Triều Tiên bắt tận tay tàu gián điệp, Mỹ bẽ bàng nhận lỗi, suýt nổ ra chiến tranh hạt nhân

Hồng Anh |

Vụ việc tàu gián điệp USS Pueblo của Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ được coi là sự cố đáng xấu hổ nhất trong lịch sử quốc phòng Mỹ.

"Vậy là hết, họ đang đưa chúng ta tới chỗ hành quyết," Stu Russell thầm nghĩ khi bị binh lính Triều Tiên áp giải trong khu rừng tuyết giữa đêm.

Russel là một trong 83 thủy thủ Mỹ bị binh lính Triều Tiên bắt giữ, sau khi Bình Nhưỡng bắt giữ tàu gián điệp tuần dương USS Pueblo của Mỹ trên vùng biển quốc tế ngày 23/1/1968. Trong suốt nhiều tuần lễ, họ bị giam giữ trong một căn nhà ở khu vực neo người, mà họ gọi là "Kho thóc". Căn nhà này không chỉ có nhiều chuột bọ, mà còn không có nguồn nước sinh hoạt.

Cũng như tình hình hiện tại, năm 1968 cũng là thời kì căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Chiến tranh Triều Tiên vừa mới chấm dứt năm 1953 và kể từ đó đến năm 1968, những cuộc đụng độ đẫm máu giữa 2 nước vẫn thường xuyên xảy ra.

Đoàn thủy thủ Mỹ đã rất sợ hãi khi bị binh lính Triều Tiên bắt giữ. Trong một cuộc thẩm vấn, sau khi thủy thủ Donald McClarren từ chối kí lời khai, người lính canh Triều Tiên đã rút súng, chĩa vào đầu McClarren, rồi bóp cò. Khẩu súng không có đạn, nhưng cũng đủ làm McClarren ngất đi vì sợ hãi.

Triều Tiên bắt tận tay tàu gián điệp, Mỹ bẽ bàng nhận lỗi, suýt nổ ra chiến tranh hạt nhân - Ảnh 1.

Tàu USS Pueblo trước khi bị Triều Tiên bắt giữ. Ảnh: CNN.c

Bắt giữ

Ngay từ đầu, đó đã là một nhiệm vụ chẳng lành đối với tàu Pueblo.

Sau khi rời cảng Sasebo của Nhật Bản ngày 11/1/1968, thủy thủ đoàn Pueblo đã gặp trục trặc thiết bị trong điều kiện thời tiết giá lạnh và biển động.

Tàu Pueblo có nhiệm vụ nghe ngóng và thu thập các thông tin liên lạc của Triều Tiên và đặc biệt cần chú ý không vượt qua biên giới biển dài 19km của Triều Tiên.

Mọi việc diễn ra thuận lợi cho đến ngày 22/1, khi 2 tàu đánh cá của Bắc Triều Tiên áp sát và tuần tra xung quanh tàu Pueblo. Những người được cho là ngư dân quan sát họ bằng ống nhòm và ống kính máy ảnh.

Russel, đầu bếp của tàu, đã bước ra ngoài để quan sát những thuyền viên Triều Tiên. Anh ta nghĩ chuyện đó thật thú vị, nhưng một thủy thủ cấp cao chỉ nở nụ cười và nói "hãy đợi đến ngày mai".

Khi Russel vào trong chuẩn bị bữa tối, thì đoàn thuyền viên Triều Tiên đã trở lại cùng lực lượng binh lính.

Một chiếc tàu săn ngầm được trang bị vũ khí hạng nặng đã tuần hành xung quanh tàu Pueblo và vẫy cờ hiệu: "hãy nhô lên khỏi mặt nước, bằng không chúng tôi sẽ khai hỏa".

Đáp lại yêu cầu này, thủy thủ tàu Pueblo nói rằng họ đang nằm trong hải phận quốc tế, sau đó gửi thông báo khẩn cấp tới bộ tư lệnh hải quân tại càng Kamiseya của Nhật Bản để cảnh báo về khủng hoảng có thể sẽ nổ ra tại vùng biển này.

Theo CNN, bốn chiếc thuyền ngư lôi nhỏ hơn sau đó đã gia nhập chiếc tàu săn ngầm và bao vây Pueblo, cùng 2 máy bay chiến đấu MiG áp sát từ trên không. 

Thuyền trưởng Bucher đã lệnh cho người lái tàu phóng hết tốc lực ra ngoài biển khi một chiếc tàu của Triều Tiên áp sát và giương vũ khí đe dọa.

Sau đó, tất cả bốn chiếc tàu ngư lôi đã dùng súng máy tấn công, còn chiếc tàu săn ngầm nã đạn chống tăng 57mm vào cột buồm trước tàu Pueblo, khiến ăng ten bị gãy.

