Tuy đều giữ các chức vụ cao trong ngân hàng nhưng ông Hoàng Văn Toàn (nguyên chủ tịch HĐQT), ông Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc, (TGĐ) và những người cháu thân thích của bà Hứa Thị Phấn như Ngô Kim Huệ (nguyên thành viên HĐQT, phó TGĐ), Lâm Kim Dũng (cháu rể bà Phấn, nguyên GĐ công ty địa ốc Lam Giang) trước toà đều khai: họ chỉ làm theo chỉ đạo của bà Phấn.
Họ đều chỉ ký vào các biên bản đã được soạn thảo sẵn và không biết ai là người đã soạn ra các văn bản đó. Vậy, ai là người giúp bà Phấn soạn ra hàng loạt văn bản đó?
Bà Hứa Thị Phấn vắng mặt
Sau 5 ngày diễn ra, phiên toà xử vụ án "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín vẫn còn trong giai đoạn xét hỏi hành vi nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, gây thiệt hại 1.105 tỷ đồng cho ngân hàng Đại Tín.
Vắng mặt tại toà không lý do, bà Phấn được các luật sư tham gia bào chữa và bảo vệ quyền lợi đề nghị hoãn phiên toà với lý do không đủ sức khoẻ để tham gia. Các luật sư đồng thời cũng kiến nghị HĐXX cho giám định lại sức khoẻ của thân chủ.
Tuy nhiên, yêu cầu của các luật sư không được HĐXX chấp nhận bởi trước khi phiên toà diễn ra, HĐXX đã tống đạt quyết định đưa vụ ra xét xử đến tận… bệnh viện, nơi bà Phấn đang điều trị bệnh.
Bác sĩ điều trị bệnh cho bị cáo Phấn cho biết bị cáo đủ tỉnh táo song đôi khi mới tiếp xúc được. Bà Phấn bị đồng thời các bệnh béo phì, huyết áp, tiểu đường... Do tình trạng sức khoẻ, HĐXX đã không thực hiện việc áp giải bị cáo đến tòa.
Việc bị cáo vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Hơn nữa bị cáo Phấn có đến 5 luật sư bào chữa tại phiên toà này nên quyền lợi của bị cáo không bị ảnh hưởng.
Trước khi khởi tố, bị cáo Phấn cũng đã có buổi làm việc với CQĐT với sự chứng kiến của luật sư. Sau đó, bị cáo mới nhập viện và không thể hỏi cung.
Quá trình điều tra, bị cáo có đơn xin thay đổi điều tra viên và ký nhiều văn bản, đơn tố cáo và kháng cáo…
Những con bù nhìn giữ dưa
Tại toà, ông Hoàng Văn Toàn thừa nhận có ký tên vào biên bản họp HĐQT chấp thuận mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỷ đồng, cao hơn 20% vốn điều lệ ngân hàng mà không xin ý kiến của đại hội cổ đông.
Ông Toàn thừa nhận đầu tư khi ngân hàng vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định; đồng thời, không kiểm tra việc thẩm định giá tài sản theo quy định.
Lý giải về sai phạm của mình, ông Toàn cho rằng do ông cũng chỉ là người làm công ăn lương cho bà Phấn nên bà Phấn nói sao ông làm vậy.
"Bản thân bị cáo cũng nghĩ căn nhà trên là của bà Phấn, bà Phấn cũng là chủ ngân hàng, việc mua bán có định giá của công ty TNHH MTV quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng Đại Tín (TrustAsset) nên bị cáo tin tưởng...".
Toàn bộ biên bản họp HĐQT và Nghị quyết, ông Toàn khai đều do Ngô Kim Huệ chuẩn bị và chuyển cho bị cáo ký hoàn thiện. Còn ai là người soạn thảo hợp đồng thì ông không biết.
Bị cáo Ngô Kim Huệ.
Tại toà, ông Toàn thừa nhận: Bà Phấn là người rất thông minh, thẳng thắn, cách quản lý tài sản rất nghiêm ngặt không ai có thể lấy được tiền của bà.
Bà Phấn từng bộc bạch với ông: "Thầy ơi, tôi có lỗi rất lớn là lòng tham!" (Ông Toàn có thời gian đi dạy học nên bà Phấn gọi là thầy - PV).
Ông Trần Sơn Nam: quá trình làm việc tại ngân hàng, ông chỉ là TGĐ trên danh nghĩa, còn mọi hoạt động của ngân hàng đều do bà Phấn quyết định.
Về quyết định mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, ông Nam khai: bà Phấn chỉ đạo phải mua căn nhà này cho bằng được để chuyển hội sở ngân hàng từ tỉnh Long An về.
Bị cáo Bùi Thị Kim Huệ, người được bà Phấn nuôi ăn học từ nhỏ thừa nhận có ký tên trên biên bản họp HĐQT quyết định mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và hợp đồng mua với giá 1.260 tỷ đồng, ký biên bản huỷ hợp đồng mua bán căn nhà...
Bị cáo Huệ cũng xác định, thời điểm ngân hàng Đại Tín mua căn nhà trên, HĐQT không họp mà bị cáo nhận biên bản từ Bùi Thị Kim Loan (thư ký bà Phấn) đưa rồi đưa cho từng thành viên HĐQT ký.
Bị cáo Lâm Kim Dũng cũng khai nhận: Năm 2010, Dũng được bà Phấn thuê làm giám đốc công ty cổ phần địa ốc Lam Giang với mức lương 10,5 triệu đồng/ tháng.
Thực tế, Dũng chỉ là giám đốc trên danh nghĩa, mọi hoạt động của công ty đều do bà Phấn chỉ đạo thông qua Bùi Thị Kim Loan, thư ký của bà Phấn.
Việc mua bán căn nhà trên, Dũng khai không được bàn bạc hay thảo luận mà mọi hồ sơ thủ tục, văn bản, hợp đồng, chứng từ liên quan đến việc mua bán đều do bà Phấn chỉ đạo thông qua Loan.
Dũng chỉ ký hồ sơ, chứng từ và hợp đồng do Loan đưa ký. Số tiền 990 tỷ đồng ngân hàng chuyển trả khi ký hợp đồng mua căn nhà, công ty Lam Giang và Dũng không sử dụng số tiền này mà bà Phấn mới là người sử dụng.
Liên quan đến việc mua bán căn nhà lòng vòng qua nhiều giai đoạn, các bị cáo khác nằm trong HĐQT ngân hàng đều có lời khai tương tự.
Thực tế, không có cuộc họp HĐQT nào diễn ra tại ngân hàng để bàn bạc việc ký kết việc sang nhượng căn nhà.
Tất cả đều ký sẵn vào những giấy tờ do thư ký riêng của bà Phấn là Bùi Thị Kim Loan thông qua Ngô Kim Huệ đưa ra.
Vậy ai là người soạn ra toàn bộ các văn bản, giấy tờ trên trong khi những người cháu tin cẩn của bà Phấn như Ngô Kim Huệ cũng không được giao nhiệm vụ? Vấn đề này vẫn chưa được HĐXX làm rõ.
Hai nhân vật quan trọng trong việc mua bán căn nhà trên thì bà Phấn trong suốt quá trình điều tra đều bất hợp tác; còn Bùi Thị Kim Loan thì vẫn chưa được xét hỏi tại phiên toà do mới sinh con, sức khoẻ hạn chế.
Bị cáo Bùi Thị Kim Loan ôm con đến phòng xử.
Ngày đầu xét xử, bị cáo Bùi Thị Kim Loan đã khiến cả phiên toà xôn xao khi ôm đứa con chưa đầy tháng cùng hầu toà.
Để đảm bảo nội quy phiên toà và sức khoẻ hai mẹ con, HĐXX đã có công văn yêu cầu được hỗ trợ và được bệnh viện hỗ trợ bác sĩ sản nhi, đồng thời HĐXX cũng đề nghị Loan không được ôm con vào phòng xử mà để bên ngoài cho bác sĩ chăm sóc.
Đến ngày xét xử thứ hai, bị cáo Loan vắng mặt và đến ngày thứ ba bị cáo lại tiếp tục ôm con vào phòng xử, không tuân thủ ý kiến của HĐXX.
HĐXX cương quyết yêu cầu lực lượng bảo vệ phiên toà đưa cả hai mẹ con Loan ra khỏi phòng xử án và nếu ai chống lệnh sẽ bị xử nghiêm theo pháp luật.
Vì vậy, đến hết ngày 11-5, sau hai ngày xét hỏi những bị cáo liên quan trong việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, Việc thẩm vấn bị cáo Loan vẫn chưa được thực hiện.
Trong quá trình điều tra, bị cáo Loan khai báo rất quanh co. Sau quá trình đấu tranh lâu dài, Loan mới thừa nhận thực hiện chỉ đạo của bà Phấn, Loan nhận hồ sơ mua bán, huỷ hợp đồng mua bán và đưa cho Lâm Kim Dũng ký theo chỉ đạo của bà Phấn.
Loan cũng là người yêu cầu các nhân viên ngân hàng Đại Tín - chi nhánh Lam Giang thực hiện việc chuyển tiền mua bán căn nhà giữa công ty địa ốc Lam Giang với ngân hàng Đại Tín và bà Phấn, tất nhiên là theo chỉ đạo của bà Phấn.
