bất kỳ thành phố nào khác ở Hàn Quốc với những khu dân cư yên tĩnh và những tòa nhà chung cư cao tầng. Trong quán cà phê, các cặp vợ chồng trẻ thảo luận về giá nhà và chi phí nuôi con. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, có thể thấy rằng nơi này vẫn đang đấu tranh để đối mặt với bài học đau lòng mà thảm họa đã mang lại.
Một đài tưởng niệm hình con cá voi màu vàng nhìn ra sân chơi của trường trung học Danwon.
Các gia đình ở Ansan cho biết có ít nhất 3 cha mẹ đã quyết định rời xa cuộc đời sau khi mất con trong vụ chìm tàu. Một số gia đình đã tan vỡ trong ly dị còn những người khác đã chuyển đi để chịu đựng đau buồn một mình. Còn lại, một số gia đình khác cố gắng kết nối để an ủi lẫn nhau, giữ cho ký ức của con cái họ tồn tại.
Tại Phòng học tưởng niệm ngày 16/04, nơi trở thành một bảo tàng dành riêng cho học sinh được xây dựng từ chính lớp học của các nạn nhân, du khách đều cảm nhận rõ sự mất mát to lớn khi tên của tất cả 250 học sinh và 11 giáo viên thiệt mạng được hiện lên ở cuối phần trình chiếu video.
Bà Jeon In-suk (51 tuổi), người đã mất đứa con trai duy nhất Im Kyong-bin, cho biết: "Tôi đến lớp học của con trai tôi để xem tên, ảnh và bàn học của nó để lấy lại sức mạnh".
Thảm kịch đã khiến cho 250 học sinh cùng 11 giáo viên thiệt mạng
Các gia đình nói về nỗi đau lòng dai dẳng đuổi bám theo sau họ và cách những thành phố trải qua thảm kịch mang gánh nặng của sự mất mát mà chỉ nạn nhân và người thân mới thực sự hiểu được. Các bậc phụ huynh cũng cho biết họ đã học được rằng không có cách nào để đối phó với bi kịch ngoài việc sống và dần vượt qua nỗi đau.
"Bạn chỉ cần khóc khi khó khăn, không còn cách nào khác. Không ai, không gì, có thể an ủi bạn."- Kim Mi-ok, mẹ của Ho-jin, nói.
Cô đã từ chối báo cáo cái chết của con trai mình với chính phủ và tiếp tục trả hóa đơn điện thoại di động hàng tháng của anh như thể một ngày nào đó cô có thể nghe thấy giọng nói của anh ở đầu dây bên kia.
"Khi tôi nhớ con, tôi thường nằm trên giường của nó, ôm gối, ngửi mùi của nó và khóc". - mẹ của Ho-jin nói thêm.
Bất lực vì không thể bảo vệ con
Vào ngày phà Sewol bị chìm, hình ảnh phát trực tiếp về con phà bị lật dần dần biến mất dưới nước đã được phát sóng khắp Hàn Quốc. Những ngư dân và lực lượng cứu hộ không được trang bị nhiều dụng cụ đã cố gắng phá cửa sổ và cứu những hành khách bị mắc kẹt bên trong một cách tuyệt vọng. Điện thoại di động được trục vớt từ đống đổ nát cho thấy video những đứa trẻ điên cuồng nói lời tạm biệt với cha mẹ khi những đợt nước lạnh tràn vào cabin.
Con phà bị chìm cho chủ sở hữu chở quá tải trọng lượng
Sau khi điều tra, kết quả cho thấy chiếc phà Sewol đã chở gấp đôi trọng lượng hàng hóa cho phép. Cơ quan quản lý nhận định con tàu đủ khả năng đi biển nhưng khi nó cua gấp và phải chống chọi với dòng chảy mạnh, nó đã mất thăng bằng. Chứng kiến những đứa trẻ dần rời xa khỏi thế giới vì lỗi của người lớn, những phụ huynh vừa trách mình không thể bảo vệ con vừa tức giận điên cuồng yêu cầu lời giải thích và sự đền bù thích đáng từ các bên liên quan.
"Mọi người nghĩ rằng mọi chuyện đã kết thúc và họ thắc mắc tại sao chúng tôi tiếp tục phản đối. Nhưng họ không hiểu rằng nỗi đau của chúng tôi không thể chữa lành và không có gì có thể thay đổi được." - Kim Byong-kwon (57 tuổi), người đã rời Ansan và chuyển đến một thành phố mới sau khi mất con gái Kim Bitnara trong thảm họa Sewol.
Người nhà luôn đau khổ vì không thể bảo vệ những đứa trẻ
Điều đau lòng nhất là cảm giác tội lỗi của các bậc cha mẹ, những người cảm thấy họ đã thất bại trong việc bảo vệ con cái và bị ám ảnh bởi ký ức về cái chết của con mình.
Khi mới biết tin về vụ chìm phà Sewol, mẹ của Ho-jin đã ngay lập tức gọi điện cho con trai mình trên phà.
"Mẹ, đừng lo lắng. Con đã thấy cảnh sát biển ngoài cửa sổ. Con sẽ gặp mẹ khi con trở về an toàn" - Bà Kim thuật lại những lời cuối của con trai và cho biết 16 ngày sau, thi thể của Ho-jin được tìm thấy.
Đi bộ dọc theo con suối gần nhà như một người phụ nữ mất trí là tất cả những gì tôi có thể làm. Ho-jin là người đầu tiên trên trái đất gọi tôi là mẹ." - bà Kim nói thêm.
Ngoài người mẹ, cha của Ho-jin là Lee Yong-ki cũng chỉ biết uống rượu và khóc một mình khi lái xe mỗi lần nhớ con trai. Ho-jeong, một trong hai em gái của Ho-jin, cho biết cô ghét mùa xuân và những bông hoa tháng 4 vì chúng nhắc nhở cô về cái chết của anh trai. Còn Ho-yoon, đứa con út trong gia đình, bắt đầu có những hành vi tự hại bản thân sau sự ra đi của anh trai.
Sự mất mát quá lớn khiến người nhà nạn nhân khó có thể vượt qua
Nỗ lực trở lại cuộc sống bình thường
Dù nỗi đau mất người thân mãi mãi không thể nguôi ngoai nhưng mọi người vẫn cố gắng an ủi bản thân bằng nhiều cách khác nhau.
Kang Soon-joong (63 tuổi), người cũng đã mất con gái trong thảm họa, đã tham gia một câu lạc bộ bóng đá để giúp bản thân không bị phân tâm khỏi cơn đau buồn và tức giận.
Mọi người đều đang nỗ lực để ổn định lại cuộc sống
Ho-jeong cho biết, cô bé vẫn gửi cho Ho-jin tin nhắn Facebook vào lúc nửa đêm mỗi ngày vì cô sợ rằng cô bé có thể quên đi những ký ức về anh trai như cách xã hội đã làm. Ông Lee cho biết điều quan trọng là phải giữ cho ký ức về các nạn nhân Sewol tồn tại: "Chúng tôi muốn một thế giới an toàn hơn, nơi trẻ em không còn phải ra đi như thế giới của chúng tôi".
Còn với gia đình Ho-jin, mẹ của cậu bé cho biết: "Chồng tôi liên tục gặp ác mộng, đá vào chân và thậm chí túm lấy cổ áo tôi. Một đêm nọ, khi tôi ôm anh ấy sau khi anh ấy hét lên, anh ấy thu mình lại như một đứa trẻ. Anh ấy trông thật cô đơn khi tôi nhìn bóng lưng anh ấy."
Nguồn: NY Times