"Chúng tôi cần giúp đỡ", liên lạc viên Don Bailey gửi tín hiệu cầu cứu về Kamiseya. "Chúng tôi đang tiến hành phá hủy khẩn cấp tài liệu. Hãy điều lực lượng hỗ trợ đến chỗ chúng tôi."

Các cabin phía trên cao của Pueblo bắt đầu bắt lửa và bốc khói nghi ngút, trong khi thủy thủ đoàn khẩn trương đốt các tài liệu mật trên tàu và phá hủy các thiết bị bằng búa và rìu.

Bucher đã ra lệnh cho lái tàu đuổi theo tàu săn ngầm của Triều Tiên, nhưng do vẫn còn nhiều tài liệu mật cần thiêu hủy, ông đã quyết định dừng lại để thủy thủ đoàn có thêm thời gian. Tàu Triều Tiên liền chớp thời cơ nã hai loạt đạn vào khoang trên của Pueblo, khiến hai thủy thủ bị thương nghiêm trọng.

Bucher bước vào phòng họp và gửi thông báo đến Kamiseya: "Đã được yêu cầu đi theo Wonsan, có ba thủy thủ bị thương và một người trọng thương, chưa sử dụng vũ khí."

Triều Tiên bắt tận tay tàu gián điệp, Mỹ bẽ bàng nhận lỗi, suýt nổ ra chiến tranh hạt nhân - Ảnh 2.

Thủy thủ đoàn Pueblo bị áp giải. Ảnh: CNN

Trường hợp khẩn cấp

Thủy thủ đoàn đã bị trói và bịt mắt suốt quãng đường tàu Pueblo bị kéo về Wonsan. Washington khi đó đã hoàn toàn rơi vào khủng hoảng. Mọi người không thể hiểu tại sao Mỹ hầu như không phản ứng khi họ biết tin ràu Pueblo bị tấn công.

Theo điều tra của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, "Hải quân Mỹ không điều chiến đấu cơ từ tàu sân bay USS Enterprise đến trợ giúp". USS Enterprise là một tàu sân bay nằm cách tàu Pueblo khoảng 1 giờ bay. Mỹ cũng không hề điều động máy bay phản lực "từ một trong các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản".

Lực lượng chiến đấu cơ được Mỹ điều động là từ căn cứ đặt tại thành phố Okinawa, cách tàu Pueblo hơn 1.400 km. Do lực lượng này phải dừng giữa chặng tại Hàn Quốc vì thiếu nhiên liệu nên không kịp ứng cứu tàu Pueblo.

Tổng thống Mỹ bấy giờ là Lyndon Johnson và các cố vấn đã khuyên Hàn Quốc chờ đợi, và nhất định không được tiến hành các động thái gây nguy hiểm đến thủy thủ đoàn.

Đây là một yêu cầu đặc biệt, bởi trước khi sự cố này xảy ra, những sát thủ Triều Tiên đã tiếp cận Nhà Xanh của Hàn Quốc. Hai nước vẫn đang tiếp tục giao tranh, và khi tàu Pueblo bị bắt, phía Hàn Quốc đang tập trung săn lùng đội ám sát Triều Tiên.

Ngay cả khi Washington kêu gọi Seoul thận trọng, quân đội Mỹ vẫn được yêu cầu phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với những động thái của Triều Tiên. 12 giải pháp quân sự khác nhau đã được đề xuất, bao gồm phái hạm đội tàu chiến đến vị trí tàu Pueblo bị bắt giữ để đánh trả, đánh bom các căn cứ và sân bay của Triều Tiên, và thả mìn sát thương vào các cảng quan trọng của Triều Tiên.

Đây được cho là sự kiện có nguy cơ lớn nhất dẫn đến cuộc chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai bởi khi đó, Mỹ đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để chiến đấu, và thậm chí có thể kéo theo cả Liên Xô và Trung Quốc tham gia cuộc chiến.

May mắn thay, cuối cùng, tổng thống Johnson đã bác bỏ tất cả các giải pháp quân sự được đề xuất, thay vào đó ông lựa chọn "phô trương sức mạnh": điều động hàng trăm chiến đấu cơ của Hoa Kỳ và một hạm đội tàu chiến gồm 25 tàu chiến, bao gồm ba tàu sân bay, tới Hàn Quốc.

Các mốc thời gian

• 11/1/1968: tàu Pueblo rời cảng Sasebo, Nhật Bản.

• 22/1/1968: Hai tàu đánh cá Bắc Triều Tiên tuần tra quanh tàu Pueblo.

• 23/1/1968: tàu Pueblo bị Triều tiên tấn công và bắt giữ.

