Trên thế giới hiện nay chỉ còn 6 phân loài hổ. Trong số đó có hổ Bengal , được tìm thấy chủ yếu ởẤn Độ và Bangladesh nhưng chúng cũng sống ở Nepal, Bhutan và Myanma và miền nam Tây Tạng.
Không những là loài hổ lớn thứ 2 còn tồn tại trên Trái Đất (sau hổ Siberia), hổ Bengal đã và đang trở thành nỗi ám ảnh "kinh hoàng" trong khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới Sundarbans - một di sản thế giới của UNESCO.
Loạt bài trải nghiệm thực tế "Mặt đối mặt với dã thú" của Candida Beveridge, phóng viên BBC, sẽ cho chúng ta thấy những bí ẩn bất ngờ về loài hổ Bengal trong khu rừng ngập mặn Sundarbans.
Bài 1: Nỗi ám ảnh ở khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới: Tiếng thét kinh hoàng xé tan màn đêm
Bài 2 - Trơ trọi và bất lực: “Tôi đã nghe thấy nhịp tim của con dã thú, và nó đập mạnh hơn của tôi nhiều”
Cuộc đấu khẩu kéo dài nửa tiếng đồng hồ
Sau 2 lần thoát chết, anh Jamal kể lại khoảnh khắc đối diện với lần chạm chán hổ Bengal lần thứ 3:
"Bởi vì tôi đã bị tấn công 2 lần trước đó nên tôi ý thức được cần phải làm gì. Vì vậy, tôi đứng trước mặt con hổ, cố gắng làm mặt dữ tợn và không ngừng la hét. Hổ cũng sợ người, cô biết đó. Cả hai đều có thể tấn công và gây nguy hiểm cho đối phương".
Con hổ tiến đến Jamal với khoảng cách chỉ chừng 1m rồi buông một tiếng gầm lớn. Anh cũng gầm lên để đáp trả.
"Tôi hét vào mặt con hổ và cố gắng làm khuôn mặt đáng sợ nhất có thể. Việc "hò hét" kéo dài trong khoảng nửa tiếng cho tới khi cổ họng tôi chảy máu".
Hổ Bengal "táo tợn", thường tấn công con người ở khu rừng ngập mặn Sundarbans. Ảnh minh họa
Vợ của Jamal nghe thấy tiếng hét và dẫn theo đám đông từ ngôi làng vào rừng.
Jamal nhớ lại: "Nhiều người đã gây ra rất nhiều tiếng hét để dọa con hổ. Khi nhìn thấy những người bạn trong làng, tôi đã ngã quỵ xuống".
Không giống như những người đã từng bị hổ tấn công, Jamal vẫn tiếp tục vào rừng, nhưng bây giờ anh đã cẩn trọng hơn.
"Tôi luôn nhìn thấy con hổ trong những giấc mơ, và khi vào rừng tôi luôn có một nỗi sợ hãi trong sâu thẳm rằng con hổ đang theo dõi và có thể tấn công tôi lần nữa.
Nhưng tôi vẫn phải vào rừng để kiếm thức ăn cho lũ trẻ. Vì con mình mà tôi sẵn sàng đối mặt với con hổ hết lần này đến lần khác".
Những cuộc tấn công qua lại để sinh tồn
Những con hổ Bengal ở Sundarbans dường như hung dữ hơn đồng loại của chúng ở những nơi khác trên thế giới. Không ai biết chính xác lý do, một số cho rằng nguyên nhân là do độ mặn của nước.
Nhưng khả năng cao là do sự cạn kiệt môi trường sống tự nhiên và sự thiếu hụt của con mồi. Với khoảng 1 triệu người sinh sống ven khu rừng ngập mặn, sự khan hiếm lương thực là một vấn đề đối với cả người và hổ, chưa kể 2 bên còn săn trộm con mồi của nhau.
Dấu chân một con hổ Bengal con in trên mặt bùn. Ảnh: Getty Images
Ở một ngôi làng, hổ được cho là thủ phạm đã giết chết khoảng 80 gia súc (bao gồm chó, dê, trâu và bò) của người dân trong một năm.
