Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin phiên tòa xử vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả thiệt hại 6.000 tỉ xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 24-7 đến ngày 15-8 tới.
Đáng chú ý toà triệu tập 3 nguyên lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với tư cách người làm chứng và người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan).
Cụ thể ông Trần Bắc Hà (nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT), Đoàn Ánh Sáng (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc) và ông Trần Lục Lang (Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc) vừa bị Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương quyết định thi hành kỷ luật. Ông Hà bị khai trừ Đảng, ông Sáng bị kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng và ông Lang bị cảnh cáo.
Trước đó, theo UBKT Trung ương, các ông Hà, Sáng và Lang có sai phạm liên quan tới vụ “đại án” VNCB.
Theo UBKT Trung ương cho rằng, ông Hà đã vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án này.
Tại phiên xử vụ án này đầu năm, các cơ quan tố tụng cũng đã triệu tập ông Hà đến phiên xử để điều tra làm rõ tại toà.
Nhưng lấy lý do sức khỏe đang bệnh ung thư đi chữa bệnh ở nước ngoài trước 1 ngày mở phiên xử nên ông Hà đã không có mặt. Ông Sáng có đến toà, còn ông Lang thì mời luật sư trễ nên không được toà chấp nhận.
Ông Phạm Công Danh tại phiên xử đầu năm 2018
Theo hồ sơ điều tra bổ sung sau khi toà đã trả hồ sơ cho CQĐT và VKS tối cao làm rõ một số vấn đề, về ông Hà cơ quan tố tụng giữ nội dung cho rằng ông đã có hành vi ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban Quản lý rủi ro, trên cơ sở các thành viên ban này đồng ý về chủ trương cho 12 công ty của ông Danh vay mua vật liệu xây dựng theo mô hình bốn nhà (số tiền tối đa 4.700 tỉ đồng/12 công ty). Sau đó ủy quyền cho bốn chi nhánh Gia Định, Bến Thành, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn thực hiện việc cho vay và thu nợ.
Ngoài ra ông Hà và các thành viên Phân ban Quản lý rủi ro BIDV đã đồng ý chủ trương nhưng không cho ông Danh vay và không biết 12 công ty này do ông Danh thành lập. BIDV đã thanh lý các hợp đồng nói trên và thu hồi vốn, lãi 4.700 tỉ đồng.
Ông Danh sử dụng tiền vay của BIDV vào mục đích riêng, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỉ đồng. Qua điều tra, chưa thấy tài liệu, chứng cứ, lời khai nào thể hiện ông Hà và các thành viên hưởng lợi từ việc cho 12 công ty của ông Danh vay....