Triều Tiên thử tên lửa: Trừng phạt càng mạnh, hỏa tiễn bay càng xa?

Quốc Vinh |

Vụ thử mới nhất của Triều Tiên là để chứng minh uy lực của tên lửa Hwasong-12. Nó như cú tát trời giáng vào lệnh trừng phạt mới nhất nhằm vào Bình Nhưỡng.

Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản sáng 15/9, như một động thái thách thức trực tiếp đối với Mỹ và Trung Quốc, chỉ vài ngày sau khi một nghị quyết trừng phạt mới được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua.

Vụ phóng tên lửa lần này của Triều Tiên không đưa đảo Guam của Mỹ vào mục tiêu. Thay vào đó, nó được triển khai gần sân bay quốc tế Sunan nằm ở phía Bắc Thủ đô Bình Nhưỡng và bay quãng đường 3.700km về phía Đông, bay qua Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.

Dù khoảng cách giữa Thủ đô của Triều Tiên và các căn cứ không quân của Mỹ ở Guam vẫn còn khá lớn, giới phân tích đánh giá hiệu quả mang lại từ bài kiểm tra lần này cho thấy những tuyên bố của Bình Nhưỡng về khả năng tấn công Mỹ là hoàn toàn có cơ sở.

Một quan chức quân sự cấp cao Mỹ gọi diễn biến mới ngày 15/9 là lời cảnh báo cho căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương. Nó sẽ là trung tâm trong bất kỳ hành động quân sự nào trên bán đảo Triều Tiên.

Tại Nhà Trắng, các quan chức cấp cao tập trung tại phòng Tình huống đã cân nhắc một phản ứng. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định không hành động, dù các thông tin tình báo về vụ thử đã được chuyển về từ một ngày trước.

Cả Mỹ lẫn Nhật Bản đều không tiến hành bắn hạ tên lửa, do vũ khí từ Triều Tiên được cho là không gây đe dọa. Bộ chỉ huy Quốc phòng Không gian Bắc Mỹ xác định tên lửa đạn đạo không đặt ra mối đe dọa cho Bắc Mỹ hay đảo Guam.

Tại Nhật Bản, một cảnh báo được đưa ra trên truyền hình và qua điện thoại di động, kêu gọi mọi người tìm nơi trú ẩn. Nhật Bản cho biết, tên lửa rơi xuống vùng biển cách khoảng 2.200km về phía Đông Hokkaido.

Phản ứng với lệnh trừng phạt

Theo các nhà quan sát, vụ thử tên lửa mới nhất cho thấy, giới lãnh đạo Bình Nhưỡng cảm thấy các biện pháp trừng phạt vừa được nhất trí thông qua tại Hội đồng Bảo an là mối đe dọa gây tổn hại với Triều Tiên và là lý do để các chương trình phát triển vũ khí của nước này cần phải tăng tốc.

Cuộc thử nghiệm cũng cho thấy sự tiến bộ ngày càng lớn trong mục tiêu gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo có tầm bắn hàng nghìn km của Triều Tiên, một triển vọng làm rung chuyển khu vực và đặt ra thách thức đối ngoại khó khăn cho chính quyền Trump.

Ông Trump đang lên kế hoạch gặp mặt Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở New York vào tuần tới.

Nhà lãnh đạo Mỹ rõ ràng đã cảm thấy thất vọng khi lệnh trừng phạt mới từ Hội đồng Bảo an ban hành gần như đã vô tác dụng.

Triều Tiên thử tên lửa: Trừng phạt càng mạnh, hỏa tiễn bay càng xa? - Ảnh 1.

Dường như càng trừng phạt nặng tay, Triều Tiên càng muốn chương trình phát triển vũ khí tăng tốc.

Các quan chức Hàn Quốc cho biết, họ vẫn đang phân tích dữ liệu để xác định loại tên lửa vừa được phóng. Theo quan sát ban đầu, đây được đánh giá là vụ thử đưa tên lửa đi xa nhất trong lịch sử Triều Tiên.

Khi tên lửa Bình Nhưỡng phóng vào lúc 7h sáng ngày 15/9, Hàn Quốc gần như đồng thời triển khai tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2 ở ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này, trong một cuộc tấn công phủ đầu mô phỏng.

Đây là lần thử tên lửa thứ 15 của Triều Tiên trong năm nay và lần đầu tiên kể từ khi chính quyền Kim Jong-un phát nổ quả bom hạt nhân hôm 3/9.

Khi tên lửa Bình Nhưỡng phóng vào lúc 7h sáng ngày 15/9, Hàn Quốc gần như đồng thời triển khai tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2 ở ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này, trong một cuộc tấn công phủ đầu mô phỏng.

"Giới chức Triều Tiên đã thực hiện một quyết định chiến lược, để phô diễn khả năng của họ càng sớm càng tốt", Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại viện Lowy ở Sydney cho biết. "Nó là bước đi tồi tệ trong năm 2017", chuyên gia này đánh giá.

Graham gọi đây là vụ thử tên lửa có "tầm xa lớn nhất trong lịch sử Triều Tiên".

"Nó là dấu mốc mới, phô diễn đầy đủ năng lực của Hwasong-12 và chứng minh đây là thiết kế tên lửa thành công nhất của họ cho đến nay", ông nói.

"Nó đánh dấu bước tiến mới đối với các tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Nếu chứng minh trong thực tế, nó có thể đạt tới mục tiêu Guam khi phóng theo quỹ đạo tiêu chuẩn", ông này khẳng định.

Yang Uk, một chuyên gia tại Hàn Quốc cho biết: "Vụ thử lần này mang ý nghĩa rằng Bình Nhưỡng đang nỗ lực hoàn tất công nghệ tên lửa của mình và họ cần phải gây thêm một số áp lực để chứng minh điều đó cho cộng đồng quốc tế".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại