Khi đại diện của Triều Tiên và Hàn Quốc gặp gỡ vào ngày 9/1/2018, hai bên hy vọng việc đàm phán sẽ dẫn tới việc cải thiện quan hệ song phương chứ không chỉ dừng lại ở Thế vận hội Mùa đông vào tháng 2/2018.
Đại diện hai quốc gia Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ gặp nhau ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom), nằm ở khu phi quân sự giữa 2 miền của bán đảo Triều Tiên, nơi đã chia cắt bán đảo này từ khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953 bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải là hòa ước.
Triều Tiên đã nhắc nhở Hàn Quốc rằng họ sẽ cử Ri Son Gwon, nhà đàm phán kỳ cựu của họ về vấn đề liên Triều, dẫn đầu phái đoàn 5 người dự cuộc đàm phán này. Ông Ri đã đại diện cho Bình Nhưỡng trong các cuộc thương thuyết quân sự xuyên biên giới kể từ năm 2006.
Kỳ vọng đột phá từ Thế vận hội
Cuộc gặp gỡ này sẽ thảo luận khả năng Triều Tiên tham gia Thế vận hội Mùa đông (theo kế hoạch sẽ diễn ra ở Pyeongchang, Hàn Quốc, từ ngày 9-25/2) cũng như phương cách làm dịu căng thẳng giữa đôi bên sau khi Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa đạn đạo và tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của mình.
Hai bên hy vọng Thế vận hội có thể là cơ sở để cải thiện quan hệ giữa 2 nước.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong phát biểu đầu năm mới 2018 nhấn mạnh rằng Thế vận hội là "dịp tốt" để thể hiện sự vĩ đại của dân tộc Triều Tiên/Hàn Quốc và đề cập khả năng Bình Nhưỡng sẵn sàng gửi đoàn thể thao tới Thế vận hội Mùa đông ở Hàn Quốc.
Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản cho biết, hôm 6/1 Chang Ung, đại diện của Triều Tiên tại Ủy ban Olympic Quốc tế, nói với các phóng viên tại sân bay quốc tế Bắc Kinh rằng nước ông "có khả năng tham dự" Thế vận hội Mùa đông.
Có khả năng Triều Tiên sẽ gửi cặp đôi vận động viên trượt băng Ryom Tae Ok và Kim Ju Sik tới dự Thế vận hội. Cặp đôi này đã đoạt huy chương đồng vào năm ngoái tại Á vận hội Mùa đông ở Nhật Bản.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thường xuyên nói rằng ông muốn Thế vận hội Pyeongchang là cơ hội để tái giao lưu và giải quyết xung đột với Triều Tiên.
Hôm 5/1, Tổng thống Moon phát biểu: "Tôi sẽ cố gắng làm cho Thế vận hội Pyeongchang trở thành "Thế vận hội Hòa bình" và nỗ lực hơn nữa để giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên, để năm nay có thể là năm mà hòa bình được nuôi dưỡng trên bán đảo Triều Tiên".
Nội dung của cuộc họp liên Triều ngày 9/1 liên quan đến Thế vận hội bao gồm việc liệu phái đoàn của Triều Tiên có đi dự Thế vận hội bằng đường bộ không và liệu 2 phái đoàn Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ cùng diễu hành dưới một lá cờ chung thống nhất trong lễ khai mạc và bế mạc hay không.
Ngoài ra họ còn bàn vấn đề chi phí chỗ ở và các chi phí khác. Ủy ban Olympic Quốc tế cho biết họ sẵn sàng chi trả các chi phí của đoàn Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội, nhưng một số người lại đặt câu hỏi liệu điều đó có vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên về chương trình tên lửa và hạt nhân hay không.
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon hy vọng việc thảo luận về Thế vận hội sẽ mở đường cho quan hệ tốt hơn giữa 2 nước.
"Quan hệ tốt hơn giữa hai bên có thể là chất xúc tác cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên", ông Cho nói.
Mỹ đã nhất trí với yêu cầu của Hàn Quốc về việc hoãn các cuộc tập trận vào dịp Thế vận hội.
Tổng thống Trump trước đó nói rằng ông ủng hộ việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội và hy vọng các cuộc đàm phán sẽ mở rộng hơn nữa.
Ông Trump hôm 6/1 nói: "Tôi thực sự mong muốn họ đưa quan hệ vượt qua khuôn khổ Thế vận hội. Và vào thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ tham gia". Ông Trump thậm chí còn cho biết ông sẵn lòng nói chuyện trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiêm Kim Jong-un.
Thái độ dè chừng nhau vẫn còn
Nhưng đồng thời, các nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc thể hiện quyết tâm rằng việc đàm phán đó sẽ không làm suy yếu quan điểm cứng rắn của họ đối với chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Trong khi đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 7/1 đăng xã luận nói rằng "Ý chí cải thiện quan hệ Bắc-Nam phải được hậu thuẫn không phải bằng lời, mà bằng hành động thực tế để nuôi dưỡng sự hòa giải, đoàn kết và thống nhất liên Triều".
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thì khẳng định luôn rằng ông sẽ không có quan điểm mềm yếu với Triều Tiên và sẽ củng cố quân đội Hàn Quốc. "Tôi sẽ không chỉ tập trung vào mỗi việc đối thoại".
Nhận xét trên được xem là để trấn an những người bảo thủ ở Hàn Quốc hoài nghi về việc đàm phán với Triều Tiên.
Những người phản đối ở Hàn Quốc đã bày tỏ quan ngại rằng Triều Tiên sẽ sử dụng Olympic làm phương tiện để lẩn tránh các lệnh trừng phạt của quốc tế và để tạo hiềm khích giữa Seoul và Washington.
Liên quan đến các bình luận của Tổng thống Trump, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói rằng các bình luận đó không đồng nghĩa với sự thay đổi trong chính sách của chính quyền ông Trump.
Bà Haley giải thích cụ thể như sau: "Những gì mà ông Trump nói là có thể có lúc Mỹ nói chuyện với Triều Tiên nhưng có nhiều điều phải được thực hiện trước khi chuyện đó xảy ra. Họ phải ngừng các vụ thử. Họ phải sẵn lòng đàm phán về việc cấm vũ khí hạt nhân của họ... Những điều chúng tôi đang làm là nhằm đảm bảo không để lặp lại điều đã xảy ra trong 25 năm qua"./.