Cụ bà Phạm Thị Thu, 81 tuổi, giờ đến tuổi nhớ nhớ quên quên, nhưng với bà, có những ký ức luôn còn ở đó, nhất là ký ức về gánh hoa gói lá đã gắn với bà từ thuở ấu thơ. Bà nhớ như in khi còn là cô bé làng hoa Ngọc Hà 13 tuổi, váy áo vá chằng vá đụp đội thúng hoa gói lá trên đầu đi bán dạo.
Bà cũng nhớ bà cùng 2 cô gái làng Ngọc Hà nữa một dạo ngồi ngay cạnh cột đèn cạnh chợ Đồng Xuân, cả 3 chuyên bán hoa gói lá để cúng và bán rất tấp nập.
Thời gian trôi qua như một cái chớp mắt, bà từ lâu đã dịch xuống ngồi cố định ở 21 Hàng Khoai, còn những cô gái cùng bà bán hoa năm ấy và nhiều khách hàng thân thuộc đã về với thiên thu, chỉ còn sót lại bà với gánh hàng hoa 70 năm tuổi vẫn “kiên nhẫn” ngồi góc phố này, giữ những gói hoa thơm cúng ông bà tổ tiên theo cách cũ.
Dù đã 81 tuổi nhưng bà Thu da dẻ vẫn hồng hào, trí nhớ vẫn minh mẫn, quần áo đầu tóc luôn gọn gàng, chăm chút. Ai gặp cũng thấy phong thái người Hà Nội xưa vẫn chẳng phai đi ở bà. Cô bé làng hoa Ngọc Hà năm ấy giờ đã thành bậc cao niên nhưng giọng vẫn trầm ấm, phong thái vẫn nhẹ nhàng, dung dị.
Bà thường xưng tôi, gọi em nghe trìu mến, nên nhiều người mua hoa thích nán lại nói chuyện với bà như để “hưởng” chút thanh lịch xưa cũ còn lại.
Cứ như bà Thu kể thì ngày xưa người ta không bày hoa cắm lọ để cúng lễ, họ chọn những loại hoa đẹp nhiều màu, có hương thơm gói trong lá, về đến nhà chỉ việc bày lên đĩa để thắp hương, gọi là hoa gói lá.
Khi mở gói hoa ra là cả trời hương thơm ngào ngạt ùa ra. Hoa lan, hoa móng rồng, trứng gà, sói trắng, sói vàng, lan ta, mẫu đơn trắng, mẫu đơn vàng và đỏ, hoa trà mi, hoa ngâu, hoa lý… vừa đẹp, vừa rực rỡ, vừa thơm với các mùi đặc trưng dễ nhận ra. Bà bảo hoa lý (hoa thiên lý) có mùi dịu mát, ngày xưa vốn rất được ưa chuộng nhưng giờ biến tấu thành hoa nấu canh rồi.
Ngày xưa hoa được gói trong lá, thường là lá chuối nhưng khi hết lá chuối thì dùng lá bàng, lá dong, lá sen… 2 chiếc lá chắp vào nhau để gói. Mỗi ngày bà bán 300 - 400 gói như thế. Hoa được lấy từ nhiều vùng như Sơn Tây, Ba La, Sóc Sơn… họ mang đến giao tận nơi.
Người bán hoa cúng chỉ bán đến 1 - 2 giờ chiều là hết hoa, người ta cũng thường chỉ mua hoa buổi sáng để hoa tươi nhất, chứ không bán lai rai đến 6 giờ chiều như bây giờ.
Dù vẫn bán đều đặn nhưng giờ đây bà Thu chỉ bán chỉ túc tắc, ngày kiếm chút tiền, bán hoa nhận lãi bằng niềm vui là chính. Chẳng hạn như người đi xa bao nhiêu năm vẫn quay lại tìm bà: "Đi đâu cũng chỉ nhớ gói hoa thơm nên em về cái là phải đi tìm bà ngay. Cho em mấy gói hoa thơm để thắp hương các cụ nào".
Nhìn người ta đón hoa từ tay mà hít hà xuýt xoa, bà cũng ấm sực cả lòng, lãi nào cho bằng những người nhớ hoa thơm cúng lễ như thuở nào.
Bà tiết lộ, thời trẻ người ta giới thiệu bà làm đến cả Bộ ngoại giao nhưng chỉ được ít tháng là bà lại nhớ hoa, nhớ nghề, bỏ cả công việc ổn định để sấp ngửa với gánh hàng hoa thơm.
Đến bây giờ 81 tuổi, tay đã chậm nên không gói lá được, nhưng bà cũng không bán các loại hoa khác, chỉ trung thành với hoa thơm để cúng chỉ vì bà nghĩ: “Các cụ mất rồi, gà xôi cũng đâu có ăn được, chỉ có ăn hương ăn hoa thì đĩa thơm, nén hương, bát nước là những thứ cúng lễ thiết thực nhất”.
Con bà bảo bà nghỉ bán hàng thôi nhưng bà nóng ruột vẫn không thể ngày nào vắng mặt. Có lẽ hương sắc dịu dàng của những loại hoa dân dã còn quyến rũ hơn bất cứ thứ nước hoa đắt tiền nào, chưa kể đó là tấm chân tình và cả tâm linh với những người đã khuất khiến bà không thể rời gánh hàng hoa bé xíu của mình.
Nhiều báo đã viết về gánh hàng hoa còn sót lại trên đất Kinh Kỳ nhưng không mấy ai biết thực sự cuộc đời cụ bà 81 tuổi có gần 70 năm ngồi nhìn góc chợ nổi tiếng có cuộc sống riêng tư như thế nào.
Bà có hạnh phúc không? Chồng con bà ra sao? Bà đã nghĩ gì khi ¾ thế kỷ trôi qua trong cuộc đời mình là ở góc chợ Đồng Xuân, ở nơi mà người ta vẫn nói rằng, muốn biết cuộc sống diễn ra như thế nào hãy đến chợ?
Bà Thu lấy chồng năm 23 tuổi, bà lấy một công tử nhà nề nếp, đẹp trai, rồi sinh được 5 người con (3 gái, 2 trai). Đến giờ này khi đã quá tuổi thất thập cổ lai hy, gần đất xa trời, bà có thể khẳng định cuộc đời mình trong 1 chữ… “sướng”.
Cái sướng của mỗi người được định nghĩa khác nhau. Nhưng với bà thì phụ nữ sung sướng là có một cuộc sống ổn định, ít lo nghĩ và con cái trưởng thành, cuộc sống ổn thỏa.
Chân dung bà Thu khi còn trẻ - Ảnh: NVCC
Đến giờ nhìn lại bà không có chút nào hối tiếc. 5 đứa con, 13 đứa cháu, 7 đứa chắt, mỗi gia đình riêng trong góc nhà chung của bà đều ổn thỏa như cuộc sống của chính bà trước đó bà nói là nhờ nề nếp gia phong bấy nhiêu đời.
Nhà bà ít khi cha mẹ phải dạy “con ơi con phải sống thế này thế kia” nhưng vì nhà vẫn giữ cái nóc tốt nên chẳng bị dột, tất cả đều đâu vào đấy một cách tự nhiên. Bà bảo: “Kệ xã hội ngoài kia có ô hợp bao nhiêu, nhưng góc nhà mình còn ổn là mình còn ổn”.
Chồng bà chẳng biết giúp đỡ vợ con gì nhiều, một tay bà nuôi 5 người con, lo lắng cả về kinh tế, cơm nước, giỗ chạp, đối nội, đối ngoại... đâu vào đấy.
Bà kể: “Lương ông ấy ông tiêu, còn tôi lo trang trải cuộc sống trong nhà, nhưng chưa hề cãi nhau nửa lời. Ông ấy là người tốt, đạo đức nên tôi nể. Về kinh tế, tay tôi thu xếp được là tôi lo mà không càm ràm câu nào”. Có lẽ bà thuộc diện chiều chồng, hoặc thời xưa mọi phụ nữ hầu như đều thế.
Những ngày tháng trang trải kinh tế, bà nói gánh hàng hoa tuy không mang lại cho bà sự giàu có cũng đủ giúp bà nuôi sống cả gia đình. Phụ nữ tự chủ về kinh tế mang lại cuộc sống ấm êm cho gia đình là có thật.
Bà cười bảo: “Không cần ngày xưa đâu, đến ngay cả bây giờ cũng thế. Khi là mẹ, là bà, là cụ nhưng vẫn có kinh tế riêng thì các con cháu thực sự cũng nể hơn”. Hóa ra phụ nữ ngày nay giờ mới kêu gọi tự chủ, độc lập về kinh tế, còn bà từ gần 70 năm trước đã tự ngấm vào thân tư tưởng này.
Không nói đúng hay sai vì cuộc sống mỗi thời một khác.
Phụ nữ ngày nay luôn đòi bình đẳng, công bằng, còn bà vẫn là tần tảo, chịu thương chịu khó, nhưng với bà cách nào thì cách, nhà cửa ấm êm, con cái lớn lên nhìn cha mẹ không xung đột, sống thuận hòa, con cháu sau này có “mái nhà mẫu” để học tập thế là tốt rồi.
Dù tự chủ kinh tế nhưng bà không bao giờ phải than vãn sao mình khổ thế, rồi hờn trách gì chồng mình, chỉ cần trời thương cho sức khỏe để bà kiếm tiền nuôi con là vui rồi. Ấy là vì bà biết đủ, suy nghĩ đơn giản, mưu cầu vừa phải.
Ham muốn của con người thường cứ muốn nhiều hơn, nhiều hơn nữa, còn bà thì đủ ăn, đủ mặc, ít nghĩ thế là sướng. Dù chồng bà chẳng gánh được cùng bà nhiều về kinh tế nhưng bà luôn tự hào: “Ông ấy là người có tư cách, có đạo đức chuẩn mực nên tôi rất tôn trọng. Cái gương của ông cũng là gương tốt để cho các con tôi soi vào mà sống được tử tế như ngày hôm nay”.