• 26/1/1968: Tổng thống Johnson kêu gọi Triều Tiên.

• 2/2/1968: Các nhà đàm phán Mỹ và Triều Tiên họp tại Bàn Môn Điếm.

• 4/9/1968: Mỹ cảnh báo cuộc đàm phán tại Bàn Môn Điếm "rơi vào bế tắc".

• 12/9/1968: Triều Tiên tiến hành cuộc họp báo với thủy thủ đoàn Pueblo.

• 23/12/1968: Mỹ kí kết thỏa thuận xin lỗi của Triều Tiên; thủy thủ đoàn Pueblo được thả tại Bàn Môn Điếm.

• 24/12/ 1968: Thủy thủ đoàn Pueblo trở về Mỹ.

Nguồn: NSA, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại học George Washington

Triều Tiên bắt tận tay tàu gián điệp, Mỹ bẽ bàng nhận lỗi, suýt nổ ra chiến tranh hạt nhân - Ảnh 4.

Vị trí tàu Pueblo bị bắt giữ. Ảnh: CNN.

Con tin

Sau khi đến Wonsan, thủy thủ đoàn Pueblo bị chia thành 2 nhóm. Họ vẫn bị bịt mắt khi được đưa vào xe và đưa đến ga xe lửa, nơi đông đảo người dân Triều Tiên tụ tập cùng các khẩu hiệu chống Mỹ, và có những hành động thể hiện lòng căm hận đối với đoàn thủy thủ Mỹ. Sau gần 10 tiếng đồng hồ trên tàu hỏa, thủy thủ đoàn đã đến thủ đô Bình Nhưỡng, và được đưa đến "Kho thóc".

Người Triều Tiên không có ý định kết liễu con tin của họ: việc bắt giữ Pueblo đã là một chiến thắng trên mặt trận tuyên truyền của Bình Nhưỡng, và họ sẽ càng có lợi nếu Mỹ chịu "xuống nước" nhận lỗi. Thủy thủ đoàn đã được chuyển đến "Kho thóc", một nơi an toàn hơn, và được phía Triều hứa hẹn sẽ được trả tự do nếu Mỹ chịu xin lỗi.

Thủy thủ đoàn nghĩ điều này là bất khả, tuy nhiên họ không thể ngờ chính phủ Mỹ sẽ "xuống nước" trước Triều Tiên.

Triều Tiên bắt tận tay tàu gián điệp, Mỹ bẽ bàng nhận lỗi, suýt nổ ra chiến tranh hạt nhân - Ảnh 5.

Thủy thủ đoàn Pueblo. Ảnh: CNN.

Đàm phán

Vụ bắt giữ tàu Pueblo là một trong những sự cố đáng xấu hổ nhất trong lịch sử quốc phòng Mỹ, kể từ sau cuộc nội chiến năm 1915, CNN bình luận.

Vụ việc đã khiến xích mích trong khu vực và căng thẳng Mỹ - Triều leo thang gần đến đỉnh điểm. Những căng thẳng này chỉ được giải quyết sau nhiều tháng đàm phán ngoại giao cẩn trọng giữa Mỹ và Triều Tiên tại khu vực phi quân sự (DMZ) Bàn Môn Điếm, ngôi "làng đình chiến" nằm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Các cuộc thương lượng bắt đầu từ ngày 2/2/1968. Phía Triều Tiên yêu cầu Mỹ nhận lỗi, nhưng Mỹ khẳng định rằng tàu Pueblo nằm trong vùng biển quốc tế và không làm gì trái phép.

Các cuộc đàm phán giữa hai nước kéo dài từ nhiều tuần đến nhiều tháng, trong khi thủy thủ đoàn tàu Pueblo bị tra tấn, và dư luận Washington và Seoul đều gây sức ép, kêu gọi hai chính phủ động binh. Căng thẳng leo thang đến đỉnh điểm khi Đô đốc Ulysses Sharp, chỉ huy trưởng của tất cả các lực lượng quân đội của Mỹ tại Thái Bình Dương, phải soạn thảo kế hoạch phòng thủ tối mật để Hàn Quốc chuẩn bị chống lại cuộc đối đầu thứ hai của Triều Tiên.

Trong kịch bản có tên gọi là "Freedom Drop" (thả tự do), chiến đấu cơ Mỹ hoặc các lực lượng mặt đất sẽ tấn công quân đội hạm đội xe tăng Triều Tiên bằng đạn hạt nhân trong khi tên lửa hạt nhân có sức công phá lên đến 70 kiloton, gấp ba lần so với bom nguyên tử từng tấn công Nagasaki, sẽ nhằm vào các mục tiêu quan trọng tại Triều Tiên.

Một báo cáo của CIA vào khoảng thời gian này kết luận rằng, trong khi hoạt động du kích và hoạt động xuyên biên giới của Triều Tiên đã gia tăng đáng kể và vẫn tiếp tục leo thang, Bình Nhưỡng không có ý định xâm lược hoặc có gây chiến tranh toàn diện tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, CIA cảnh báo Tổng thống Hàn Quốc đang ngày càng trở nên thất vọng với Bình Nhưỡng và Washington, và có nguy cơ rằng Hàn Quốc, chứ không phải Mỹ, đang toan tính một cuộc trả đũa trên diện rộng.

Sự bất định của Hàn Quốc trong quá trình này thể hiện vào tháng 6/1968, khi lực lượng Triều Tiên tấn công và đánh chìm một tàu tuần tra gián điệp của Hàn Quốc. Nhiệm vụ gián điệp của Hàn Quốc đã được tiến hành mà không có sự đồng ý của tướng quân Charles Bonesteel, chỉ huy trưởng lực lượng Liên Hợp Quốc tại Hàn Quốc, là người phụ trách hải quân của Mỹ. Bonesteel đã cảnh báo nhiệm vụ gián điệp bất thành của Hàn Quốc có thể ảnh hưởng xấu đến cho các cuộc đàm phán về Pueblo.

Tháng 9/1968, các cuộc đàm phán tại Bàn Môn Điếm đã lâm vào bế tắc, theo biên bản cuộc họp tại Washington.

Cuối cùng, sau cuộc họp báo của Triều Tiên cùng thủy thủ đoàn Pueblo, Mỹ đã chịu "xuống nước" và kí kết bản thỏa hiệp, thừa nhận tàu Pueblo đã tiến hành hoạt động gián điệp tại vùng biển của Triều Tiên, đồng thời phải chính thức xin lỗi Bình Nhưỡng.

Vào ngày 23 tháng 12 năm 1968, lúc 9 giờ sáng theo giờ Seoul, thiếu tướng Pak Chung Kuk (Triều Tiên) và thiếu tướng Gilbert Woodward (Mỹ) đã gặp mặt lần cuối để kí kết thỏa thuận với Triều Tiên.

Triều Tiên bắt tận tay tàu gián điệp, Mỹ bẽ bàng nhận lỗi, suýt nổ ra chiến tranh hạt nhân - Ảnh 6.

Thủy thủ tàu Pueblo trở về Mỹ. Ảnh: CNN.

Lúc 11 giờ 30 phút theo giờ địa phương, thủy thủ tàu Pueblo đã được thả tự do, vượt cây cầu "Không Trở lại" sang Hàn Quốc, sau 11 tháng bị quân đội Triều Tiên bắt giữ.

Tuy nhiên, Triều Tiên không trao trả tàu USS Pueblo cho Mỹ. Đây vẫn là một tàu chiến chính thức của Hải quân Mỹ, và là một trong những tàu chiến lâu đời nhất trong hạm đội tàu của Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng Triều Tiên đã nghiên cứu được nhiều bí mật của quân đội Mỹ từ con tàu này. Từ năm 2013, "chiến lợi phẩm này" đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch tại bảo tàng tuyên truyền ở Bình Nhưỡng.

Chiến tranh

Nhiều báo cáo của Mỹ cho rằng sự cố tàu Pueblo đã khiến khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên trở nên trầm trọng hơn.

Trong 13 tháng trước khi xảy ra sự cố Pueblo, đã có 610 vụ vi phạm hiệp định đình chiến của quân đội Triều Tiên. Triều Tiên cũng nhiều lần phàn nàn về "sự xâm nhập của tàu hải quân và các tàu tuần tra vũ trang" dọc theo bờ biển, và liên tục đe doạ trả đũa.

Triều Tiên bắt tận tay tàu gián điệp, Mỹ bẽ bàng nhận lỗi, suýt nổ ra chiến tranh hạt nhân - Ảnh 7.

Ngày nay, xác tàu USS Pueblo là điểm đến thu hút khách du lịch tại Triều Tiên. Ảnh: CNN

Không thể phủ nhận nguy cơ của sự cố bắt giữ tàu USS Pueblo. Nếu như sự cố tương tự xảy ra ngày nay, tình hình sẽ càng nguy hiểm hơn, bởi hiện nay Triều Tiên sở hữu một kho vũ khí hạt nhân đồ sộ.

Cuối cùng, giải pháp đàm phán hòa bình dường như là phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn chiến tranh. Và tháng này, Triều Tiên và Hàn Quốc đã mở ra triển vọng hòa bình khi nối lại liên lạc và cùng đàm phán lần đầu tiên trong vòng 2 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại