Nỗi ám ảnh ở khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới: Tiếng thét kinh hoàng xé tan màn đêm

Công Khanh |

Những cuộc săn mồi, tấn công táo tợn vào ban đêm của hổ Bengal đang trở thành cơn ác mộng trong khu rừng ngập mặn Sundarbans.

Trên thế giới hiện nay chỉ còn 6 phân loài hổ. Trong số đó có hổ Bengal, được tìm thấy chủ yếu ở Ấn Độ và Bangladesh nhưng chúng cũng sống ở Nepal, Bhutan và Myanma và miền nam Tây Tạng.

Không những là loài hổ lớn thứ 2 còn tồn tại trên Trái Đất (sau hổ Siberia), hổ Bengal đã và đang trở thành nỗi ám ảnh "kinh hoàng" trong khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới Sundarbans - một di sản thế giới của UNESCO.

Loạt bài trải nghiệm thực tế "Mặt đối mặt với dã thú" của Candida Beveridge, phóng viên BBC, sẽ cho chúng ta thấy những bí ẩn bất ngờ về loài hổ Bengal trong khu rừng ngập mặn Sundarbans.

Bài 1: Nỗi ám ảnh ở khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới: Tiếng thét kinh hoàng xé tan màn đêm

Hổ Bengal tấn công, nỗi sợ hãi của hơn 1 triệu người

Nằm giữa biên giới Ấn Độ và Bangladesh, Sundarbans là khu rừng ngập mặn lớn nhất Thế giới. Nơi đây cũng là mái nhà của 500 con hổ Bengal cùng hơn 1 triệu người dân địa phương.

Nỗi ám ảnh ở khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới: Tiếng thét kinh hoàng xé tan màn đêm - Ảnh 1.

Hơn 1 triệu người dân ở khu rừng Sundarbans lo sợ bị hổ Bengal tấn công. Ảnh: AP

Mỗi năm, số người bị hổ tấn công tại đây lên tới 60 người, và chỉ một nửa trong số đó còn sống để kể lại câu chuyện của mình.

Tôi (phóng viên Candida Beveridge) đã có mặt ở khu rừng Sundarbans để thuật lại những trải nghiệm của người dân địa phương trong cuộc chiến sinh tồn với loài dã thú to lớn và hung dữ này.

Ở Sundarbans, vùng châu thổ rộng lớn nằm ở phía bắc Vịnh Bengal, không có gì khiến người dân sợ hãi và ám ảnh hơn từ "hổ". Chỉ cần thoáng nghe thấy từ này thôi cũng đủ để người dân ở đây sợ chết khiếp.

Nỗi ám ảnh ở khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới: Tiếng thét kinh hoàng xé tan màn đêm - Ảnh 2.

Bản đồ Sundarbans - khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới. Ảnh: BBC

Háo hức muốn nhìn thấy một con hổ, tôi hỏi một ngư dân xem liệu anh có nhìn thấy con hổ nào vào sáng nay không. Ngay lập tức anh ta gói ghém đồ đạc của mình và bỏ đi mà không nói một lời nào, mặc dù trước đó anh ta rất vui vẻ với tôi.

"Nếu cô nhắc tới hổ thì nó sẽ tới", người chèo thuyền của tôi giải thích. "Đây là lý do".

Khó có ai ở đây mà cuộc sống của họ không bị tác động bởi hổ, dù là theo cách này hay cách khác.

Tiếng thét kinh hoàng trong đêm

Một số khu vực hay bị tấn công hơn các khu vực khác. Cụ thể, từ năm 2006 - 2008, một vài người đã bị hổ ăn thịt ở Joymoni, một ngôi làng nhỏ ven bờ sông Pashur, giáp ranh với khu rừng.

Trong một vụ tấn công ở Joymoni, một con hổ đã phá tan bức tường bằng tre của một túp lều vào giữa đêm, và bắt bà cụ 83 tuổi đi mất. Vào lúc đó, Krisnopodo Mondol, người con trai (khi đó đã 60 tuổi) của bà cụ, đã nghe thấy những tiếng la hét của mẹ mình.

"Tôi mở cửa và chạy đến giường mẹ tôi, nhưng bà không còn ở đó nữa", ông Krisnopodo nhớ lại.

"Tất cả những gì tôi thấy là chiếc giường trống hoác. Tôi không thể tìm thấy bà ở đâu. Mở cửa ra sân và dưới ánh trăng, tôi trông thấy mẹ mình. Bà bị thương nặng, nằm sõng soài trên nền đất với những mảnh quần áo vương vãi xung quanh".

Nỗi ám ảnh ở khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới: Tiếng thét kinh hoàng xé tan màn đêm - Ảnh 3.

Một con hổ Bengal nhỏ đang kiếm ăn ở khu rừng ngập mặn Sundarbans vào tháng 8 năm 2014. Ảnh: Arindam Bhattacharya

Những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt Krisnopodo. Dường như vẫn chưa thể vượt qua nỗi đau đó, ông không thể kể tiếp. Lấy tấm ảnh của mẹ mình được treo trên tường, ông nhìn nó với vẻ trầm ngâm. Sau đó, ông tiếp tục.

"Con hổ tấn công vào đầu mẹ tôi từ phía bên trái. Hộp sọ của bà đã bị vỡ. Lúc đó, bà vẫn còn thở nhưng vô ích". Không bao lâu, bà cụ qua đời.

Krisnopodo tâm sự: "Cho tới lúc chết, tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc của mẹ mình đêm hôm đó. Khi nhớ lại vụ tấn công hôm đó, tôi không thể kìm được nước mắt. Tôi vẫn nhớ tiếng thét kinh hoàng đó".

Ngay sau vụ tấn công, Krisnopodo và vợ chuyển tới một căn nhà bê tông cách Joymoni không xa. Giờ đây, ông kiếm sống bằng cách làm dừa khô trong khu vườn của mình, được rào chắn cẩn thận, cách biệt với bên ngoài.

Huyền thoại Sundarbans: Vẫn sống sót sau 3 lần bị hổ Bengal vồ

Hầu hết người dân ở Sundarbans sinh sống dựa vào khu rừng ngập mặn và con sông bằng cách thu hoạch mật ong rừng và đánh bắt cá.

Mặc dù việc này là phạm pháp, nhiều người vẫn đi vào những khu vực cấm để lấy củi và săn thú rừng, và việc này khiến họ thường xuyên phải chạm trán với những con hổ hung dữ. Vào mùa hè năm 2014, 2 nạn nhân đã bị hổ giết hại trong khi đánh bắt cua tại đây.

Tuy nhiên, có người may mắn, chiến thắng cả hổ Bengal sau 3 lần đụng độ. Đó là câu chuyện của anh Jamal Mohumad, người được coi là huyền thoại ở Sundarbans. Anh được biết đến là người duy nhất sống sót sau 3 lần bị hổ tấn công.

Nỗi ám ảnh ở khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới: Tiếng thét kinh hoàng xé tan màn đêm - Ảnh 4.

Jamal Mohumad, người đàn ông may mắn sống sót sau 3 lần bị hổ tấn công. Ảnh: Eliza Beveridge

Vào năm 1997, trong lúc vào rừng đi săn, và tìm kiếm thức ăn, Jamal Mohumad đã chạm trán một thợ săn to lớn và mạnh mẽ hơn mình.

"Con hổ lao vào tôi với những cái chân to khỏe. Nó cắm những móng vuốt sắc nhọn vào chân tôi và kéo tôi xuống nước. Tôi vật lộn dưới nước, và cố gắng lặn sâu khoảng 3m. Con hổ thả tôi ra.

Tôi lặn sâu xuống nước và bơi nhanh hết mức có thể. Sau một lúc, tôi ngoi lên mặt nước, nhưng không thấy con hổ đâu. Tôi tiếp tục bơi rồi nhìn thấy một chiếc thuyền và kêu cứu".

Lần gần đây nhất bị hổ Bengal tấn công là vào năm 2007, khi đó, anh Jamal vào rừng kiếm củi. Khi đi tới đám cỏ cao ở cạnh bờ sông, thì anh nhìn thấy một con hổ đang nằm phơi nắng.

"Con hổ đang ở phía bắc của con sông còn tôi thì ở phía nam. Tôi không thể chạy. Tôi biết nếu con hổ nhìn thấy tôi, nó sẽ tấn công nên tôi chỉ biết cầu nguyện".

Con hổ hiên ngang tiến về phía Jamal. Như bị đông cứng, anh đứng chết chân tại chỗ. Anh biết rằng nếu quay đầu bỏ chạy, anh sẽ xong đời.

*Còn tiếp…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại