Tôi thấy nhiều bậc phụ huynh đến là lạ. Thi thoảng ngồi hàn huyên ôn cố tri tân, kiểu gì câu chuyện về "trẻ con thời nay và trẻ con thời xưa" cũng được mang ra bàn luận.
Các ông bố, bà mẹ luôn tự hào về tuổi thơ đầy sôi động, rực rỡ màu sắc. Người ngợm nhễ nhại mồ hôi, lấm lem bùn đất, những ký ức tồn tại mãi mãi.
Thời nay, trẻ em ngồi điều họa mát lạnh, 5, 6 tuổi đầu đã biết thế nào là hưởng thụ resort, khách sạn 5 sao, biết chỉnh điều hòa, lên Youtube tự search phim hoạt hình nhoay nhoáy.
Định kiến của nhiều bậc phụ huynh cho rằng, đám trẻ đó thì làm gì có tuổi thơ; rằng thời đại số đang "giết chết" những kí ức đẹp đẽ nhất của trẻ con.
Họ còn kêu ca ở tầm vĩ mô hơn khi yêu cầu chính quyền phải tạo ra nhiều không gian vui chơi dân gian cho trẻ em, thay vì chỉ dựng nên những trung tâm thương mại, những khu vui chơi thừa sự hiện đại nhưng lại thiếu không gian học hỏi, vận động cho đám trẻ.
Thời nay, những đứa trẻ được tiếp cận công nghệ từ rất sớm. Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên…
Có bao giờ chính người lớn nhìn lại, phải chăng chúng ta chỉ biết kêu ca theo… xu thế, kêu ca cho có vẻ quan tâm tới thế hệ trẻ. Hành động thực tế của chúng ta thế nào?
Tôi biết rất rất nhiều ông bố, bà mẹ để có được 1, 2 tiếng rảnh rỗi buổi tối đã chủ động dí cho con em mình chiếc điện thoại, cốt để chúng… ngồi im một chỗ.
Có lẽ chính các bạn đã từng trải qua không gian kiểu này: Một đám bạn lâu ngày hội ngộ, con cái không ai trông đành phải "xách" theo. Cả nhóm hàn huyên, trẻ con không biết nói chuyện gì bắt đầu làm ồn hoặc chạy loạn trong quán.
Ra đường thì sợ tệ nạn, chơi trong quán gây ồn cho khách khác, vậy là chiếc điện thoại lại được rút ra, khóa chặt đứa trẻ với chiếc ghế.
Trong bối cảnh như vậy, ai là người có lỗi? Công nghệ có lỗi, một quán café thiếu không gian có lỗi hay chính những ông bố, bà mẹ có lỗi?
Chiếc điện thoại giống như biện pháp hữu hiệu được các ông bố, bà mẹ sử dụng để "khoá chân" con nhỏ. Ảnh minh hoạ
Tôi quen một cặp vợ chồng người Đức. Họ có 2 cậu con trai, lớn 6 tuổi, nhỏ 5 tuổi.
Thi thoảng họ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như trên. Nhưng thay vì cho trẻ con xem điện thoại, quát tháo chúng không được làm ồn, thậm chí đe dọa, họ tập cho các con thói quen đọc sách, đọc truyện tranh.
Họ khuyến khích các con của mình va chạm, tìm tòi những điều xung quanh. Tất nhiên là ở mức độ an toàn chấp nhận được, nhưng không quá an toàn, quá sợ hãi như người Việt chúng ta.
Đã tới lúc chính những bậc phụ huynh phải thừa nhận, chúng ta, đang trực tiếp hoặc gián tiếp, xóa trắng ký ức của con em, nhưng lại đổ lỗi cho những yếu tố không có khả năng đối chất như thời đại, hoàn cảnh…
Bao nhiêu phụ huynh đang đọc bài viết này cảm thấy con mình cần biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1?
Con tôi cũng đang ở độ tuổi chuẩn bị vào lớp 1 và cho dù đã tranh cãi khá gay gắt, tôi vẫn phải mỗi tuần 3 lần đèo cô con gái bé bỏng tới học đọc, học viết, dù còn mấy tháng nữa cháu mới bước vào lớp 1.
Chẳng phải lớp 1 là để học đọc, học viết sao? Tại sao trẻ em lại phải biết đọc, biết viết từ trước? Bộ giáo dục quy định hay chính những bậc phụ huynh vì quá kỳ vọng vào con, vì hùa theo số đông, đã tự đặt ra quy định này?
Dù chưa vào lớp 1 nhưng có nhiều trẻ đã đọc và viết khá thành thạo. Ảnh minh hoạ
Tại sao một đứa trẻ mới 7, 8 tuổi, nhiều từ tiếng Việt còn chưa biết hết nghĩa đã phải nhớ được cả tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn?
Phải chăng do những "con nhà người ta" như vậy nên con mình cũng phải đi theo lộ trình đó?
Vấn đề là khi được hỏi: Con nhà người ta là ai? Không ai biết. Họ cũng chỉ nghe người khác kể lại vê một hình mẫu nào đó, một đứa trẻ 6, 7 tuổi đã phát lộ tố chất thiên tài, một thần đồng coi "truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn".
Họ chưa từng gặp "con nhà người ta", nhưng số đông làm vậy mà con mình không làm vậy kể cũng hơi chột dạ.
Trong những lúc trà dư tửu hậu, người lớn ca cẩm, thương thay cho đám trẻ đang mất dần những ký ức tuổi thơ. Chúng sẽ không bao giờ biết vận động, vui chơi một cách đúng nghĩa là thế nào.
Kêu ca là thế, nhưng về nhà, chính những bậc phụ huynh đó lại gò ép con mình vào cái khuôn của thời đại, chính những người đó lại tự giác đưa điện thoại, ipad cho con cái để mua được vài tiếng rảnh rỗi ngồi café với bạn bè.
Tuổi thơ một đứa trẻ ra sao không phải do thời đại quyết định. Do chính những ông bố, bà mẹ quyết định.