Triều Tiên tuyên bố muốn đối thoại, chấm dứt đối đầu quân sự

Trần Nga |

Ngày 15/1, truyền thông Triều Tiên đồng loạt đưa tin, nước này hy vọng những nỗ lực hòa bình sẽ chấm dứt đối đầu quân sự trên Bán đảo Triều Tiên.

Nhiều dấu hiệu mới nhất cho thấy sự "tan băng" trong quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên kể từ sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để ngỏ khả năng đối thoại với Hàn Quốc trong thông điệp Năm mới 2018.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) trong một bình luận cho rằng đề xuất của Triều Tiên nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Hàn Quốc đã "nhận được phản ứng tích cực từ phía công chúng trong và ngoài nước".

KCNA nêu rõ đề xuất này phản ánh ý chí kiên định của Triều Tiên nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh trên bán đảo và bảo vệ hòa bình... trong điều kiện một sự răn đe chiến tranh mạnh mẽ đã làm thất bại và hạn chế bất cứ mối đe dọa nào từ Mỹ.

KCNA cũng kêu gọi Hàn Quốc hợp tác với Triều Tiên để chấm dứt tình trạng nhùng nhằng hiện nay, cùng thảo luận thẳng thắn về các vấn đề cải thiện quan hệ song phương hướng tới mục tiêu thống nhất.

Tuyên bố được đưa ra khi trước đó, tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjeom), Triều Tiên và Hàn Quốc đã tiến hành đàm phán cấp chuyên viên về việc Triều Tiên cử đoàn biểu diễn nghệ thuật tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang. Triều Tiên đã nhất trí cử một đoàn nghệ thuật gồm 140 người đến tham gia trình diễn tại Thế vận hội mùa Đông PyeongChang ở Hàn Quốc vào tháng 2 tới, một tín hiệu tích cực thu hút sự chú ý tại Hàn Quốc, cũng như ở nước ngoài.

Báo chí Triều Tiên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hòa giải và đoàn kết giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời kêu gọi mở rộng các hoạt động giao lưu liên Triều theo cách có lợi cho việc tái thống nhất.

Nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, nhấn mạnh, cánh cửa đối thoại và tiếp xúc sẽ vẫn mở cho bất kỳ ai ở Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi các chính trị gia ở Hàn Quốc ủng hộ và chấp nhận đề nghị hòa giải của Triều Tiên.

Cùng quan điểm này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 15/1 tuyên bố, Nga sẵn sàng tạo điều kiện cho đối thoại song phương giữa Mỹ và Triều Tiên trong khuôn khổ đàm phán 6 bên. Nga và Trung Quốc tích cực liên lạc để đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong khuôn khổ sáng kiến chung về việc dàn xếp chính trị, trong đó kêu gọi chấm dứt đối đầu quân sự.

Ngoại trưởng Nga Lavrov nói: "Khi giai đoạn tạm dừng các bước đi đối đầu bắt đầu có hiệu lực thì chúng tôi sẽ tích cực ủng hộ tiếp xúc trực tiếp giữa các bên có lợi ích lớn nhất. Nếu được hỏi về vấn đề hạt nhân thì các bên có lợi ích lớn nhất là Triều Tiên và Mỹ. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ đối thọai song phương trong khuôn khổ đàm phán 6 bên giữa Nga, Triều Tiên, Nhật bản, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc".

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga lưu ý rằng nỗ lực này tiến triển chậm do Mỹ có khuynh hướng nghiêng về việc tìm kiếm giải pháp quân sự. Ông cũng bày tỏ sự phản đối Hội nghị ngoại trưởng về Triều Tiên do Mỹ và Canada đồng tổ chức khai mạc hôm nay (16/1) tại Vancouver, Canada mà không có sự tham gia của Nga, Trung Quốc.

Trung Quốc cũng chỉ trích hội nghị, vì nó sẽ tạo ra sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế và gây phương hại cho nỗ lực chung trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trước những chỉ trích này, nước chủ nhà Canda nói rằng Hội nghị có mục đích chính là bàn cách ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên thông qua gây sức ép về ngoại giao và tài chính. Cụ thể như xem xét cách tăng cường an ninh hàng hải xung quanh Triều Tiên để ngăn chặn các tàu cố tình vi phạm lệnh trừng phạt với Triều Tiên.

Rõ ràng, Hội nghị nhằm thiết lập liên minh các nước siết chặt các lệnh cấm vận hơn là thúc đẩy đối thoại. Nga và Trung Quốc cho rằng, tận dụng bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có phần hạ nhiệt, các bên liên quan cần xem xét sáng kiến lâu nay của Nga, Trung Quốc rằng, Triều Tiên có thể đình chỉ chương trình hạt nhân và tên lửa, đổi lại Mỹ và các nước đồng minh dừng các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại