Cuộc gặp tình cờ giữa vị khách phương xa và bà cụ lái đò
Mùa hè năm 2011 tại Hội An, Réhahn Croquevielle, nhiếp ảnh gia người Pháp, gặp bà Bùi Thị Xong, một phụ nữ 74 tuổi ở Hội An. Hình ảnh của bà Xong sau đó xuất hiện trên trang bìa cuốn sách thành công đầu tiên của Réhahn có tên "Việt Nam - Những mảnh ghép tương phản" (Vietnam, Mosaic of contrasts) và là khởi nguồn của dự án nổi tiếng "Nụ cười ẩn dấu" (Hidden Smile).
Vào thời điểm đó, Réhahn là một du khách có niềm đam mê với Việt Nam. Anh gặp cụ bà đáng mến này khi đang đi dọc bờ sông. Theo bản năng, nhiếp ảnh gia bị cuốn hút và rồi ngồi lên chiếc thuyền của cụ bà ấy.
"Khi đó bà mới 73 tuổi", Réhahn kể lại. "Tôi thấy rất nhiều người phụ nữ cả già lẫn trẻ trên phố Bạch Đằng (Hội An) đang mời du khách lên thuyền. Và lúc đó, tôi đã vô tình nhìn thấy một người phụ nữ với gương mặt bừng sáng đặc biệt với đôi mắt rất đẹp và dễ mến".
Bà Xong được Réhahn gọi một cách trìu mến là bà lái thuyền. Công việc hàng ngày của bà là chở khách du lịch trên sông Thu Bồn. Bà Xong rất nhiệt tình và thân thiện nên anh đã xin chụp một tấm chân dung của bà.
Người phụ nữ có vẻ ngại ngùng, bà khá gượng ép khi chụp hình. Thế nhưng sau khi nhìn thấy bức ảnh của chính mình, bà bắt đầu cười khúc khích, lấy một tay che miệng. Chính hành động này đã truyền cảm hứng cho Réhahn lấy máy chụp một tấm ảnh khác. Tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc bà che miệng bằng một tay và tay kia che trán.
Cả Réhahn và bà Xong đều không ngờ nó trở thành một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất ở Việt Nam và cả trên thế giới.
Réhahn đặt tên bức ảnh huyền thoại là "Nụ cười ẩn giấu'
"Khi cười, bà lấy tay che miệng vì thấy xấu hổ với chiếc răng cửa," Réhahn nói. "Khi ấy tôi thấy bà giống như một đứa trẻ".
Hóa ra việc che miệng khi cười lại là một hành động phổ biến của những người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là những người lớn tuổi.
Ở Việt Nam, những người lớn tuổi thường che miệng khi họ nói, cười khúc khích hay khi họ cười thoải mái. Ngay cả khi xấu hổ, họ cũng dùng tay che miệng. Nụ cười ẩn giấu tạo điều kiện để người xem có thể quan sát kỹ hơn vào đôi mắt, bàn tay và khuôn mặt người phụ nữ. Nhìn vào đó, bạn có thể tưởng tượng nhiều điều về cuộc sống của những người phụ nữ như bà Xong.
Khi được hỏi về giá trị lớn nhất của bức ảnh, Réhahn bộc bạch:
"Bức ảnh này đại diện cho cả thế hệ phụ nữ Việt Nam. Bà ấy có thể là một người mẹ hay người phụ nữ Việt điển hình. Bà Xong khi đó 73 tuổi vẫn ngày ngày hết mình làm việc kiếm sống, nhưng bà vẫn luôn giữ nụ cười trên môi.
Tôi coi bà Xong như người bà ruột của mình, và việc trao tặng tấm hình này cho viện bảo tàng (Phụ nữ Việt Nam) là một hành động để tôn vinh những người phụ nữ trên toàn thế giới này, cũng như để kỷ niệm tình bạn đặc biệt của hai chúng tôi".
Nhiếp ảnh gia Réhahn và gia đình bà Xong.
Mơ ước của bà Xong
Réhahn quyết định mang câu chuyện của bà Xong vào trong cuốn sách đầu tiên của anh mang tên "Vietnam, Mosaic of Contrasts" (Việt Nam - Những mảnh ghép tương phản).