Phản ứng lại, dân làng đã tiến hành những cuộc tấn công vào những con hổ. Để ngăn chặn điều này, năm 2008, các nhóm bảo tồn địa phương đã triển khai 49 đội phản ứng Tiger Village.
Mỗi đội tình nguyện viên có trách nhiệm đối phó với những con hổ đi lạc vào ngôi làng. Thay vì giết hại con thú, dân làng có thể đuổi nó trở lại rừng bằng những bó đuốc.
Nếu những nỗ lực này thất bại, họ có thể gọi cho một nhóm chuyên nghiệp với những khẩu súng gây mê, giúp đưa con vật trở về rừng.
Tuy nhiên, những cuộc trả đũa vẫn tiếp tục diễn ra. Vào tháng 12/2013, một nhóm dân làng sống gần trạm kiểm lâm Ghagra Mari đã lần theo dấu vết một con hổ, và giết chết nó sau khi nó đã tấn công và giết chết một người.
“Tôi đã nghe thấy nhịp tim của một con hổ, và nó đập mạnh hơn của tôi nhiều”
Ý tưởng cho rằng hổ sẽ bị tuyệt chủng một ngày nào đó là một điều khó hiểu với người dân địa phương.
Deban Mandal, một ngư dân, đã hỏi tôi với ánh mắt đầy nghi ngờ: "Làm sao một con thú hung tợn như thế lại có nguy cơ tuyệt chủng?".
Anh ta hỏi lại tôi: "Đã bao giờ cô nghe thấy nhịp tim của một con hổ chưa?", tôi thú nhận là "chưa". Anh ta quay đầu đi và cười: "Tôi đã nghe thấy nhịp tim của một con hổ, và nó đập mạnh hơn của tôi nhiều".
Hôm đó, Deban đang trên đường tới Kultoli Khal, một khu vực thuộc Sundarbans để đánh cá. Những ngư dân kéo thuyền xuống nước ngay trước bình minh.
Thủy triều xuống thấp, họ tiến vào một trong những con lạch đầy bùn để dẫn vào khu rừng. Bốn bề hoàn toàn tĩnh lặng. Chỉ còn những tiếng bước chân dẫm lên rễ cây trong khu rừng ngập mặn.
Deban bước xuống rìa của một con lạch, và cầu nguyện. Lúc đó, mặt trời vừa mới lên, và sương mù cũng vừa bốc lên khỏi mặt nước. Bước trên vũng bùn, anh cắm chiếc lưới của mình xuống. Ngay lúc đó, từ đâu ra, một con hổ lao thẳng về phía anh.
"Tiếng gầm của nó to như tiếng sấm bên tai tôi", anh Deban mô tả, và minh họa lại tiếng gầm của con dã thú.
"Tôi hoàn toàn bất lực, và trơ trọi. Với trọng lượng của con hổ, tôi nghĩ mình sẽ ngã, bởi vậy tôi nắm lấy thân mình nó và ghì chặt đầu tôi lên ngực nó.
Tôi có thể nghe thấy tiếng nhịp tim của con hổ, nó đập rất nhanh. Tôi áp sát tai vào ngực nó. Tôi có thể cảm thấy hơi thở của nó ngay trên đầu khi nó cố gắng tấn công tôi".
Đội ngũ kiểm lâm Ấn Độ thả một con hổ trên sông ở gần khu rừng ngập mặn Sundarbans vào năm 2008. Ảnh: Getty Images
Anh nhìn tôi, đôi mắt mở to khi kể lại câu chuyện.
"Tôi nghĩ nếu tôi có thể giữ tư thế này, nó sẽ không thể cắn tôi. Nhưng nó liên tục lắc mạnh từ bên này sang bên kia, khiến tôi ngã nhào, rồi nó cắn vào cổ tôi. Tôi đã nghĩ rằng mình không còn sống được nữa".
Deban Mandal thuật lại cuộc tấn công của hổ Bengal xảy ra khi anh ta đang đánh cá. Ảnh: Cadida Beveridge
Một trong số những người bạn chài của Deban đã trèo lên một cái cây để trốn, nhưng một người khác đã chạy đến cứu anh.
"Một trong số họ đã tiến đến với một cái rìu hay một cái gì đó dài dài, có thể là một thanh gỗ, và đánh vào đầu nó. Khi bị đánh, con hổ thả tôi ra và bỏ chạy".
Ngư dân ở nơi đây luôn phải ngâm mình trong nước và nguy hiểm rình rập là lũ hổ thì rất giỏi bơi lội. Ảnh: Eliza Beveridge
Anh ta chỉ cho tôi thấy những vết sẹo trên cổ. Tôi có thể thấy các vết rạch rất rõ ràng.
"Bây giờ, mỗi khi nhìn thấy hổ, tôi luôn cảm thấy hãi hùng. Khi ông chủ yêu cầu chúng tôi sang bên kia bờ sông, tôi nói với ông ta rằng nếu những con hổ trông thấy tôi, nó chắc chắn sẽ vồ tôi", anh kể với tôi.
"Sao nó lại vồ anh? Tôi nói với ông ta rằng nó luôn bí mật theo dõi tôi từ trong rừng, tôi biết rằng nếu tôi tới, nó sẽ tìm thấy tôi".
Đây là lãnh địa của loài hổ
Một người dân khác, Sukumar Mondol, đã bị thương tích nặng hơn nhiều. Khuôn mặt của anh bị lệch, anh không thể nhìn hay nghe thấy rõ ràng nữa, và nói chuyện cũng rất khó khăn.
Anh Sukumar kể lại: "Tôi đang ngồi trên bờ sông thì nghe thấy tiếng hổ gầm. Chỉ trong vòng một phút, nó đã tiến đến tôi. Nó tấn công tôi liên tiếp bằng những móng vuốt sắc nhọn. Bàn tay tôi đã bị trật khớp hoàn toàn".
Những người dân ở đây vẫn hàng ngày hàng giờ "sống chung" với dã thú. Ảnh: Eliza Beveridge
Anh ta cho tôi xem bàn tay với những đường trắng dài, nơi những vết sẹo lõm vào lòng bàn tay.
Sukumar Mondol nhớ lại: "Con hổ cắn vào đầu tôi. Tôi tưởng mình sắp chết. Tôi đã nghĩ rằng tôi không còn sống được nữa. Không ai có thể cứu tôi. Con hổ dài khoảng 2,7 m không tính đuôi.
Sau đó, một người phụ nữ đã đến cứu tôi. Cô ấy đã đánh con hổ bằng một cái gậy với toàn bộ sức mạnh của mình.
Mọi người băng bó vết thương cho Sukumar bằng một cái khăn và đưa anh lên thuyền tới Chalna, cách đó 10 km, sau đó thì đi tiếp một quãng đường 50 km nữa để tới bệnh viện ở Khulna.
May mắn sống sót, nhưng Sukumar phải nằm viện vài tuần, và hiện không còn khả năng lao động nữa.
Anh Sukumar cho biết: "Từ hôm 27/7/2011 đến nay, tôi không còn trở lại rừng nữa. Con hổ rất hung dữ. Nó bắt người dân để ăn thịt. Chúng tôi sống trong lãnh địa của nó.
Cảm tạ Thần linh, tôi đã sống sót. Nhờ phước lành của Người, tôi mới còn sống".
Bị tấn công bất ngờ và nhiều đến độ người dân sống ở khu rừng ngập mặn Sundarbans không tin rằng loài hổ Bengal đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Họ chỉ biết rằng bản thân và gia đình phải đối mặt với dã thú hàng ngày và bằng bất cứ giá nào đi nữa, họ cũng phải vào rừng để kiếm kế sinh nhai, cho dù hiểm nguy luôn rình rập.
Nguồn: BBC