Ngày 10.9, trao đổi với PV, Nhà giáo ưu tú Trần Chút cho rằng, ông còn rất băn khoăn về phương diện pháp lý của việc triển khai tài liệu Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục (CNGD) trong nhà trường phổ thông.
Theo ông Trần Chút, việc triển khai rộng rãi tài liệu Tiếng Việt 1-CNGD (song song với sách giáo khoa hiện hành) là vi phạm Nghị quyết 40 năm 2000 của Quốc hội (Nghị quyết về Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông).
Quốc hội xác định chỉ có một chương trình và một sách giáo khoa. Vậy mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho sử dụng thêm một tài liệu tương tự sách giáo khoa thứ hai.
Sách thứ hai này được dùng cho khoảng 800.000 học sinh, mà lại dùng trong một thời gian dài (8 năm), không qua thẩm định (năm 2017 mới được thẩm định).
Đến nay, tài liệu Tiếng Việt 1-CNGD của ông Hồ Ngọc Đại vẫn ghi là “Tài liệu thí điểm”. Tuy nhiên, thực tế đã triển khai rộng rãi trên phạm vi 49 tỉnh thành.
Phương pháp dạy học của sách Tiếng Việt 1-CNGD cũng không đúng với tinh thần Luật Giáo dục.
Theo tác giả sách Tiếng Việt 1 - CNGD, chỉ có giáo viên mới dạy được cho học sinh theo sách ấy, phụ huynh học sinh hay bất kỳ ai khác dù có học vấn ra sao cũng không thể dạy được.
Như vậy là tách rời giáo dục nhà trường với giao dục gia đình và giáo dục xã hội, trái với tinh thần của Luật Giáo dục hiện hành.
“Tôi tha thiết đề nghị ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết quan điểm của ông về ý kiến của tôi”, nhà giáo ưu tú Trần Chút nói.
Về tên tài liệu là “Công nghệ giáo dục”, ông Trần Chút cũng không đồng tình. Theo nhà giáo này, giáo dục không thể là một công nghệ. Công nghệ tạo hàng loạt sản phẩm như nhau, còn giáo dục là đào tạo con người.
Mặt khác, theo ông Trần Chút, học sinh lớp 1 cần học tiếng Việt dưới dạng viết, làm sao để các cháu viết đúng chính tả. Sách Tiếng Việt CNGD thiên về ngữ âm học, dễ gây ấn tượng dạy các cháu trở thành nhà ngôn ngữ học.