Trốn thuế 177 tỷ đồng
HĐXX cũng đã làm rõ quy trình thẩm định giá tài sản từ 155 tỷ đồng lên 1.268 tỷ đồng của công ty TrustAsset ký hợp đồng thẩm định giá với công ty TNHH địa ốc Lam Giang.
Tại toà, bị cáo Nguyễn Công Tụ (nguyên giám đốc) khai được ông Toàn giới thiệu về làm việc cho bà Phẩn.
Bị cáo Tụ thừa nhận công ty không có chức năng thẩm định giá do bị cáo hiểu nhầm giữa thẩm định giá và định giá là giống nhau (!?).
Bị cáo cũng thừa nhận là người ký kết luận định giá, ký chứng thư thẩm định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.
Bị cáo Nguyễn Công Tụ.
Là người trực tiếp thẩm định giá căn nhà trên, bị cáo Bùi Thế Nghiệp (nguyên nhân viên định giá) khai: ngay khi TrustAsset ký hợp đồng định giá với công ty Lam Giang, Nghiệp đã báo cáo với ông Tụ là công ty không có chức năng thẩm định giá và bị cáo chỉ có thẻ định giá viên nên không thể thực hiện hợp đồng được.
Tuy nhiên, ông Tụ kêu bị cáo cứ thực hiện nên bị cáo vẫn làm theo chỉ đạo của giám đốc.
Khi được hỏi, dựa vào đâu để bị cáo định giá căn nhà có giá trị nêu trên, Nghiệp khai: tất cả những chứng thư thẩm định trước đây bị cáo đã định giá bằng phương pháp so sánh.
Tuy nhiên, trường hợp này bị cáo lại định giá bằng phương pháp "giá trị thặng dư". Tuy không hiểu gì về điều kiện áp dụng phương pháp này nhưng do áp lực của cấp trên nên bị cáo vẫn thực hiện.
HĐXX cũng đã thẩm vấn đại diện Chi cục thuế quận 3 nghĩa vụ thuế của bà Phấn trong phi vụ này.
Theo hồ sơ, ngày 7-2-2012, bà Hứa Thị Phấn mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ công ty cổ phần địa ốc Lam Giang (công ty do bà Phấn làm sở hữu) với giá 450 tỷ đồng.
Một tuần sau đó (tức ngày 13-2-2012) bà Phấn bán lại cho ngân hàng Đại Tín với giá 1.260 tỷ đồng.
Theo kết luận giám định thuế của Bộ tài chính, số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) bà Phấn đã kê khai nộp thuế đối với việc chuyển nhượng căn nhà trên có sai lệch.
Cụ thể, số thuế thu nhập cá nhân bà Phấn kê khai nộp là 25,2 tỷ đồng trong khi số thuế này qua giám định thuế lên tới hơn 202,4 tỷ đồng, chênh lệch đến 177,2 tỷ đồng.
Trả lời tại toà, đại diện chi cục thuế quận 3 cho biết đã thu của bà Phấn 25,2 tỷ đồng tiền thuế trong việc mua bán bất động sản này.
Toà hỏi: dựa vào đâu để thu số tiền trên? Đại diện đơn vị này cho biết: Việc thu thuế này là có 2 cách tính: theo lựa chọn thuế suất 25% và thuế suất 2%.
Giá chuyển nhượng và giá vốn sẽ tính theo thuế suất 25%, còn tính trên giá so sánh và giá chuyển nhượng nhà nước thì tính theo thuế suất 2%.
"Như vậy theo cách tính của chi cục thuế thì bà Phấn có lợi gần 200 tỉ đồng?", HĐXX đặt câu hỏi.
Trả lời, người đại diện cho rằng do người nộp thuế không cung cấp được các hóa đơn chứng từ cũng như chi phí khác nên chi cục thuế mới tính thuế đối với bà Phấn là 2% và khẳng định đơn vị mình đã làm đúng theo quy định.
Trong quá trình điều tra, CQĐT đã xác định bà Phấn đã phạm vào tội "trốn thuế".
Bà Phấn và các đồng phạm đã nâng khống căn nhà để bán lại cho ngân hàng Đại Tín với giá 1.260 tỷ đồng trong khi giá thị trường theo kết luận giám định chỉ 155 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân hàng 1.105 tỷ đồng.
Do hành vi này, bà Phấn và các đồng phạm đã bị khởi tố về tội "lạm dụng tín nhiệm..." và "cố ý làm trái..."
Do đó CQĐT không xem xét xử lý về hành vi trốn thuế; đồng thời kiến nghị xem xét xử lý số tiền thuế TNCN đã nộp cho kho bạc Nhà nước 25,2 tỷ đồng.