Những đứa trẻ bướng bỉnh thường đặc trưng bởi trí thông minh và sức sáng tạo cao. Các bé đặt nhiều câu hỏi, thường tìm cách để được lắng nghe và cố gắng thu hút sự chú ý của người lớn.
Trẻ thể hiện sự độc lập, quyết tâm làm những gì chúng yêu thích. Sẽ có lúc nhiều bậc phụ huynh phải đối mặt với trường hợp bé có thể nói "Không!" với hầu như tất cả mọi thứ bố mẹ yêu cầu.
Các con thường hành động trái ý và từ chối lắng nghe những lời dạy bảo của người lớn.
Điều này mang đến cho cha mẹ những khó khăn nhất định trong việc giáo dục và điều chỉnh hành vi ở trẻ, vì vậy thay vì dùng đến những những lời quát mắng dọa nạt, các mẹ có thể thử 6 "chiến lược đối phó âm thầm" đối với các bé sau đây:
1. Hãy lắng nghe và đừng tranh luận
Nếu bạn muốn con bạn lắng nghe mình thì trước hết cần phải lắng nghe chúng.
Một đứa trẻ quyết đoán thường có lập trường chắn chắn, tính cách mạnh mẽ và thích tranh luận - nếu trẻ cảm thấy rằng lời của mình không được lắng nghe thì giọng điệu sẽ trở nên thách thức và thiếu tôn trọng.
Hầu hết những lúc con bạn khăng khăng không chịu làm điều gì đó mà bạn yêu cầu hoặc ngược lại thì hãy lắng nghe, sau đó nói về những điều đang khiến trẻ khó chịu.
Điều này có thể làm giảm căng thẳng, tạo không gian giúp trẻ thoải mái hơn và nghe theo bạn.
2. Giao tiếp và ủng hộ trẻ
Giao tiếp là con đường hai chiều giúp con người thấu hiểu nhau. Khi bị buộc phải làm điều gì đó trái với ý muốn của mình, theo bản tính, trẻ thường có xu hướng dễ nổi loạn và không vâng lời.
Thuật ngữ mô tả đúng nhất hành vi này là "ý chí chống đối": một khái niệm mượn từ tâm lý học, có nghĩa là sự thúc đẩy ý thức theo bản năng để chống lại bất kỳ cảm giác bị ép buộc hoặc ràng buộc nào.
Đây là đặc điểm không chỉ của trẻ em mà của mọi người nói chung, đặc biệt là những người cứng đầu.
Để khắc phục điều này, bạn cần giao tiếp với con cái và không ép buộc con; Chẳng hạn, nếu con bạn khăng khăng xem TV ngay cả sau khi đi ngủ, đừng cố gắng buộc chúng ngừng xem.
Thay vào đó, hãy ngồi xuống với con và cho con thấy rằng bạn cũng có hứng thú với những gì con xem. Càng thể hiện sự quan tâm và giao tiếp cởi mở, trẻ sẽ trở nên thích hợp tác.
3. Cho con nhiều sự lựa chọn
Mặc dù trẻ em bé nhỏ và ngây thơ đối với thế giới xương quanh, nhưng lại là đối tượng phát triển thái độ và quan điểm rất nhanh. Trẻ không thích bị yêu cầu làm điều gì đó.
Do đó, khi bạn muốn đứa con bướng bỉnh của mình làm gì, điều quan trọng là bạn phải cho chúng lựa chọn và có những chỉ dẫn rõ ràng; Ví dụ, nếu trẻ không muốn đi ngủ, thay vì ra lệnh và cố gắng ép buộc, hãy cho trẻ thêm một sự lựa chọn, chẳng hạn như: "Mẹ sẽ đọc cuốn truyện mà con thích nếu con đi ngủ bây giờ" – Biết đâu chỉ một lát sau, con bạn đã ngoan ngoãn nằm trên giường và chờ nghe bạn đọc truyện để đi vào một giấc ngủ ngon.
Tuy nhiên, chỉ nên cho trẻ tối đa 2-3 lựa chọn thôi, bởi khi cho trẻ quá nhiều sự lựa chọn sẽ khiến trẻ bối rối không biết chọn cái nào.
4. Giữ thái độ bình tĩnh
Khi tranh cãi với một đứa trẻ bướng bỉnh, bạn sẽ có lúc bực tức và la mắng con, nhưng điều này chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn.
Là người lớn, thay vì mất bình tĩnh, hãy biết cách làm chủ cuộc trò chuyện và tìm giải pháp làm dịu tình huống .
Ví dụ sau cuộc trò chuyện, bạn có thể tập các bài tập hô hấp, tập thể dục hoặc nghe những giai điệu nhẹ nhàng ở nhà. Nếu được, hãy cùng làm những điều đó với trẻ.
5. Tôn trọng trẻ
Nếu bạn muốn trẻ nghe theo quyết định của bạn thì hãy tôn trọng trẻ. Trẻ con sẽ không nghe lời nếu bạn cứ thích áp đặt mọi điều lên chúng. Dưới đây là một số cách bạn thể hiện sự tôn trọng với các con:
- Tìm kiếm sự hợp tác
- Không bao giờ từ chối cảm xúc hoặc ý tưởng của trẻ, cũng đừng đánh giá thấp chúng.
- Để con tự làm những gì chúng có thể
- Đặt ra một số quy tắc cho bạn và cả trẻ. Nếu bạn thực hiện tốt những quy tắc đặt ra với mình thì trẻ cũng sẽ làm theo.
- Hãy thể hiện cho trẻ biết rằng bạn tin tưởng chúng
6. Đàm phán
Mặc dù đàm phán nghe có vẻ to tát những đây là phương pháp cần thiết và hiệu quả để "cầm cương" những đứa trẻ bướng bỉnh.
Trẻ em có xu hướng cư xử tiêu cực khi chúng không có được những điều chúng muốn, vì vậy khi bạn muốn con bạn lắng nghe bạn, bạn cần phải hiểu điều gì đang ngăn chúng làm như vậy.
Hãy hỏi trẻ những câu hỏi như: "Có điều gì làm con khó chịu à?", "Con có muốn điều gì không?".
Những câu hỏi này thể hiện bạn tôn trọng cảm xúc và mong muốn của trẻ. Sau đó, bạn có thể dễ dàng nói chuyện và đàm phán với con hơn.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải nhượng bộ mọi yêu cầu của trẻ, hãy tỏ ra ân cần với trẻ.