Theo hãng thông tấn nhà nước KCNA, Triều Tiên đã tổ chức một cuộc duyệt binh hoành tráng trong đêm 8/2 với sự tham dự của Chủ tịch Kim Jong-un và con gái.
Hình ảnh vệ tinh từ công ty Maxar Technologies cho thấy các phương tiện quân sự và đám đông tập trung ở Quảng trường Kim Il Sung, thủ đô Bình Nhưỡng.
Trong cuộc duyệt binh, nhiều tên lửa tầm xa đã được phô diễn, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17.
Theo Reuters, số ICBM Hwasong-17 xuất hiện tại sự kiện có thể lên tới 11. Đây là tên lửa lớn nhất của Triều Tiên, được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2022.
Những tên lửa này cho thấy khả năng tấn công hạt nhân mạnh mẽ của Bình Nhưỡng, KCNA cho biết. Ngoài ra, cuộc duyệt binh cũng có sự góp mặt của các đơn vị hạt nhân chiến thuật.
Ankit Panda của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nhận định: “Đây là lần đầu tiên có nhiều bệ phóng ICBM đến vậy cùng xuất hiện tại một cuộc duyệt binh của Triều Tiên”. Nếu những ICBM này được trang bị nhiều đầu đạn, con số đó có thể đủ để uy hiếp các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có của Mỹ, ông nói thêm.
Đáng chú ý, theo một số chuyên gia phân tích, Triều Tiên cũng có thể đã phô diễn ICBM nhiên liệu rắn mới.
Joseph Dempsey, một nhà nghiên cứu quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết trên Twitter: “Theo sau cặp ICBM Hwasong-17 là 4 hệ thống ống phóng không xác định nhưng có kích thước tương tự nhau.”
Hầu hết các tên lửa đạn đạo lớn nhất của Triều Tiên đều sử dụng nhiên liệu lỏng, đòi hỏi chúng phải được nạp nhiên liệu tại bãi phóng - một quá trình tốn nhiều thời gian.
Phát triển ICBM nhiên liệu rắn từ lâu đã được coi là mục tiêu chính của Triều Tiên, vì nó có thể khiến các tên lửa hạt nhân của nước này khó bị phát hiện và bắn hạ hơn trong một cuộc xung đột.