Cha mẹ nào cũng muốn con mình thành công, nhưng con đường dẫn đến cái đích viên mãn thì quả thật rất khó tìm. Warren Buffett nói rằng bạn sẽ thành công nếu những người bạn hy vọng nhận được sự tin yêu sẽ tin yêu bạn thật lòng.
Oprah Winfrey thì nói rằng thành công đòi hỏi bạn phải học được cách nhận biết cây cầu nào có thể băng qua còn cây cầu nào sẽ cháy giữa chừng.
Jeff Bezos không dành thời gian cho những quyết định có thể đảo ngược dễ dàng trong khi Steve Jobs tin vào sức mạnh của việc dám xin giúp đỡ.
Điểm chung của họ là gì? Họ tin vào chính mình. Bước đầu tiên trên bất kỳ con đường dẫn đến thành công là ngừng lên kế hoạch và bắt tay vào làm ngay những điều trong tầm tay.
Vậy nếu bạn đang là một người cha, người mẹ và rất mong muốn con mình sau này rồi sẽ thành công, có thể tham khảo 8 bài học này.
Đây không phải công thức để thành công nhưng sẽ là nền tảng để con chủ động vươn tới đỉnh cao của chính bản thân:
1. Tính độc lập
Sự hài lòng cá nhân ban đầu đến từ sự tự chủ và độc lập. Cha mẹ có thể là người hướng dẫn, là người đưa ra những quy tắc nhưng đừng bao giờ là người ép buộc.
Cũng giống như người lớn, trẻ em sẽ bộc lộ được nhiều kỹ năng, tài năng khi chúng cảm thấy một việc là đúng, là phù hợp với suy nghĩ và mong muốn của chúng.
Hãy cho phép những bài học từ “phải” thành “muốn” để từ đó con trẻ có động lực để thể hiện bản thân.
2. Những lời khen chân thành
Mọi người đều thích những lời khen khi làm tốt việc gì đó, trẻ con lại càng yêu những lời khen ngợi.
Cha mẹ có xu hướng đặt ra những kỳ vọng và chỉ khen ngợi trẻ khi chúng đạt được kỳ vọng của mình mà không hiểu rằng, đó không phải là điều chúng muốn.
Chỉ cần khen con bạn khi chúng làm tốt một việc gì đó, dù là nhỏ nhoi cũng là động lực lớn để chúng thể hiện mình nhiều hơn.
3. Sự kiên nhẫn
Nếu muốn con cái cảm nhận được sự tin yêu của bạn dành cho chúng, hãy kiên nhẫn với chúng.
Mặc dù con trẻ có những điều sai, những điều chưa biết và đôi khi khiến bạn muốn “nổ tung” vì những câu hỏi ngớ ngẩn thì hãy cứ cố gắng dằn mình lại.
Kiên nhẫn là một cách thể hiện sự tin tưởng của bạn dành cho con cái, và chúng sẽ ghi nhớ điều này thậm chí cho đến hết cuộc đời.
4. Yêu cầu sự giúp đỡ
Trẻ em thì giúp được gì, nếu không phải là càng gây thêm phiền phức? Thế nhưng nếu muốn con mình sớm có được sự độc lập trong cả tư duy lẫn hành động thì hãy thử nhờ con giúp đỡ.
Khi bạn yêu cầu sự giúp đỡ từ con cái, điều đó cho thấy bạn tôn trọng và tin tưởng chúng.
Những đứa trẻ cũng sẽ cảm thấy lòng tự trọng được dâng cao và giá trị bản thân lớn hơn vì chúng nhận ra: Mình có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người khác.
Từ đó tin tưởng vào những khả năng và kinh nghiệm của bản thân hơn.
5. Sự tha thứ
Đã là trẻ nhỏ thì chắc chắn sẽ có lúc mắc sai lầm, nhưng nếu là cha mẹ thông thái thì đừng bám lấy sai lầm đó để trách móc chúng ngày này qua tháng nọ.
Sai lầm chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc sống, cũng không thể đại diện cho cả một con người, nhất là khi trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức toàn diện về những việc mình làm.
Vì thế hãy lùi lại một bước và nghĩ xa hơn, tha thứ cho con trẻ và chỉ dạy chúng về những việc cần làm để sửa sai thì tốt hơn.
6. Sự riêng tư
Cha mẹ có thể nghĩ, đó là con tôi thì tôi có quyền được biết tất cả mọi thứ về chúng. Nhưng đôi khi món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể dành cho con cái chính là sự riêng tư.
Không dò hỏi, không tò mò, không can thiệp quá sâu vào cuộc sống… nhưng đồng thời cũng luôn sẵn sàng có mặt khi con cái muốn được sẻ chia, đó là những việc mà cha mẹ hiện đại nên làm.
Bạn không cần phải biết tất cả mới là quan tâm.
7. Không biến kỳ vọng thành áp lực cho con
Chúng ta không ai hoàn hảo và mỗi người chúng ta đều khao khát trở thành một con người tốt hơn. Con trẻ cũng vậy thôi.
Chúng cũng muốn được nghe những lời động viên và lắng nghe những góp ý mang tính xây dựng để trở thành một người toàn diện hơn.
Tuy nhiên, không nên áp đặt kỳ vọng vượt ngoài khả năng của con cái để gây sức ép cho chúng. Sự kỳ vọng chỉ nên dừng lại ở tính chất góp ý để có được phương án tốt nhất.
8. Tư duy tăng trưởng
Có 2 loại quan điểm về tài năng. Một kiểu cho rằng trí thông minh, tài năng hay những điểm độc lạ ở một người là do bẩm sinh mà có và đôi khi dựa vào đó để đổ lỗi cho sự yếu kém của bản thân.
Một kiểu khác thì cho rằng những điều đó hoàn toàn có thể phát triển thông qua sự nỗ lực và những cố gắng trau dồi – hay gọi là tư duy tăng trưởng.
Bằng việc đưa ra lời khen ngợi có tính chất động viên, tôn trọng những nỗ lực của con cái thay vì giả định về những tài năng bẩm sinh, bạn sẽ giúp con thoát khỏi vùng an toàn và đột phá với cá tính riêng.