Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo Bình Nhưỡng đã thực hiện vụ thử "vô cùng quan trọng" nói trên vào ngày 7/12 tại trung tâm vệ tinh Sohae nhằm "nâng cao vị thế chiến lược" của nước này trong thời gian tới. KCNA từ chối cung cấp thêm chi tiết.
Bản tin sáng 8/12 của KCNA nêu rõ: "Vụ phóng vệ tinh Biển Tây là một vụ thử rất quan trọng. Học viện Quốc phòng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã báo cáo Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên các kết quả thành công của vụ phóng quan trọng này. Kết quả vụ thử sẽ sớm đóng một vai trò quan trọng, làm thay đổi mạnh mã vị thế chiến lược của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên".
Theo KCNA, vụ phóng được thực hiện tại Trung tâm Phóng vệ tinh Sohae nằm tại Tongch'ang-ri, thuộc huyện Cholsan của tỉnh Bắc Pyongan giáp biên giới Trung Quốc.
Trước đó, theo Đài Phát thanh và Truyền hình KBS của Hàn Quốc, công ty cung cấp dịch vụ hình ảnh vệ tinh Planet Labs ngày 5/12 đã chụp được những hình ảnh Triều Tiên chuẩn bị tái khởi động việc thử nghiệm động cơ tên lửa ở Dongchang, huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy một container hàng hóa cỡ lớn chưa từng xuất hiện ở bãi thử tên lửa trên. Bãi thử này là nơi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng cam kết sẽ đóng cửa vĩnh viễn, một trong những thỏa thuận phi hạt nhân hóa mà lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9 năm ngoái.
Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan hình ảnh chụp từ vệ tinh nói trên của công ty Planet Labs. Trong khi đó, kênh truyền hình CNN nhận định dường như đây là thông điệp Triều Tiên muốn gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump như lời cảnh cáo trước đó liên quan tới thời hạn cuối năm Bình Nhưỡng đặt ra cho Washington.
Nhiều cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã diễn ra trong năm 2018 và 2019, cùng với đó là việc Triều Tiên ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, có rất ít tiến triển trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai hồi tháng 2 tại Hà Nội.
Hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp chuyên viên mới nhất tại Stockholm (Thụy Điển) hồi tháng 10 nhưng đã đổ bể, với việc Bình Nhưỡng cáo buộc Washington đã không đưa ra bất cứ đề xuất mới nào. Triều Tiên cáo buộc Mỹ không đem đến bàn đàm phán một đề xuất mới. Triều Tiên yêu cầu Mỹ từ giờ tới cuối năm phải đưa ra đề xuất mới nếu không quốc gia này sẽ từ bỏ đối thoại và lựa chọn con đường khác.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên phụ trách quan hệ với Mỹ, ông Ri Thae Song, cho rằng Mỹ "đang muốn câu giờ" nhằm buộc Triều Tiên duy trì đối thoại thay vì đưa ra nhượng bộ. Ông Ri Thae Song nói thêm rằng Triều Tiên đã cố gắng hết sức với sự kiên trì tối đa để không từ bỏ các bước quan trọng mà nước này đã thực hiện. Ông nói: "Những gì còn lại phải làm bây giờ là sự lựa chọn của Mỹ".