Dù giờ bà đã 81 tuổi, nhưng nhìn bà lúc nào phong thái cũng nhẹ nhàng kiểu gái Hà Nội xưa. Tóc vấn cao gọn ghẽ, bộ quần áo lụa phẳng phiu, móng tay cũng được chăm chút kỹ càng… nhưng bà không gọi thế là điệu.
Bà nói: "Dù thế nào ra ngoài đường cũng phải gọn gàng, sạch sẽ, không cần quá sang trọng nhưng nhất quyết không để ai có thể khinh mình. Phụ nữ chăm chút bản thân một chút là cần thiết".
Như cách bà nói, dù đầu tắt mặt tối góc chợ mỗi ngày nhưng bà cũng chẳng bao giờ quên chăm sóc bản thân hay úi xùi “thôi đi chợ búa đẹp cho ai ngắm”, bà vẫn biết sửa soạn để cho mình tươm tất nhất có thể, bởi lúc mới gặp người ta chưa biết được mình tốt hay xấu, nhưng ít nhất phải có một hình thức đủ ổn để người ta có thiện cảm.
70 năm trước bà đã biết chăm chút bản thân mình như thế mà bây giờ sau gần 1 thế kỷ, phụ nữ vẫn còn phải kêu gọi: “Phải biết yêu thương chính bản thân mình”.
Ngồi với gánh hàng hoa 70 năm ở một nơi nhiều xô bồ, ở góc chợ sầm uất, bà chứng kiến bao nhiêu mảnh đời đi qua cuộc đời mình và thân thiện với tất cả mọi người. Ngồi trò chuyện với bà, chốc lại có cô bán đồ lót vào gửi gánh hàng: “Bà cho con gửi gánh hàng con đi ăn”, chốc lại có cô bán bánh: “Bà mua mở hàng cho con lấy vía”... Bà nhận hết!
“Ừ, cứ để hàng gửi đấy; “Ừ mua 3 chiếc bánh”, dù chẳng ăn được bơ đường nhưng “mua ủng hộ rồi mang về làm quà cho chắt”. Bà chép miệng: “Cái cô bán xu chiêng đó, không chồng, nuôi 2 đứa con cũng vất vả lắm. Còn cô bán bánh thì ốm đau, bệnh tật. Mình có cuộc sống ổn hơn nên giúp được ai cái gì thì giúp thôi”.
Bà bảo dù bà có kiểu là dân chợ búa nhưng vì bà bán thứ hoa hiền lành này nên hầu như không có va chạm. Buôn bán cũng gặp người này người kia tai quái nhưng bà cũng mặc kệ, tuy nhiên bà vẫn giữ thái độ để không ai có thể bắt nạt được mình.
“Phụ nữ cứ kiên trì sống với bản chất cốt cách của mình, vui vẻ, quan hệ với mọi người tốt thì mọi thứ cũng dễ thở, bản thân mình cũng không có gì phải áy náy”, bà Thu nở nụ cười hiền.
“81 tuổi tôi vẫn ngồi đây, trong khi nhiều người thân quen cứ lần lượt vắng dần. Cuộc sống vô thường, ông giời gọi đến lúc nào thì đi lúc đó thôi. Nhưng còn gánh hàng hoa này vẫn chưa có người nối truyền. Các con gái, con dâu cứ bảo: “Mẹ bán được đến lúc nào thì bán”, nhưng vẫn chưa ai nhận vì túc tắc chỉ kiếm được chút ít.
Bán hoa nhưng không chỉ là hoa, mà còn là cả văn hóa. Rồi sẽ chẳng ai nhớ những đĩa hoa thơm cúng giỗ, nếu có nhớ cũng không biết đi đâu kiếm được chút hoa nhài, hoa lan bày lên đĩa. "Cả đời tôi nghĩ lại là sướng mà giờ lại thấy có chút buồn”, bà Thu tâm sự như thế nghe mà cũng ngậm ngùi.
Nghĩ đến thôi cũng đã thấy chạnh lòng, còn bà cụ tóc bạc, da hồng, đôi mắt tinh nhanh ngồi góc phố đó với gánh hoa thơm, ối người vẫn như thấy một Hà Nội xưa mà cảm thấy chút an yên trong lòng.
Nhưng nếu một ngày, bỗng dưng bóng dáng ấy chẳng còn xuất hiện, rồi thì mọi thứ cũng đi vào quá vãng nhưng với ai thương nhớ Hà Nội xưa, thương nhớ những lễ nghi, nét đẹp văn hóa lâu đời chắc sẽ chạnh lòng.
Nhưng mà thôi, khi còn bóng cụ ở đó hãy cứ yên tâm rằng dù cuộc đời có biến thiên, dù thế giới có trôi về đâu, dù Hà Nội có đổi khác thì không chỉ vẫn còn những ngôi nhà cổ, mà còn có cả những con người mang hồn Hà Nội xưa cũ như một di tích sống, “ôm trọn” trong mình những kho văn hóa chưa từng sách nào viết, những kí ức ở sâu trong mỗi con người.