Trịnh Văn Quyết - Phạm Nhật Vượng: Tỷ đô, bóng đá và bất động sản

Quang Huy |

Giữa tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam Phạm Nhật Vượng và "người mới nổi" Trịnh văn Quyết có nhiều điểm tương đồng thú vị, từ nguồn gốc tài sản tới sở thích cá nhân.

Danh hiệu tỷ phú USD trên sàn chứng khoán Việt lần đầu tiên vinh danh tới 2 người: ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng và Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Đây đều là những doanh nhân có nhiều năm trên sàn, thuộc nhóm đại gia bất động sản và thành công nhờ hoạt động với nghề "tay trái" (ông Vượng học trường mỏ địa chất, còn ông Quyết học trường luật).

Bóng đá, sở thích và những tài sản đặc biệt

Ông Trịnh Văn Quyết tự nhận mình là người "có số má" trong thể thao, nhất là trong môn golf và quần vợt. Vị này cho biết, bản thân sở hữu khá nhiều giải thưởng quần vợt, trong khi golf lại đang mang lại niềm đam mê sâu sắc.

Cũng đam mê thể thao, nhưng ông Phạm Nhật Vượng lại thích bóng đá và bóng rổ. Thời gian rảnh sau giờ làm việc, ông chơi bóng với các nhân viên trong công ty và chơi ở vị trí tiền đạo.

Dẫu vậy, trong giới bóng đá, cái tên Phạm Nhật Vượng và Trịnh Văn Quyết đều không xa lạ. Nếu như câu lạc bộ bóng đá FLC Thanh Hóa vốn là đội bóng quen tên nhẵn mặt trong nhiều giải đấu tại Việt Nam thì tên tuổi của ông Vượng lại gắn với thành công lịch sử của đội tuyển U19 Việt Nam thông qua cái tên PVF.

PVF là Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam, một tổ chức phi Chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận. Quỹ này được sáng lập và đóng góp vốn bởi 3 thành viên thuộc tập đoàn Vingroup, gồm Quỹ Thiện Tâm (đóng góp 80%), công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại PFV (10%) và công ty TNHH MTV Vinpearl (10%).

Là những doanh nhân kín tiếng với báo giới, cả ông Vượng và ông Quyết đều chưa từng công khai ảnh vợ con, dù những người phụ nữ này đều góp mặt trong danh sách các nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Từng giữ vị trí thứ hai trên sàn chứng khoán

Ông Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vào năm 2007, xếp sau ông Đặng Thanh Tâm. Suốt 2 năm sau đó, ông dù tài sản gia tăng nhanh chóng, nhưng ông chủ Vingroup khi ấy vẫn chỉ xếp thứ hai sau đại gia cùng ngành Đoàn Nguyên Đức.

Năm 2010, tỷ phú Vingroup vơn lên trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán. Kể từ đó đến năm 2015, ông Vượng giữ vững danh hiệu của mình, trở thành một trong những tỷ phú chứng khoán Việt giàu nhất trong lịch sử.

Tính đến ngày 12/10/2016, tài sản của ông Vượng vẫn cao gấp 2,5 lần so với người đứng thứ hai là Chủ tịch FLC. Đó cũng là khoảng cách tài sản lớn nhất giữa 2 cái tên đầu tiên trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Tuy nhiên, mọi chuyện nhanh chóng thay đổi. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của cổ phiếu ROS đã đưa tài sản của ông Trịnh Văn Quyết tăng chóng mặt chỉ trong vòng 2 tuần. Chỉ trong vòng 1 tháng ở vị trí người giàu thứ 2 trên sàn, tài sản của ông Quyết đã tăng từ mức hơn 12.000 tỷ đồng lên 24.000 tỷ đồng cổ phiếu, thua kém ông Vượng chỉ 7.000 tỷ đồng.

Con đường đến với danh hiệu tỷ phú đôla

Để trở thành tỷ phú đôla trên sàn chứng khoán, ông Phạm Nhật Vượng khi đó đã tiến hành sáp nhập 2 công ty dưới quyền là Vincom và Vinpearl, hoán đổi cổ phiếu VPL thành cổ phiếu VIC. Dưới cái tên tập đoàn Vingroup và một mã cổ phiếu thống nhất VIC, lượng tài sản của ông Vượng tăng trưởng nhanh chóng, cán mốc 1,3 tỷ USD.

Tương tự, ông Trịnh Văn Quyết cũng chỉ có thể trở thành tỷ phú chứng khoán khi có công ty thứ hai lên sàn. Trước đó, FLC lên sàn năm 2013 nhưng giá cổ phiếu nhanh chóng sụt giảm, khiến thị giá phần vốn ông Quyết nắm tại đây chỉ còn tương đương 700 tỷ đồng.

Ngày 1/9, ROS lên sàn, làm thay đổi về căn bản tài sản của ông chủ FLC. Dù không nắm giữ bất cứ vị trí nào trong ban lãnh đạo của ROS nhưng thực tế, ông này là cổ đông cá nhân lớn nhất của doanh nghiệp, giữ tới 65,01% vốn, tức là có quyền định đoạt mọi quyết sách lớn nhất của ROS trong các cuộc họp cổ đông.

Nhờ việc thị giá ROS tăng tới 670% chỉ trong 2 tháng giao dịch, lượng tài sản của ông Quyết đã gia tăng tới 48 lần. Tính đến trước phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, tài sản của ông chủ FLC đạt 24.300 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại