Mỹ ấn định thời điểm
Theo hãng thông tấn Yonhap ngày 4/11, lực lượng phòng thủ Mỹ tuyên bố sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đến Hàn Quốc trong vòng 8 đến 10 tháng tới, nhằm ứng phó với những mối đe dọa ngày càng tăng từ tên lửa Triều Tiên.
Thông tin này được Tướng Vincent Brooks, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, đã đưa ra thông tin trên trong một cuộc phỏng vấn với Yonhap đồng thời nhấn mạnh, việc triển khai hệ thống tên lửa này nhằm để tăng cường khả năng phòng thủ trước những mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên.
Nói về quy môt của hệ thống này, ông Brooks cho biết, THAAD triển khai tại Hàn Quốc sẽ lớn hơn hệ thống phòng thủ tên lửa đã được triển khai ở đảo Guam, nằm ở Tây Thái Bình Dương.
Chính phủ Mỹ và Hàn Quốc cũng được cho là đang thảo luận về việc triển khai luân phiên các loại vũ khí chiến lược trên bán đảo Triều Tiên, nhằm để ứng phó với những hành động đầy khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Hệ thống THAAD
Trước khi Mỹ công khai thời điểm triển khai, hồi tháng 7/2016, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí triển khai hệ thống THAAD ở đất nước Đông Á này để chống lại chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, thời điểm Mỹ ấn định về sự có mặt của hệ thống THAAD đang giới chuyên gia bất ngờ bởi từ khi xảy ra vụ bê bối chính trị liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye, kế hoạch triển khai này đã không được chính phủ Hàn Quốc đả động gì đến.
Đặc biệt là theo quan điểm Thủ tướng mới được chỉ định của Hàn Quốc Kim Byong-joon, Tổng thống nước này Park Geun-hye có thể bị các công tố viên điều tra liên quan vụ bê bối chính trị hiện nay.
Phát biểu họp báo, ông Kim nói: "Quan điểm của tôi là có thể có một cuộc điều tra. Tuy nhiên, do bà Park Geun-hye là nguyên thủ quốc gia, nên tiến trình và cách thức (điều tra) cần phải thận trọng".
Phát biểu này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi bà Park Geun-hye chỉ định ông Kim Byong-joon làm thủ tướng tiếp theo - một phần trong cuộc cải tổ Nội các Hàn Quốc.
Cho tới nay, chưa có một vị tổng thống đương nhiệm nào của Hàn Quốc bị công tố viên điều tra. Tuy nhiên, một số nghị sỹ đối lập Hàn Quốc lưu ý rằng cuộc điều tra về vụ bê bối chính trị hiện nay có thể mở rộng đối với cả bà Park Geun-hye.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Kim Hyun-woong tuyên bố ông sẽ đề xuất mở một cuộc điều tra đối với bà Park Geun-hye, nếu điều này là cần thiết cho cuộc điều tra vụ bê bối xung quanh bà Choi Soon-sil, người bạn lâu năm của bà Park và đang bị cáo buộc can thiệp vào các vấn đề nhà nước.
Trung Quốc đáp trả
Cùng với kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ là việc Trung Quốc đang tang cường thử nghiệm hệ thống Korla - được coi là đòn đáp trả của Trung Quốc với THAAD.
Dẫn nguồn từ trang web TV.81.cn của báo Giải phóng quân (PLA Daily) thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cho biết, quân đội nước này đã thực hiện 4 cuộc thử nghiệm thành công liên tiếp của "hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất" (GMD) từ Tổ hợp phóng tên lửa Korla ở Tân Cương.
Hệ thống GMD của Trung Quốc được cho là có khả năng nhắm mục tiêu và tiêu diệt các tên lửa đạn đạo ngoài tầng khí quyển. Trong khi đó, tờ SCMP cho biết, việc Trung Quốc bất ngờ khoe hiệu năng của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo dường như mang theo một thông điệp chính trị.
CCTV cho biết, các thử nghiệm cho thấy hệ thống tên lửa của Trung Quốc sẵn sàng cho việc triển khai trong thực chiến, đưa Trung Quốc trở thành nước thứ hai sau Mỹ làm chủ công nghệ này.
Việc Trung Quốc công bố các video và hình ảnh cuộc thử nghiệm nói trên trong bối cảnh chỉ hai tuần sau khi Washington và Seoul đạt được cam kết triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chung (THAAD) ở Hàn Quốc với mục đích chống lại mối đe dọa đến từ Triều Tiên.
Hệ thống THAAD dự kiến sẽ được triển khai hoạt động vào cuối năm tới và Bắc Kinh trong một tuyên bố gần đây đã phản đối động thái này khi nói rằng hành động của Mỹ - Hàn có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh của Trung Quốc cũng như tình hình trên bán đảo.
Khi nói về việc hệ thống tên lửa GMD được thử nghiệm thành công cuối tuần qua, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun cho biết nước này "phát triển một cách thận trọng" công nghệ phòng thủ tên lửa là vì lợi ích quốc phòng.
Đặc biệt, Bắc Kinh đang chuẩn bị triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình. Ông Yang nói thêm rằng, một hệ thống như vậy sẽ không nhắm tới bất kỳ quốc gia cụ thể và sẽ không ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược toàn cầu.
Chỉ với những động thái này có thể thấy rằng, việc Trung Quốc công bố hình ảnh về các cuộc thử nghiệm với Korla cho thấy nó không đơn thuần chỉ là việc thử nghiệm một hệ thống vũ khí mới, mà nó được coi là động thái đáp trả việc triển khai hệ thống THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc.
Theo đánh giá trước đây của Cộng đồng tình báo Mỹ, trong những làn thử nghiệm gần đây nhất với Korla, Trung Quốc đã sử dụng tên lửa SC-19 đánh chặn mục tiêu là những tên lửa đạn đạo.
SC-19 được phóng từ tổ hợp Korla ở miền Tây Trung Quốc trong khi tên lửa đạn đạo tầm trung CSS-X-11 phóng từ Trung tâm tên lửa và vũ trụ Shuangchengzi (cách bãi bắn Korla khoảng 1.100 km).
Đánh giá của tổ chức Global Security cho rằng tên lửa SC-19 đóng vai trò "thuốc phóng" chính trong các thử nghiệm công nghệ vũ khí chống tên lửa mới của Trung Quốc. Ngay từ năm 2007, Trung Quốc từng bắn hạ một vệ tinh thời tiết của chính nước này.
Vụ thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc được tiến hành vài ngày sau khi chính quyền nước này yêu cầu 12 sân bay lớn trên toàn quốc cắt giảm 1/4 các chuyến bay vào giữa tháng 8. Lý do được đưa ra để phục vụ cuộc tập trận tần suất cao của quân đội ở tất cả các quân khu của quân đội Trung Quốc.