Anh từng hứa khi cuốn sách ảnh được xuất bản và bán được, anh sẽ tặng bà một món quà.
"Khi thấy thuyền của tôi cĩ nát, Rehahn hỏi: 'Bây giờ bà có ước nguyện gì?'. Tôi bảo không muốn gì cả, chỉ mong có chiếc thuyền mới", bà Xong nhớ lại.
Người phụ nữ luôn mơ ước có một chiếc thuyền mới để khách du lịch thích đi thuyền của bà và bà cảm thấy tự hào vì điều đó. Giữ lời hứa, nhiếp ảnh gia người Pháp tặng bà Xong một chiếc thuyền mới.
Trước khi gặp Réhahn, vợ chồng bà Xong làm nghề chở hàng thuê ra chợ bán trên chiếc thuyền cũ nát, thu nhập mỗi ngày chỉ được vài chục nghìn đồng. Vợ chồng bà Xong sinh được ba người con, hai trai, một gái.
Ông bà hiện sống cùng con cả trong căn nhà xây nhỏ ở phường Cẩm Nam, sau khi hai người con còn lại lập gia đình. Người con cả của bà Xong tuy đã lớn tuổi nhưng hay ốm đau, lại bị tật ở lưng nên nhờ cậy cả vào bố mẹ.
Tuổi đã cao nhưng ông bà vẫn ngày ngày chung nhau chiếc thuyền bươn chải trên khúc sông kiếm sống. Gia đình các con cũng khó khăn nên không giúp được gì cho bố mẹ. Khi tuổi cao, sức yếu, vợ chồng bà Xong chuyển sang chở khách du lịch tham quan phố cổ bằng thuyền.
Bức ảnh "Nụ cười ẩn giấu" sau đó xuất hiện trên báo chí và truyền hình quốc tế khiến bà Xong ngày càng được nhiều người biết tới. Khách du lịch trong cũng như ngoài nước mỗi khi tới Hội An đều tìm tới chỗ bà Xong chèo thuyền để gặp và chụp ảnh cùng. Họ không quên biếu bà chút tiền.
Từ lúc xuất hiện trong ảnh của Réhahn, bà được nhiều nơi tới quay phim, chụp ảnh.
"Họ bảo thấy tôi trên tivi, nói tôi nổi tiếng rồi này khiến tôi cũng mừng và tự hào. Tôi chưa từng nghĩ sẽ được biết đến và không ngờ lọt vào ống kính của Réhahn. Ngày trẻ, tôi chưa bao giờ được khen đẹp. Trước khi gặp Réhahn, cuộc sống của tôi cũng bình thường như bao người, đi làm về là nấu ăn cho chồng con", bà Xong chia sẻ.
Theo bà Xong, nhờ chở khách du lịch, cuộc sống gia đình bà đã đỡ cơ cực hơn trước với mức thu nhập một ngày từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng, nhưng vẫn có hôm về không. Số tiền đó bà chi tiêu tiết kiệm, nửa để dành dụm.
Không biết tiếng Anh, bà Xong được khách dạy cho vài câu bồi để nói chuyện với người nước ngoài. Bà nói sẽ chèo thuyền tới khi nào không còn sức nữa thì thôi.
Cuộc sống của bà Xong thay đổi theo hướng tích cực sau khi được nhiều người biết đến.
Hình ảnh đại diện mang tính biểu tượng của Việt Nam
Bà Xong sau này trở thành một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất ở Việt Nam, với hơn 200 bài báo được xuất bản trên toàn thế giới. Gương mặt của bà đã trở thành một hình ảnh đại diện mang tính biểu tượng của Việt Nam trên toàn thế giới.
Nụ cười của bà giờ đây xuất hiện trên hàng chục tờ báo quốc tế như National Geographic, Los Angeles Times, Daily Mail, BBC, Scotsman, The China Morning Post, Paris Match... Danh sách này vẫn còn tiếp tục kéo dài thêm nữa.
Bức ảnh chụp bà Xong cũng được trưng bày trong Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để thể hiện sức mạnh, lòng tốt và sự chăm chỉ của phụ nữ Việt Nam.
Ảnh: Rehahnphotographer.com.