Triều Tiên bị cấm vận, ông Kim Jong-un phải ngoại giao khôn khéo

Dương Hà |

Chuyên gia người Nga Andrei Rezchikov trên trang tin Vzglyad đã có bài phân tích về ý nghĩa đằng sau tuyên bố ngừng tất cả chương trình thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Chuyên gia Nga đánh giá Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có một bước đi ngoại giao khôn khéo trước các cuộc đàm phán quan trọng sắp tới với Hàn Quốc và Mỹ, trong bối cảnh Triều Tiên đang phải chịu hậu quả nặng nề từ các lệnh cấm vận và trừng phạt quốc tế, đồng thời hợp tác ngoại giao với các nước trên thế giới bị hạn chế nghiêm trọng.

Sau khi quyết định được đưa ra bởi Uỷ ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên vào hôm thứ 7, ngày 21/4 ngay sau đó, lãnh đạo Đảng ông Kim Jong-un đã phát đi thông báo “Triều Tiên sẽ tham gia vào quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu theo chiến lược mới của mình với mục đích xây dựng một nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa”.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo giải thích thêm, Triều Tiên vẫn sẽ giữ lại những tiềm năng hạt nhân của mình, nhưng đảm bảo sẽ từ bỏ các chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân cũng như phóng tên lửa đạn đạo giống như thời gian vừa qua.

“Tất cả các lực lượng sẽ được tập trung vào việc xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vững mạnh, nhằm nâng cao mức sống của người dân thông qua việc huy động nguồn nhân lực và vật chất của đất nước”, ông Kim nói.

Ông Rezchikov cho rằng, “quyết định lần này của CHDCND Triều Tiên hoàn toàn đáng mong đợi, đây là một phần trong chiến lược mới của Đảng Lao động Triều Tiên.

Năm năm trước Uỷ ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên cũng đã ra quyết định phát triển song song vũ khí hạt nhân và cải thiện kinh tế. Lần này họ nói rằng nhiệm vụ đã hoàn thành và hiện đang chuyển sang ưu tiên chiến lược phát triển kinh tế. Điều đó có nghĩa là họ đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và xây dựng lá chắn tên lửa.

Chuyên gia này cũng cho rằng, quyết định này mang rất nhiều ý nghĩa ngoại giao, khi mà Bình Nhưỡng muốn cho thế giới thấy thiện chí trong việc phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm hoá giải các lệnh cấm vận và trừng phạt kinh tế khắc nghiệt áp đặt lên Triều Tiên của Mỹ và EU.

Ông Rezchikov nói thêm, tuyên bố được đưa ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp diễn ra tại Bàn Môn Điếm vào ngày 27/4 tới cũng cho thấy Bình Nhưỡng có nhiều toan tính muốn đạt được. Một trong số đó là việc thúc đẩy ký kết một Hiệp ước hoà bình giữa Seul và Bình Nhưỡng, đồng thời tạo sức ép lên Seul phải giảm bớt sự hiện diện của lực lượng quân đội Mỹ trên bán đảo.

“Ông Kim Jong-un đã có một chuỗi các động thái ngoại giao cực kỳ thông minh. Lần đầu tiên ông cho thế giới thấy một chiến lược ngoại giao mềm mại có tác dụng hơn nhiều so với việc sử dụng bom nhiệt hạch hay tên lửa đạn đạo.

Từ việc cử đoàn ngoại thể thao tham dự Olympic 2018 tại Hàn Quốc, sang thăm Trung Quốc, tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Mỹ và Nga, đến tuyên bố ý định phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên là một bước tiến dài cho sự ổn định trên bán đảo”.

Chuyên gia tin tưởng rằng, tất cả những động thái này là phù hợp và cần thiết để Triều Tiên xây dựng bàn đạp phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại