Mã cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng Foros từ khi lên sàn đến nay liên tục tăng giá, trở thành một trong những mã cổ phiếu có sức nóng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vậy ROS là công ty như thế nào? Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này ra sao?
Theo thông tin được đăng tải trên website, ROS là công ty cổ phần được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 01/03/2011. Trải qua hơn 5 năm thành lập và phát triển, đến nay, doanh nghiệp này đã 12 lần thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh.
Công ty Cổ phần Xây dựng Faros hoạt động trên nhiều lĩnh vực và đa ngành nghề như: Tư vấn thiết kế, Tư vấn và quản lý các công trình dân dụng và công nghiệp, Xây dựng và lắp đặt các công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng khu đô thị, khu công nghiệp, công trình giao thông...
Năm 2015, Faros gây chú ý lớn trong ngành thi công công trình bất động sản với việc hoàn thành đại dự án Quần thể nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 9 tháng.
Khi thực hiện dự án này, Faros được chính FLC lựa chọn, thay thế nhà thầu cũ nhằm cứu vãn dự án đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ.
Việc trúng thầu của một doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam là khởi đầu tốt đẹp, đem lại danh tiếng sau này cho Faros. Ngay lập tức, vượt qua hàng loạt các nhà thầu lớn, có tên tuổi trên cả nước Faros chính thức trở thành tổng thầu các dự án do Tập đoàn FLC triển khai khắp cả nước.
Trên website của Faros, phần lớn các dự án được công bố, đăng tải thông tin đều có liên quan đến FLC, và đây dường như là miếng bánh ngon cho doanh nghiệp vốn được mệnh danh là "ông vua tiến độ". Những cái tên đình đám nhất bao gồm Khu phức hợp FLC Complex Thanh Hóa, khu công nghiệp FLC Hoàng Long hay dự án FLC Vĩnh Thịnh Rerort.
Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn
Theo Báo cáo Tài chính bán niên năm 2016 (đã kiểm toán), Faros đạt doanh thu trên 1.072 tỷ đồng, tăng 434%; lợi nhuận sau thuế đạt trên 153 tỷ đồng, tăng 425% so với cùng kỳ năm 2015. Công ty này cũng có tới 5 lần điều chỉnh vốn điều lệ, lên mức 4.300 tỷ đồng, cao hơn cả FLC (3.847 tỷ đồng).
Ngày 1/9 vừa qua, Faros chính thức niêm yết trên HSX với mã cổ phiếu ROS, chào sàn ở mức 10.500 đồng/cổ phiếu. Công ty chứng khoán Artex cho rằng mức giá ban đầu này không phản ánh hết được tiềm lực của ROS, bởi nếu xét trên tương quan P/E, cổ phiếu này sẽ "sớm đạt mức giá 85.000 đồng trong một đến hai quý tới".
Sự đánh giá của Artex cũng đồng nghĩa với việc ngầm khẳng định các nhà đầu tư có thể dễ dàng thu được mức lợi nhuận tới 50% nếu bỏ tiền mua cổ phiếu ROS. Điều đó thực tế đã trở thành sự thật khi ROS chạm giá 84.500 đồng vào ngày 28/10, chỉ 1 tháng sau lên sàn, nhưng lại không có nhiều nhà đầu tư được hưởng "miếng ngon ROS".
Cơ cấu cổ đông của Faros quá tập trung, khi có tới gần 70% cổ phiếu nằm trong tay ông chủ FLC. Dù không có tên trong danh sách ban lãnh đạo của Faros, nhưng thực tế, người có quyền quyết định những vấn đề cao nhất của công ty này chính là ông Trịnh Văn Quyết - cổ đông cá nhân lớn nhất.
Việc nắm giữ gần 280 triệu cổ phiếu của công ty, tương đương gần 23.000 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến cho vị đại gia Vĩnh Phúc Trịnh Văn Quyết "vượt mặt" ông bầu Trần Đình Long, trở thành người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt, đồng thời cũng là tỷ phú đôla thứ 2 Việt Nam.
Như vậy, tính đến sáng nay, tổng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông quyết, bao gồm số cổ phần nắm giữ của Tập đoàn FLC và ROS là 24.230 tỷ đồng.